|
Tổ chức đón khách du lịch bằng tàu biển ở cảng Quy Nhơn |
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và kế hoạch của Tỉnh ủy Bình Định về Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), trong một năm qua, các cấp, ngành và nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Định đã có nhiều nỗ lực để đưa nền kinh tế tỉnh nhà từng bước HNKTQT. Tuy vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế nhưng qua đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Chính thức bắt đầu từ tháng 12-2002, sau khi tổ chức triển khai quán triệt chủ trương của Đảng về HNKTQT và tuyên truyền thực hiện, rà soát và ban hành các cơ chế chính sách để phù hợp với sự phát triển chung của khu vực; quá trình HNKTQT của tỉnh đã khởi động khá nhanh và đã đạt được những kết quả khả quan.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và soát xét các yếu tố tác động, đến nay về cơ bản các ngành đã hoàn chỉnh được quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch phát triển chung. Từ cơ sở này, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Ước tính năm 2003, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 25,1% và dịch vụ chiếm 35,1% (tương ứng năm 2002 là 41,8%, 23,2% và 35%). Xuất khẩu của tỉnh trong năm 2003 cũng có bước phát triển và tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu ước đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (ước đạt 130 triệu USD/120 triệu USD kế hoạch) trong đó xuất khẩu trực tiếp chiếm trên 90%, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng (hiện có quan hệ buôn bán với 47 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Đáng chú ý, các DN của tỉnh đã chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dần khắc phục tính lệ thuộc vào các tổ chức trung gian. Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện có hơn 20% số DN tham gia xuất khẩu ký hợp đồng và thực hiện xuất trực tiếp không qua khâu trung gian, qua đó hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chủ động và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong việc làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, UBND tỉnh đã hỗ trợ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng thành lập Văn phòng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ tại Quy Nhơn từ tháng 8-2003. Tính đến nay, Văn phòng này đã cấp được trên 650 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ cho các DN.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2003 ở Bình Định cũng đã có sự chuyển động khá. Đến nay đã có 12 dự án được cấp phép và hoạt động (tăng 4 dự án so với năm 2002) với tổng vốn đầu tư 44,15 triệu USD, tăng 16,18 triệu USD so với năm 2002. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư vào tỉnh theo chính sách và danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh. Thống kê cho biết, trong năm 2003 có trên 80 đoàn nước ngoài với trên 450 lượt người đến Bình Định để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại cũng đã được tăng cường thông qua việc tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, giới thiệu chính sách và các cơ hội đầu tư kinh doanh; hội chợ triển lãm; hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ triển lãm ở trong và ngoài nước (có trên 40 DN được hưởng thụ chương trình này). Ngoài ra, có nhiều DN của tỉnh đã chủ động tham gia thường xuyên có hiệu quả các hội chợ triển lãm ở trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, nhiều cơ hội đầu tư - kinh doanh đã được hình thành và từng bước hiện thực hóa trong sự phát triển chung tại tỉnh.
Về xây dựng thương hiệu, bước đầu các DN của tỉnh đã có sự quan tâm hơn. Với sự chủ động của các DN và chính sách hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng thương hiệu, hiện có trên 50 DN đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp với trên 100 nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, nhiều nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh đã khẳng định được vị trí trên thị trường và chiếm được thị phần quan trọng, điển hình là Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định hiện có 56 nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp được đăng ký và sử dụng.
Việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế đã được một số DN coi trọng và xác định là vấn đề sống còn của mình. Do đó, cùng với chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, các DN đã chủ động tiếp cận với các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín để thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 DN được cấp giấy chứng nhận về thực hiện áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, gồm 8 DN đạt ISO 9000: 2000, 2 DN đạt ISO 14000, 3 DN đạt HACCP, 1 DN đạt GMP và 1 DN đạt ISM Code. Ngoài ra, hiện có 6 DN khác đã đăng ký và đang xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với những chuyển động nêu trên, tỉnh cũng đã tích cực cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và có chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về tỉnh công tác. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, quá trình HNKTQT của tỉnh vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như: Các chủ trương, cơ chế chính sách có liên quan đến HNKTQT tuy được ban hành đầy đủ nhưng chưa phát huy hiệu quả trong thực tiễn; công tác quy hoạch còn chậm; khả năng cạnh tranh của các DN còn yếu; công tác quảng bá hình ảnh Bình Định và việc xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại chưa được mở rộng đến các đối tác có nhu cầu... Và đó chính là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để quá trình HNKTQT của tỉnh được nhanh hơn.
THÚC GIÁP
|