Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng
16:0', 24/12/ 2003 (GMT+7)

Nông dân ở xã An Trung đang thu hoạch cá nuôi.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người dân huyện miền núi An Lão hôm nay đã từng bước khai thác đất vườn, đất đồi để phát triển kinh tế. Những vùng đất hoang hóa đã thành những vườn cây, ao cá mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể…

 "An Lão đổi thay nhiều quá!" - anh bạn đồng nghiệp thốt lên khi vừa đặt chân Xuân Phong (xã An Hòa) - trung tâm thương mại của huyện miền núi An Lão với san sát nhà ngói, cửa hàng xe máy, dịch vụ đồ điện tử… Trước đây, người dân An Lão muốn mua sắm các vật dụng đắt tiền như xe máy, tủ lạnh, ti vi… thì phải bỏ công sức xuống tận thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) mới mua được. Còn bây giờ thì…

An Lão có 9 xã với trên 1.900 hộ gồm 29.938 nhân khẩu, số hộ làm nông nghiệp chiếm trên 85%, nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 3.176 ha, trong đó có 1.217 ha đất sản xuất lúa. Ngoài ra còn có 65.819 ha đất đồi, đất rừng. Đất sản xuất nông nghiệp ít, trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế trong khi đường giao thông trắc trở, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn nêu trên, trong những năm qua, An Lão đã tập trung thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động nông dân cải tạo đất vườn, đất đồi để phát triển kinh tế vườn rừng. Huyện đã chú trọng đến công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho  nông dân, xây dựng nhiều mô hình trình diễn các loại cây trồng vật nuôi mới và tổ chức cho bà con tham quan học tập để được "mắt thấy, tai nghe" về hiệu quả kinh tế các mô hình, sau đó áp dụng vào sản xuất. Riêng đối với bà con các dân tộc thiểu số vùng cao, cán bộ kỹ thuật đến từng hộ để "cầm tay chỉ việc", tạo điều kiện thuận lợi cho bà con được vay vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, An Lão còn được Nhà nước hỗ trợ các chương trình dự án về đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện lưới, trường, trạm… Nhờ vào sự hỗ trợ tích cực ấy, bà con phấn khởi thi đua lao động sản xuất, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đối với đất vườn nhà, bà con cải tạo để trồng các loại cây trồng cạn, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đất đồi rừng thì trồng mì cao sản, cây ăn quả, quế. Nhờ đó mà đời sống ngày càng được cải thiện.

Trong việc phát triển kinh tế vườn rừng, xã An Trung là địa phương có phong trào  mạnh nhất huyện. Ông Đinh Văn Trút, Phó chủ tịch UBND xã An Trung, tự hào nói: "Xã An Trung đã có nhiều hộ đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, có hộ đã được UBND tỉnh nhiều lần tặng bằng khen vì đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,27%". Ông Đinh Văn Vớ ở thôn 3 xã An Trung,  cho biết: " Nhờ tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nên tôi đã biết khai thác đất vườn nhà, vườn rừng để trồng các loại cây ngắn ngày và cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng năm tôi sản xuất 20 sào lúa, trồng 1,5 ha mì xen thơm; có 100 trụ tiêu, nuôi 6 con trâu, 1 con heo nái, 6 con heo thịt, thu nhập không dưới 25 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã vượt qua được khó khăn trong cuộc sống". Ở An Trung còn có các ông Đinh Văn Ghin ở thôn 4, Đinh Văn Oi ở thôn 1, Đinh Văn Bê ở thôn 5… biết khai thác vườn nhà, vườn đồi trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập khá. Đặc biệt là hộ ông Đinh Văn Oi, nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen.

Ông Nguyễn Hữu Đấu, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, khẳng định: "Phát triển kinh tế vườn rừng nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân là chủ trương lớn của huyện. Chủ trương này đã và đang được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ đó mà cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được bố trí phù hợp, đất đai được khai thác, sử dụng hợp lý hơn, đời sống của bà con đã được nâng lên một bước, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo".

PHẠM TIẾN SĨ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)
Quy Nhơn: Nhộn nhịp thị trường mùa giáng sinh   (17/12/2003)
Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…   (17/12/2003)
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (17/12/2003)
Những bước đi đầu tiên của Cụm TTCN Quang Trung   (15/12/2003)
Con tôm mở hướng làm giàu cho vùng cát   (12/12/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn - thêm một địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng Bình Định   (11/12/2003)
Thị trường rượu ngoại - Thật, giả lẫn lộn   (10/12/2003)
Phát triển thương mại, dịch vụ ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng   (09/12/2003)
Phường Đống Đa - Quy Nhơn: Phát triển nghề trồng hoa Tết   (08/12/2003)