|
Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn |
Sớm nhận thức tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) nên ngay từ năm 1994 khi đưa Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) đi vào hoạt động, lãnh đạo nhà máy đã chủ trương áp dụng tích cực CNTT vào hầu hết các bộ phận, lĩnh vực trong nhà máy. Qua 10 năm áp dụng, đến nay, CNTT đã thực sự chứng tỏ tính đa năng và hiệu quả của nó trong mô hình quản lý sản xuất, cơ cấu tổ chức, nhân lực, điều hành... ở nhà máy.
Với một nhà máy thủy điện, 4 yêu cầu để đảm bảo hoạt động tốt nhất là tính ổn định, an toàn, liên tục và tin cậy. Chính vì vậy, lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn đã xác định, chỉ có liên tục áp dụng những tiến bộ mới nhất của CNTT mới đáp ứng tốt những yêu cầu này. Năm 1994, ngay tại nơi sản xuất điện (Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh), nhà máy đã trang bị hệ thống gồm 4 máy tính với những phần mềm có tính năng điều khiển hoạt động tự động hóa các thiết bị sản xuất chính gồm 2 tổ máy phát - tua bin và trạm biến áp phân phối 110 KV với kỹ thuật điều khiển PLC (Programable Logic Controller - Điều khiển logic lập trình). Anh Diệu - chuyên viên CNTT của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, cho biết: "Việc áp dụng những kỹ thuật điều khiển này mang lại nhiều hữu ích. Cụ thể, mức độ ổn định và tin cậy của hệ thống thiết bị trên rất cao, qua đó thay đổi điều chỉnh linh hoạt các quá trình hoạt động của nhà máy. Ví dụ, chúng tôi có thể điều khiển quá trình khởi động/dừng máy; đóng/cắt các máy cắt điện; điều chỉnh các nấc phân áp biến áp, đặt công suất phát; giám sát toàn bộ tình trạng hoạt động của dây chuyền sản xuất như điện áp, dòng điện, tần số, công suất, tốc độ quay, độ mở nước, mức nước hồ chứa... bằng hệ thống máy tính. Qua đó, kiểm soát một cách chặt chẽ quá trình vận hành, tình trạng thiết bị nên có thể điều chỉnh hay đối phó kịp thời khi gặp sự cố."
Ngoài việc vận dụng CNTT vào nơi sản xuất, vận hành hệ thống sản xuất điện, CNTT còn được áp dụng ở trụ sở văn phòng của nhà máy đặt tại Quy Nhơn để hoạt động kinh doanh. Toàn bộ hệ thống 40 máy tính của văn phòng nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn đã nối với nhau bằng mạng cục bộ LAN được trang bị nhiều phần mềm như hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL 2000 Server, hệ thống thư tín điện tử thông qua mạng Internet, đồng hồ điện tử... Việc kết nối các máy tính tại cơ quan đã khiến công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu, ghi chép, truyền số liệu qua mạng… trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ngành dọc, nhà máy còn được ứng dụng nhiều chương trình CNTT chung của Tổng công ty Điện lực Việt Nam như chương trình kế toán, quản lý công văn, vật tư, nhân sự, báo cáo sản xuất... Ngoài những phần mềm có sẵn, để tiện áp dụng cho hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà máy, đội ngũ kỹ thuật của nhà máy còn tự thiết kế nhiều chương trình phần mềm như báo cáo thủy văn, báo cáo sự cố thiết bị, công trình, thống kê sản xuất, kế toán tài chính...
Để tối ưu hóa hoạt động, lãnh đạo nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn còn vạch ra chương trình phát triển CNTT trong từng giai đoạn. Ông Trần Lê Cảnh - Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, cho biết: "Bên cạnh việc bám sát các chiến lược phát triển CNTT của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, giai đoạn 2005 đến 2010, chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống điều khiển giám sát từ xa đặt tại Văn phòng của nhà máy tại Quy Nhơn. Đồng thời, chúng tôi cũng có kế hoạch nâng cấp máy tính, bồi dưỡng kiến thức tin học thường xuyên cho cán bộ công nhân viên để đáp ứng tốt những nhu cầu cần thiết trong việc ứng dụng những tiến bộ CNTT vào hoạt động của nhà máy". Với mục tiêu phấn đấu khai thác sử dụng những tối ưu của CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh vào thời gian tới, cho thấy Nhà máy đang từng bước hiện đại hóa sản xuất, kinh doanh.
ANH TÚ |