Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng
16:23', 21/12/ 2003 (GMT+7)

Xuất khẩu dăm bạch đàn qua Cảng Quy Nhơn.

Tính đến thời điểm này (12-2003), các tỉnh miền Trung đã có 6 nhà máy nguyên liệu giấy (NLG) đang hoạt động. Và dự kiến trong đầu năm tới sẽ có thêm ít nhất 2 nhà máy NLG khác sẽ ra đời. Nhu cầu gỗ nguyên liệu để đáp ứng cho các nhà máy sẽ là trên 1 triệu m3/năm. Tình trạng nhà máy "đua nở", trong khi vùng nguyên liệu (VNL) phát triển chậm, đã tạo ra một thị trường tranh mua tranh bán hết sức quyết liệt.

Tháng 3-1993, Công ty NLG Quy Nhơn cho ra đời nhà máy NLG đầu tiên tại miền Trung. Một thời gian sau, có thêm một liên doanh khác hoạt động trong lĩnh vực này xuất hiện tại Đà Nẵng (Vijachip). Lập tức, thị phần đầu vào bị chia sẻ, nhất là trên địa bàn Quảng Ngãi, khi Vijachip có một doanh nghiệp của tỉnh này tham gia. Thế là xảy ra cuộc chiến giành giật VNL. Mỗi bên đều "tung chiêu" để thu hút khách hàng về phía mình. Tuy nhiên, lúc đó không căng lắm vì VNL còn quá dồi dào.

Sự đối đầu thực sự bắt đầu từ năm 2002, khi Nhà máy ván sợi ép MDF của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, công suất 54.000 m3/năm, đi vào hoạt động tại An Khê - Gia Lai khiến nhà máy NLG Quy Nhơn bị mất VNL ở đây (VNL các tỉnh Gia Lai, Kon Tum cung cấp gần 35% công suất của nhà máy NLG Quy Nhơn). Ở VNL các tỉnh phía Nam (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) vốn đã ít ỏi, giờ lại xuất hiện công ty chế biến dăm Cát Phú, công suất 50.000 tấn/năm. Sau một thời gian ngắn, VNL ở các địa phương này nhanh chóng được "dọn sạch". Bất chấp cự ly vận chuyển, để cứu vãn sự thiếu hụt nguyên liệu, công ty này "đổ quân" ồ ạt ra Bình Định và lên tận Gia Lai để săn lùng nguyên liệu. Giá mua được đẩy lên vô tội vạ, tăng gần 30% so với mặt bằng chung của thị trường. Vì quyền lợi mỗi bên, Công ty NLG Quy Nhơn chấp nhận cắt bớt phần "lãnh thổ" Phú Yên giao lại cho Cát Phú. Nhưng đó chỉ là sự thỏa thuận, còn trên thực tế thì sự tranh mua sau đó lại đụng nhau đến... nảy lửa.

Đầu năm 2003, tại Quảng Ngãi lại có thêm một liên doanh mới: Nhà máy dăm của công ty NLG giấy Dung Quất, công suất 50.000 tấn/năm ra đời. Theo ông Nguyễn An Điềm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NLG Quy Nhơn, áp lực thiếu hụt nguyên liệu ngày càng diễn ra căng thẳng đối với các nhà máy NLG trong vùng, khi mà sắp tới đây tại Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), một nhà máy NLG đang trong giai đoạn thi công nước rút sẽ hoàn thành vào đầu năm 2004; và tại Bình Định, Quảng Ngãi theo kế hoạch sẽ phát triển thêm mỗi địa phương một nhà máy nữa. Như vậy, tổng nhu cầu NLG trong toàn vùng lên trên 1 triệu m3/năm, chưa kể nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy bột giấy sắp ra đời. Thêm vào đó là mặt hàng gỗ xuất khẩu, khai thác chọn từ nguồn gỗ keo lai hiện đang có chiều hướng gia tăng, hấp dẫn nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, các nhà máy đang điều chỉnh lại giá mua nguyên liệu, đồng loạt nâng giá từ 10-20% (dự kiến đến năm 2004 sẽ còn tiếp tục tăng thêm 10-20%); đồng thời vận dụng các cơ chế thu mua hấp dẫn hơn.

Có thể nói yếu tố lợi nhuận là nguyên nhân chính khiến cho hàng loạt các liên doanh sản xuất kinh doanh NLG ra đời. Để giải bài toán nguyên liệu, theo ông Nguyễn An Điềm, không chỉ có đầu tư trồng rừng mới mà các doanh nghiệp phải tính đến việc nhập khẩu gỗ keo khi giá dăm xuất trên thị trường vượt qua ngưỡng 90 USD/tấn BDT (giá xuất hiện nay bình quân 76-78 USD/tấn BDT). Điều này hoàn toàn có thể, khi mà hiện nay ngay sát nách nước ta, Trung Quốc đang đầu tư hàng loạt các nhà máy sản xuất bột giấy, với nhu cầu nguyên liệu dăm mỗi năm lên tới 4 triệu tấn (trong đó trên 50% nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài).

MINH TRUNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)
Quy Nhơn: Nhộn nhịp thị trường mùa giáng sinh   (17/12/2003)
Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…   (17/12/2003)
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (17/12/2003)
Những bước đi đầu tiên của Cụm TTCN Quang Trung   (15/12/2003)
Con tôm mở hướng làm giàu cho vùng cát   (12/12/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn - thêm một địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng Bình Định   (11/12/2003)
Thị trường rượu ngoại - Thật, giả lẫn lộn   (10/12/2003)
Phát triển thương mại, dịch vụ ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (09/12/2003)
Phường Đống Đa - Quy Nhơn: Phát triển nghề trồng hoa Tết   (08/12/2003)
Vườn mai cô Chiểu  (07/12/2003)
Hoài Ân - Mùa chôm chôm trái vụ   (05/12/2003)
KCN Phú Tài: Bao giờ có hệ thống xử lý nước thải tập trung ?   (04/12/2003)