|
Đưa điện về vùng cao |
Ngành Điện lực hiện đang bán điện đến công tơ tổng với giá bán buôn 550 đồng/KW; từ công tơ tổng, UBND xã, HTX, thôn… trực tiếp quản lý mạng lưới điện bán đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, lâu nay do công tác quản lý của nhiều địa phương còn khá lỏng lẻo đã để xảy ra tình trạng tổn thất điện năng khá lớn, ở nhiều nơi nông dân phải chịu sử dụng giá điện cao…
Trong nhiều năm qua, ngành Điện lực đã có nhiều cố gắng đầu tư phát triển lưới điện, đưa điện lưới quốc gia về khắp các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn lại 4 xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia là Canh Liên (Vân Canh), An Toàn, An Nghĩa (An Lão) và xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Theo thống kê của ngành Điện lực, đến nay 95% số hộ dân trong Bình Định đã được sử dụng điện. Có điện, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn, đời sống kinh tế – xã hội ngày càng khởi sắc; các dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, nghịch lý trong sử dụng điện của người dân nông thôn hiện nay là phải chịu giá điện ở mức khá cao. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn hàng chục ngàn hộ dân thường xuyên sử dụng điện với giá trên 1.000 đồng/KW, tăng gấp 2-3 lần so với giá gốc của Chính phủ quy định (550 đồng/KW). Cá biệt, có những nơi do tổn thất điện năng quá lớn người dân phải chịu giá điện từ 2.000-2.500 đồng/KW.
Ông Trương Nho ở đội 7, thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành (An Nhơn) bức xúc cho biết: "Gia đình tôi hàng tháng chỉ sử dụng khoảng 30-40 KW điện sinh hoạt, nhưng thường xuyên phải trả đến 60.000 - 80.000 đồng, cao gấp 3-4 lần so với mức quy định của nhà nước". Ông Trần Văn Hớn, ở xóm Huy Đông, thôn Quang Huy, xã Phước Lộc (Tuy Phước) cho biết thêm, hiện tại gia đình ông cùng nhiều người dân ở địa phương này cũng chịu mức giá điện trung bình từ 2.000 đến 3.000 đồng/KW. Theo ông Hớn thì mỗi tháng trong 1 KW điện sử dụng phải trả thêm từ 2-3 KW nữa vì tổn thất phát sinh. Còn tại đội 11, thôn Liêm Trực, thị trấn Bình Định (An Nhơn), dù là khu vực thị trấn, ngành Điện quản lý lưới điện và bán trực tiếp đến từng hộ gia đình, nhưng người dân ở đây vẫn còn sử dụng điện với giá rất cao do phải dùng điện mắc qua công tơ tổng. Bà Nguyễn Thị Lý, một người dân ở địa phương, cho hay: "Nhà có một mình tôi, chỉ sử dụng 2 bóng đèn néon 6 tấc vào ban đêm, mỗi tháng dùng khoảng 5-6 KW điện nhưng tôi phải trả tiền tới 22 KW điện do tổn thất". Nếu bà Lý mua điện giá gốc thì mỗi tháng bà chỉ trả khoảng 3.000-3.500 đồng, nhưng do mức tiêu hao quá lớn nên bà phải trả từ 15.000-17.000 đồng...
Theo ông Lâm Tăng Hòa, Phó Giám đốc Điện lực Bình Định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổn thất điện năng ở vùng nông thôn Bình Định hiện nay còn cao là do lưới điện hạ áp bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn đường dây hạ áp 0,2 và 0,4 KV được xây dựng bằng nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp, mức độ có hạn và phát triển tự phát nên lưới điện đa phần không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, vì không được đầu tư cải tạo, sửa chữa hay nâng cấp để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển phụ tải nên lưới điện bị quá tải. Bên cạnh đó, đường dây dẫn điện vào từng nhà thường quá dài, nhiều mối nối, kích cỡ dây khác nhau nên gây tổn thất điện rất lớn. Các hộ sử dụng điện lại thường sử dụng điện kế của Trung Quốc sản xuất có chất lượng kém, nhiều năm liền không được kiểm định... Ông Nguyễn Hồng Minh, chuyên viên Phòng Kỹ thuật Quản lý điện năng (Sở Công nghiệp) cho biết thêm: "Nhiều xã hiện đang phải chịu giá bán điện cao là do công tác quản lý điện ở địa phương còn nhiều yếu kém; buông lỏng công tác quản lý, làm nảy sinh việc ăn cắp điện nhưng không phát hiện được. Có HTX tổ chức làm dịch vụ điện nhưng lấy nguồn thu từ tiền điện đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh khác, không đầu tư nâng cấp lưới điện, làm cho hệ thống đường dây dẫn điện bị xuống cấp gây tổn thất điện năng lớn". Ông Lâm Tăng Hòa còn cho biết: Ở khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, hiện ngành Điện hợp đồng bán điện trực tiếp đến hộ gia đình, tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều công tơ phụ phải mắc gián tiếp qua công tơ tổng khác. Việc tổ chức kiểm tra định kỳ chưa được thực hiện chặt chẽ đã gây tổn thất lượng điện năng tương đối lớn…
Được sử dụng điện theo giá quy định của Chính phủ là nguyện vọng chính đáng của người dân nông thôn hiện nay. Việc chấn chỉnh các mô hình quản lý điện nhằm giảm thiểu tối đa tổn thất điện năng là vấn đề cần quan tâm. Mong rằng các cơ quan chức năng và ngành Điện sớm có biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên, để người dân được sử dụng điện theo giá bán thấp nhất.
NGUYỄN HÂN
|