Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…
17:2', 17/12/ 2003 (GMT+7)

Năm 2003, sản xuất công nghiệp (SXCN) ở Bình Định tiếp tục có bước tăng trưởng khá, đạt 19,4% so với năm 2002. Tuy nhiên, điều đáng nói là hoạt động SXCN đã tạo đà cho những bước đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.

* Tăng trưởng ngoạn mục

Dây chuyền sản xuất sữa Vinamilk tại Nhà máy sữa Bình Định

Năm 2003, SXCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.329 tỷ đồng, tăng 19,4%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, công nghiệp trung ương đạt 363,5 tỷ đồng, tăng 34,1%; công nghiệp địa phương đạt 1925,8 tỷ đồng, tăng 15,9%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 105 triệu USD, chiếm 82,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của địa phương tăng khá, trên 30% như gỗ tinh chế, đá ốp lát, giày dép xuất khẩu, xi măng…Năm 2003 cũng là năm ngành công nghiệp có thêm nhiều dự án đi vào hoạt động như: Dự án xưởng ván ép từ dăm gỗ và bã mía, Dự án nhà máy sữa, Dự án dây chuyền giày vải cao cấp…  

Nhiều chính sách mời gọi và khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Bình Định đã được triển khai. Chỉ riêng KCN Phú Tài năm qua có thêm 9 DN mới đi vào hoạt động và thu hút thêm 7 DN đăng ký đầu tư. Hiện nay, tổng số DN đã đăng ký và đang hoạt động trong KCN Phú Tài lên 107 DN với tổng vốn đầu tư trên 1.099 tỷ đồng, giá trị sản xuất tăng 64%, kim ngạch xuất khẩu tăng 82%, giải quyết việc làm cho cho người lao động tăng 19% so với năm 2002. KCN Long Mỹ được khẩn trương triển khai đầu tư hạ tầng và đã thu hút 7 DN đăng ký đầu tư, trong đó có 1 DN đang xây dựng nhà xưởng.

Các làng nghề truyền thống đã được chú trọng khôi phục và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 41 làng nghề với trên 4.750 hộ kinh tế tham gia, thu hút trên 13.800 lao động chiếm tỷ lệ trên 23% số lao động và 8% giá trị SXCN khu vực ngoài quốc doanh. Một số sản phẩm của các làng nghề bước đầu có uy tín thị trường và tham gia xuất khẩu: Nước mắm Phùng Kỳ, Mười Thu, đồ gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, chỉ xơ dừa Tam Quan, bột nhang Nga Lâu, bánh tráng xuất khẩu của HTX Nông nghiệp Nhơn Lộc 2…

Nhờ vậy, số cơ sở SXCN trên địa bàn tỉnh từ 15.600 cơ sở năm 2002 đã tăng lên 17.500 cơ sở vào cuối năm 2003 (tăng 12,6%). Qua đó, đã thu hút lực lượng lao động xã hội đáng kể, từ hơn 75.000 người năm 2002, đến năm 2003 đã tăng lên 85.000 người.     

* Khởi tạo những tiền đề

Tiền đề đầu tiên là nhận thức của các DN về công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu và áp dụng các quy trình chất lượng. Chẳng hạn, việc tìm kiếm thị trường, tiếp thị thông qua việc tham gia các hội chợ, mở trang web, xây dựng thương hiệu… được các DN đặc biệt chú trọng. Các DN trong tỉnh cũng quan tâm và áp dụng các phương thức quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, đã có 15 DN trong tỉnh được cấp chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các hệ thống quản lý chất lượng, nhiều DN khác cũng quan tâm nâng cao chất lượng ngay trong từng công đoạn sản xuất.  Đây là các yếu tố quan trọng để các DN nâng cao khả năng cạnh tranh, hòa nhập thị trường thế giới ngày càng vững vàng hơn. Đây là tiền đề quan trọng để công nghiệp Bình Định phát triển theo hướng vững chắc, có những ngành hàng có sức cạnh tranh cao.

Một tiền đề khác là công tác quy hoạch, tiến tới hình thành các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các địa phương. Bên cạnh các khu công nghiệp của tỉnh, đến nay, 17 cụm công nghiệp tại các địa phương đã được quy hoạch; trong đó, 10 cụm đã được phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng, với tổng đầu tư 84 tỷ đồng. Có 3 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Gò Đá Trắng (An Nhơn), Quang Trung (Quy Nhơn), Hóc Bộm (Tây Sơn). Như vậy, trong tương lai, khi việc quy hoạch và đầu tư Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp của tỉnh và 17 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp tỉnh nhà.

* Tăng trưởng 22,5%: mục tiêu không xa

Năm 2004, Bình Định phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 11% so với năm 2003. Muốn vậy, mức tăng trưởng ngành công nghiệp phải đạt 22,5%. Tỷ lệ tăng trưởng này trong điều kiện chưa phải thuận lợi như hiện nay là tương đối cao.

Để đạt mức tăng trưởng trên, bên cạnh những tiền đề quan trọng như trên, chúng ta cũng cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong SXCN tỉnh nhà.

Trước hết, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp vẫn chưa được tập trung chỉ đạo đúng mức. SXCN – tiểu thủ công nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn do năng lực sản xuất tăng chậm, thiết bị công nghệ lạc hậu, sản phẩm ít đa dạng; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp chậm, chưa đồng bộ và nhiều vướng mắc về vốn, đền bù; chưa chú trọng việc huy động các DN ứng vốn đầu tư hạ tầng…

Nếu những hạn chế này sớm được khắc phục, mục tiêu tăng trưởng công nghiệp năm 2004 đạt 22,5% hẳn không còn xa.

KHẢI NHÂN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (16/12/2003)
Những bước đi đầu tiên của Cụm TTCN Quang Trung   (15/12/2003)
Con tôm mở hướng làm giàu cho vùng cát   (12/12/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn - thêm một địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng Bình Định   (11/12/2003)
Thị trường rượu ngoại - Thật, giả lẫn lộn   (10/12/2003)
Phát triển thương mại, dịch vụ ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (09/12/2003)
Phường Đống Đa - Quy Nhơn: Phát triển nghề trồng hoa Tết   (08/12/2003)
Vườn mai cô Chiểu  (07/12/2003)
Hoài Ân - Mùa chôm chôm trái vụ   (05/12/2003)
KCN Phú Tài: Bao giờ có hệ thống xử lý nước thải tập trung ?   (04/12/2003)
Bình Định nhịp bước cùng cả nước   (04/12/2003)
Hiệu quả từ mô hình điện gió kết hợp năng lượng mặt trời ở vùng cao Canh Liên   (03/12/2003)
Bình Định sau một năm thực hiện chủ trương Hội nhập kinh tế quốc tế   (02/12/2003)
HTX Vận tải ô tô 30-3 An Nhơn: Phát triển cả bề rộng và chiều sâu   (01/12/2003)
PEEP: Sạch hơn, vệ sinh hơn   (30/11/2003)