Hiệu quả từ mô hình điện gió kết hợp năng lượng mặt trời ở vùng cao Canh Liên
16:39', 3/12/ 2003 (GMT+7)

Trạm điện gió kết hợp năng lượng mặt trời tại làng Cà Bưng (Canh Liên)

Canh Liên là xã vùng cao thuộc huyện miền núi Vân Canh. Muốn lên Canh Liên, từ thị trấn Vân Canh phải đi theo con đường độc đạo vượt qua cổng trời và con đường đèo dốc đầy hiểm trở. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của tỉnh, diện mạo vùng cao Canh Liên có nhiều khởi sắc. Ở 8 làng đồng bào thiểu số với 330 hộ 1.900 nhân khẩu, đã có đường ô tô về đến từng làng; mỗi làng đều có trường học, trạm y tế... Người dân vùng cao đã định canh định cư xây dựng cuộc sống mới.

Từ năm 1997, Điện lực Bình Định đã đưa lưới điện đi-ê-zen lên xã vùng cao Canh Liên, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Vài năm sau, làng Hà Giao được xây dựng nguồn điện năng lượng mặt trời, nhưng nguồn điện này không ổn định, chỉ phát huy được tác dụng trong mùa nắng. Đến năm 2002, Canh Liên được lắp đặt thiết bị điện gió kết hợp điện năng lượng mặt trời, gồm: Một trụ ăng ten tam giác cao 12m, một máy phát điện gió có công suất 1KW, 4 tấm pin mặt trời công suất 250W, 4 bình ắc quy và bộ đổi điện 24 vol một chiều ra 220 vol xoay chiều để sử dụng. Mỗi bộ điện gió kết hợp điện năng lượng mặt trời trị giá 60-70 triệu đồng, kinh phí do tỉnh đầu tư. Sở Công nghiệp tỉnh đã lắp đặt 2 bộ điện gió kết hợp điện năng lượng mặt trời dùng cho Đài truyền thanh xã Canh Liên và nhà công vụ giáo viên. Đây là nguồn điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường, dễ vận hành.

Đến tháng 9-2003, sáu cụm điện gió kết hợp điện năng lượng mặt trời được tiếp tục lắp đặt tại các điểm làng còn lại của xã và làng Canh Giao của xã Canh Hiệp. Khi điện lưới quốc gia chưa thể kéo tới được, nguồn điện này đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con vùng cao, phục vụ thắp sáng, nghe đài, xem tivi. Nguồn điện này rất ổn định, đã cung cấp điện cho thiết bị thu sóng truyền hình trực tiếp từ vệ tinh phục vụ đồng bào ở các làng vùng cao được xem 3 kênh truyền hình Việt Nam.

Khó mà nói hết được niềm vui của mọi người dân Canh Liên khi điện về làng. Ông Đinh Văn Canh - Bí thư chi bộ làng Canh Tiến cho biết: "Nhờ có nguồn điện này mà người dân được xem truyền hình, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bà con; điều quan trọng hơn nữa là học tập được cách làm ăn để áp dụng vào việc sản xuất ở địa phương".

BÙI QUANG HƯNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định sau một năm thực hiện chủ trương Hội nhập kinh tế quốc tế   (02/12/2003)
HTX Vận tải ô tô 30-3 An Nhơn: Phát triển cả bề rộng và chiều sâu   (01/12/2003)
PEEP: Sạch hơn, vệ sinh hơn   (30/11/2003)
Cơ sở đúc đồng Đức Tuấn: Xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống   (28/11/2003)
Hướng đi nào cho nghề nuôi tôm sú?  (26/11/2003)
DNTN Ngọc Ân - Nâng cao năng lực cạnh tranh   (25/11/2003)
Phong phú thị trường lịch 2004   (24/11/2003)
Các doanh nghiệp Bình Định đã sẵn sàng lên mạng  (23/11/2003)
Bidiphar trên đôi hài bảy dặm   (25/11/2003)
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Đừng để mất bò mới làm chuồng   (20/11/2003)
Mô hình phát triển kinh tế trang trại: Hướng đi và kết quả bước đầu   (19/11/2003)
Phát triển CN-TTCN ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng   (18/11/2003)
Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn   (17/11/2003)
Trăn trở với nghề câu cá ngừ đại dương   (16/11/2003)
Những người "thầy" Internet   (14/11/2003)