Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục
17:41', 22/12/ 2003 (GMT+7)

Dệt thảm xơ dừa là nghề truyền thống của người dân Tam Quan (Hoài Nhơn). Thế nhưng, một thời gian dài sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều người đành phải bỏ nghề. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ tìm được thị trường xuất khẩu, ông Huỳnh Minh Ngọc đã đầu tư phục hồi sản xuất mặt hàng này.

Như nhiều người dân Tam Quan, gia đình ông Huỳnh Minh Ngọc cũng làm nghề dệt thảm xơ dừa và sống nhờ nó. Vào khoảng những năm cuối 1990, làng nghề gặp khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Với quyết tâm giữ nghề, ông đã bỏ công đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất thảm xơ dừa ở các nơi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Và ông đã liên hệ được với một đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng với điều kiện là gửi hàng vào trước, nếu xuất khẩu được mới thanh toán tiền, còn không thì sẽ gửi hàng trả lại. Ông cho biết: "Với điều kiện như vậy, tôi rất lo nhưng cũng tin tưởng hàng của mình làm ra sẽ được thị trường chấp nhận". Ông đã sản xuất những mặt hàng có chất lượng, mẫu mã đẹp và phù hợp với thị hiếu của khách hàng ngoài nước để chào hàng. Điều bất ngờ đến là ngay lô hàng đầu tiên ông gửi đi đã xuất khẩu được ngay. Từ đó, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm cơ sở sản xuất. Hiện nay, cơ sở của ông đã có khoảng 150 lao động, phần đông là người già và phụ nữ. Ông Huỳnh Minh Ngọc giải thích: "Nghề này nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ và người già".

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trần Thị Tình (58 tuổi) thổ lộ: "Tôi vào làm từ khi cơ sở mới hoạt động, có tháng kiếm được 600 ngàn đồng, còn thấp thì 400 ngàn đồng. Nếu đi làm thuê các công việc khác thì mỗi ngày chỉ 15-17 ngàn đồng là cao, nhưng công việc không được liên tục và cũng rất vất vả". Còn chị Trần Thị Mỹ Tâm thì cho biết: "Làm việc ở đây khá thoải mái, vừa trọn việc nhà, vừa kiếm được tiền vì làm khoán theo sản phẩm. Mỗi tháng thu nhập 600 ngàn đồng, hơn làm lúa nhiều lần".

Ông Huỳnh Minh Ngọc cho biết: Năm 2003, có thêm một số đơn vị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở TP Hồ Chí Minh đến ngỏ ý liên kết làm ăn lâu dài vì sản phẩm của cơ sở đã có chỗ đứng ở thị trường các nước như: Pháp, Ba Lan, Đức… Để có đủ hàng cung cấp cho những đơn đặt hàng, ngoài sản phẩm được sản xuất tại cơ sở (khoảng 100 ngàn m2/năm), ông còn thu mua thêm sản phẩm thô trong làng nghề để tái chế ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện nay ở Tam Quan, nhiều người đã trở lại với nghề, làng nghề đang dần được khôi phục vì đã sống được bằng nghề.

NGỌC THÁI

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)
Quy Nhơn: Nhộn nhịp thị trường mùa giáng sinh   (17/12/2003)
Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…   (17/12/2003)
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (17/12/2003)
Những bước đi đầu tiên của Cụm TTCN Quang Trung   (15/12/2003)
Con tôm mở hướng làm giàu cho vùng cát   (12/12/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn - thêm một địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng Bình Định   (11/12/2003)
Thị trường rượu ngoại - Thật, giả lẫn lộn   (10/12/2003)
Phát triển thương mại, dịch vụ ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (09/12/2003)
Phường Đống Đa - Quy Nhơn: Phát triển nghề trồng hoa Tết   (08/12/2003)
Vườn mai cô Chiểu  (07/12/2003)
Hoài Ân - Mùa chôm chôm trái vụ   (05/12/2003)