KCN Phú Tài: Bao giờ có hệ thống xử lý nước thải tập trung ?
17:2', 4/12/ 2003 (GMT+7)

Tính đến nay, khu công nghiệp (KCN) Phú Tài đã xây dựng được 4 năm và đã có 107 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 64 dự án đã hoạt động. Thế nhưng hiện KCN này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Nguyên nhân từ đâu?

Theo dự án, quá trình xây dựng KCN Phú Tài được chia thành 3 giai đoạn. Xuất phát từ đặc thù của KCN là được thành lập trên cơ sở có sẵn một số nhà máy, để phù hợp với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng có hạn của mình, đồng thời thăm dò khả năng đầu tư của các nhà doanh nghiệp vào các KCN, Bình Định đành phải thực hiện theo phương thức cuốn chiếu: vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Và như thế, những bất cập trong việc đáp ứng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nhà đầu tư, trong đó có hệ thống XLNT tập trung, là điều không tránh khỏi. Theo ông Lâm Thanh Hảo - Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng các KCN - nguyên nhân chậm trễ của việc xây dựng hệ thống XLNT KCN Phú Tài là ở khâu lựa chọn công nghệ: "Trước đây, phương án công nghệ và thiết kế dự toán hệ thống XLNT KCN Phú Tài đã được Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Bình Định lập, tuy nhiên khi thẩm định lại không đạt. Vì thế UBND tỉnh buộc phải lập thiết kế dự toán mới và hiện chúng tôi đang giao cho Viện Khoa học công nghệ và môi trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn phương án công nghệ".

Trong số 107 dự án đăng ký đầu tư vào KCN Phú Tài, có 40 dự án chế biến lâm sản xuất khẩu, 10 dự án chế biến đá granite, 9 dự án sản xuất giấy và bao bì carton, 7 dự án sản xuất vật liệu xây dựng và nhiều dự án về các ngành nghề khác như: cồn, bia, may mặc, giày da, cao su… Theo thống kê của BQL dự án các KCN Bình Định, hiện lưu lượng nước thải tại KCN Phú Tài là từ 2.100-2.500 m3/ngày đêm, song do một mặt KCN vẫn chưa có hệ thống thu gom và XLNT tập trung, mặt khác hầu hết các doanh nghiệp trong KCN vẫn chưa xây dựng hệ thống XLNT cục bộ nên lượng nước thải này vẫn được thải trực tiếp vào môi trường mà không qua khâu xử lý nào cả. Mà theo quy định thì các doanh nghiệp phải tự XLNT của mình đạt cấp độ C rồi mới cho chảy ra hệ thống XLNT tập trung để được xử lý đạt cấp độ B trước khi thải ra môi trường. Trong số 64 doanh nghiệp đang hoạt động ở KCN Phú Tài hiện chỉ có 3 doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống XLNT cục bộ, đó là DNTN thương mại Vạn Phát (sản xuất cồn), Công ty TNHH Tân Bình (sản xuất giấy) và DNTN Ngọc Đăng (sản xuất bột cá). Với DNTN Vạn Phát, mặc dù đã được Viện Pasteur chứng nhận là hệ thống XLNT của mình đã XLNT đạt cấp độ B nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn chưa thể đi vào sản xuất được do áp lực từ người dân địa phương, vì họ cho rằng nước thải của Vạn Phát vẫn còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng! Còn với DNTN Ngọc Đăng, hiện cơ sở đang thay đổi công nghệ cho hệ thống XLNT của mình để đáp ứng nhu cầu sản xuất mới.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường, ngày 1-10-2002, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kinh phí xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 15-20% tổng kinh phí đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Tuy vậy, vấn đề chính vẫn là do ý thức của các doanh nghiệp. Một cán bộ của BQL dự án các KCN nhận xét: "Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thấy được sự nguy hại do chất thải từ nhà máy của mình thải nên còn rất lơ là trong khâu bảo vệ môi trường. Cho đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh và BQL cũng thúc ép nên họ mới bắt đầu rục rịch". Theo ông Lâm Thanh Hảo, Công ty phát triển hạ tầng các KCN đang cố gắng để có thể triển khai xây dựng hệ thống XLNT KCN Phú Tài vào quí I/2004. Trước mắt sẽ xây dựng đường ống thu gom nước thải (dài 2 km) và các hồ sinh học đối chứng, sau đó là xây dựng trạm XLNT tập trung và cố gắng để hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2004.

Các dự án đầu tư vào KCN Phú Tài có quy mô đầu tư vừa và nhỏ, hiện nay phần lớn là các dự án chế biến lâm sản xuất khẩu nên lưu lượng nước thải công nghiệp không lớn và không thường xuyên, nhưng bên cạnh đó còn có các nhà máy có lượng nước thải lớn như: bia, cồn, giấy. Vì thế, không thể kéo dài sự chậm trễ trong việc xây dựng các hệ thống XLNT cục bộ, hệ thống XLNT tập trung ở KCN. Bởi vì sự ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, cho công tác bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư mà còn ảnh hưởng trực tiếp và dài lâu đến sức khỏe cộng đồng của nhiều thế hệ.

NGUYỄN BÍCH

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định nhịp bước cùng cả nước   (04/12/2003)
Hiệu quả từ mô hình điện gió kết hợp năng lượng mặt trời ở vùng cao Canh Liên   (03/12/2003)
Bình Định sau một năm thực hiện chủ trương Hội nhập kinh tế quốc tế   (02/12/2003)
HTX Vận tải ô tô 30-3 An Nhơn: Phát triển cả bề rộng và chiều sâu   (01/12/2003)
PEEP: Sạch hơn, vệ sinh hơn   (30/11/2003)
Cơ sở đúc đồng Đức Tuấn: Xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống   (28/11/2003)
Hướng đi nào cho nghề nuôi tôm sú?  (26/11/2003)
DNTN Ngọc Ân - Nâng cao năng lực cạnh tranh   (25/11/2003)
Phong phú thị trường lịch 2004   (24/11/2003)
Các doanh nghiệp Bình Định đã sẵn sàng lên mạng  (23/11/2003)
Bidiphar trên đôi hài bảy dặm   (25/11/2003)
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Đừng để mất bò mới làm chuồng   (20/11/2003)
Mô hình phát triển kinh tế trang trại: Hướng đi và kết quả bước đầu   (19/11/2003)
Phát triển CN-TTCN ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng   (18/11/2003)
Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn   (17/11/2003)