|
Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Cảng Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng) |
LTS: Chủ tịch nước Trần Đức Lương vừa có chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định - những tỉnh thuộc miền Trung vốn nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng, đang gắng gỏi vươn lên với những dự án và bao hy vọng... Báo Bình Định xin trân trọng trích giới thiệu ghi chép của phóng viên báo Nhân Dân về chuyến công tác này của Chủ tịch nước.
Đến Quy Nhơn, dễ nhận thấy thành phố này sôi động hơn hẳn nhiều thị xã, thành phố ven biển miền Trung. Có lẽ, do đây là một cảng biển lớn lâu năm, hơn nữa, sự phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Định mấy năm nay cũng đặt trọng tâm ở thành phố này. Thực hiện chương trình phát công nghiệp đến năm 2010, trong 3 năm qua, Bình Định chú trọng quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Tài và 14 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện và thành phố Quy Nhơn. Chủ tịch Trần Đức Lương tới thăm Khu công nghiệp Phú Tài, rộng 350 ha, nơi có 107 dự án đăng ký đầu tư, lấp đầy 80% diện tích đất công nghiệp, với 64 dự án đi vào hoạt động, vốn thực hiện 722 tỷ đồng. Tới các nhà xưởng chế biến đồ gỗ, chế biến đá hoa cương xuất khẩu... trong không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương, hàng hóa ngồn ngộn đang được đóng vào công-ten-nơ, ai cũng vui chung với sự làm ăn phát đạt của các doanh nghiệp này.
Tin vui khi Chủ tịch nước đến thăm Cảng Quy Nhơn, nơi những con tàu lớn đang cập cảng "ăn hàng", với cờ hoa đón chào, là cảng chỉ còn mấy ngày nữa hoàn thành bốc xếp tấn hàng thứ 2 triệu trong năm nay, một điều là mấy năm trước ít ai ngờ tới. Ở Quy Nhơn có đầm Thị Nại nổi tiếng là một đầm nước lợ rộng lớn và vẻ đẹp của nó. Cùng với Chủ tịch nước, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động sôi nổi ở đây với việc triển khai dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Cây cầu lớn vượt qua đầm Thị Nại, nối thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, có chiều dài 2.477m, trọng tâm của dự án này với 16 nhà thầu tham gia xây dựng, vốn đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng. Nhìn sơ đồ dự án, như thấy cây cầu sẽ làm cho đầm Thị Nại đẹp hơn và mở ra khu kinh tế Nhơn Hội rộng tới 12 nghìn ha bên kia bờ đầm.
Trong chuyến đi này, chúng tôi được thăm một dự án chăn nuôi bò sữa khá lớn ở huyện An Nhơn, một huyện nghèo ở phía tây Bình Định. Khu nuôi tập trung các trang trại bò sữa ở xã Nhơn Tân được hình thành với tổng diện tích 200 ha, được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đang là mũi nhọn đột phá về chăn nuôi đại gia súc theo kiểu công nghiệp, thâm canh ở vùng này. Chủ tịch Trần Đức Lương phấn khởi khi đi thăm các trại nuôi bò sữa, các cánh đồng trồng cỏ cho bò ở đây và gợi ý ngay cả việc nuôi bò thịt cũng cần chọn giống tốt và nuôi thâm canh theo kiểu này mới có hiệu quả. Từ mô hình này cần giúp đỡ người dân trong vùng chăn nuôi với quy mô nhỏ hơn, với các hộ gia đình, để tạo việc làm và nhanh chóng thoát nghèo.
Tới thăm xã vùng cao Canh Hòa, huyện Vân Canh, nói chuyện với đồng bào dân tộc Ba na, Chăm..., Chủ tịch Trần Đức Lương cảm nhận những đổi thay ở vùng núi này, khi các công trình hạ tầng như "điện, đường, trường, trạm" khá hoàn chỉnh, cải thiện đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, việc thoát nghèo ở nơi đây đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, phải phát huy tính năng động, chủ động hơn nữa để phát triển kinh tế, nhịp bước cùng cả nước vươn tầm cao mới.
TUẤN PHONG
|