|
Nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ |
Những hồ tôm trên cát ở hai xã Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ) đang vào mùa thu hoạch. Đây là vụ thu hoạch đầu tiên của dự án nuôi tôm trên cát đang triển khai ở Phù Mỹ. Chưa hết vụ nhưng đã dám chắc là bội thu...
* Niềm vui trong mùa biển động
Ở huyện Phù Mỹ, những xã biển đa phần là xã nghèo, điển hình là 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An. Mùa nắng, hầu như dân trong xã chỉ trông chờ vào những chiếc thuyền đánh bắt lúc được, lúc không. Mùa biển động, thuyền úp vỏ trên bãi ngang cát trắng. Bốn bề mênh mông là đất cát mà chẳng có mấy loại cây sinh sống được, trừ phi lao. Cát trắng từ bao đời vẫn thế. Cho đến một ngày cách đây hơn 2 năm, bãi cát dài lần lượt được chia cắt, bao bọc thành những ô vuông vắn tiếp nối nhau trên bờ cát dọc theo bờ duyên hải.
Tôi đã nhiều lần về với Mỹ An, Mỹ Thắng và những xã biển khác ở Phù Mỹ vào mùa biển động trong những năm trước. Thuyền neo chặt, sõng úp trên bờ, ngư dân ở nhà ngồi không, lắm khi "Nhàn cư vi bất thiện". Muốn có việc làm cũng "căng" vì phần lớn đất ở đây toàn cát và cát. Nhưng đó là chuyện của hôm qua. Chúng tôi về Mỹ Thắng lần này đúng vào dịp đài đang báo bão, cơn bão số 7. Nhưng dọc theo bờ biển, không khí sôi động với những công trình đang hối hả thi công xây dựng để chuẩn bị cho mùa nuôi tôm tới.
Ông Huỳnh Văn Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ:
Dự tính trong năm 2004, toàn bộ 200 ha nuôi tôm trên cát của Dự án 1 sẽ hoàn thành và đưa vào nuôi. Trong số diện tích trên, riêng phần thuê của 3 Công ty AE (TPHCM), Asia Hawaii (Mỹ) và Thanh Linh (Bình Định) chiếm khoảng 1/3, diện tích còn lại cấp cho các hộ dân của các xã biển. Trong thời gian tới, nếu nhân dân có nhu cầu thêm diện tích nuôi tôm trên cát, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với tỉnh đưa vào sử dụng nốt 400 ha còn lại ở xã Mỹ Thành. Trước mắt, hai dự án nuôi tôm trên cát của huyện giải quyết được hàng nghìn lao động địa phương. Chúng tôi xác định đây là một trong những mũi nhọn phát triển của Phù Mỹ. |
Tôi gặp bác Nguyễn Văn An - ở thôn 8 - xã Mỹ Thắng đang loay hoay với những con tôm vừa thu hoạch ở vụ đầu tiên. Bác An phấn khởi: "Gia đình tôi được giao 2 ao với tổng diện tích hơn 5.000m2. Ước tính vụ đầu tiên này trên ao 2.200m2, sau khi trừ hết chi phí chúng tôi thu lãi được khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên con số lãi ấy sẽ có khả năng cao hơn nếu như chúng tôi có nhiều kinh nghiệm."
Tâm trạng của bác An cũng là của chú Tả, anh Xuân và nhiều người dân khác ở 2 xã Mỹ Thắng, Mỹ An sau vụ thu hoạch vừa qua. Hầu hết các hộ nuôi tôm ở hai xã đều đã "trúng" ngay vụ đầu tiên này. Trúng "đậm" hơn cả trong vụ này vẫn là những công ty nuôi tôm. Ông Lê Văn Sang – Giám đốc Chi nhánh Công ty Asia Hawaii Bình Định, cho biết: "Trừ toàn bộ chi phí chúng tôi thu lãi được khoảng 600 triệu đồng trong 3 ha diện tích nuôi tôm trong vụ đầu. Bình quân năng suất tôm khoảng 7,5 tấn/ha. Sắp tới thu hoạch của các hồ tiếp theo có khả năng còn cao hơn thế nữa".
Không phải vì ngẫu nhiên mà mùa tôm trên cát đầu tiên ở huyện Phù Mỹ đạt hiệu quả cao như vậy. Ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: "Trong vụ đầu tiên, toàn huyện có 6,8 ha diện tích nuôi hai loại tôm he chân trắng và tôm sú ở hai xã Mỹ Thắng và Mỹ An, đã thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 40 tạ/ha. Trong lúc tôm sú giống đang bị nhiều bệnh tật, chúng tôi đề nghị các đơn vị và một số hộ dân thử nghiệm mô hình nuôi tôm he chân trắng ngay vụ đầu tiên. Và kết quả thu được thấy rõ, những hộ nuôi tôm he chân trắng có năng suất cao hơn gấp 2, 3 lần so với tôm sú. So với tôm sú thì loại tôm này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, trong khi đó quá trình nuôi cũng đơn giản hơn. Dự tính, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành phổ biến những kiến thức về giống tôm này cho bà con nuôi trồng ở xã Mỹ Đức và Mỹ Thành".
* Triển vọng tương lai
Huyện Phù Mỹ đang triển khai Dự án 1 nuôi tôm trên cát ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Đức trên diện tích 200ha với tổng kinh phí đầu tư trên 36,5 tỉ đồng. Trong đó đã có 22 ha đã tiến hành nuôi trồng.
Việc triển khai những dự án nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ đã làm cho những xã biển nghèo thay đổi rõ rệt. Những con đường liên thôn, liên xã bằng bê tông phẳng lì thay thế cho những con đường cát lún. Đêm đến, điện từ những công trình nuôi tôm tỏa sáng cả làng, cả xóm. Cũng từ ngày triển khai dự án, hàng trăm người dân của các xã biển có việc làm. Anh Hải - công nhân của Công ty Asia Hawaii, phấn khởi: "Mình được trả 700.000 đồng/tháng với công việc trông coi hồ tôm và cho tôm ăn. Ngoài ra, sau vụ thu hoạch nếu đạt kết quả cao mình còn được thưởng thêm. Vụ thu hoạch vừa qua, mỗi anh em làm cho công ty được thưởng thêm 400.000 đồng ngoài lương." Một khoản thu nhập ổn định như thế ở xã biển Mỹ Thắng còn hơn cả một giấc mơ.
Đã từ bao đời nay, với những người dân ở các xã biển của huyện Phù Mỹ, những dải cát trắng luôn là ám ảnh đồng nghĩa với đói nghèo, cơ cực. Nhưng nay thì đã khác, con tôm giờ đây không chỉ là chuyện "xóa đói, giảm nghèo" cho người dân vùng biển mà còn là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm tới.
Tại cuộc gặp gỡ giữa ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, có đại biểu đề nghị tỉnh Bình Định dành một phần sản lượng tôm phân phối cho các doanh nghiệp từ TPHCM ra. Vừa nghe câu hỏi xong, ông Hà đã cười lớn - Tôm ở Bình Định hiện chưa đủ để nhà máy thủy sản trong tỉnh "ăn". Các anh nên về Bình Định lập dự án đầu tư nuôi tôm trên cát, tỉnh sẵn sàng bố trí đất đai, hỗ trợ thủ tục... Mà cũng phải làm mau mau chớ mai mốt hết đất đó! Nói xong, ông cười.
Tương lai của con tôm Phù Mỹ có thể thấy được trong nụ cười tự tin của ông Chủ tịch tỉnh.
ANH TÚ
|