Có một làng nghề đang mai một
15:50', 26/12/ 2003 (GMT+7)

Trong một lần về xã Phước Hiệp (Tuy Phước), chúng tôi được ông Huỳnh Bá Đông, Chủ tịch UBND xã, giới thiệu: "Về Phước Hiệp mà chưa được sờ, được ngủ trên chiếc võng thơm tàu của dân Tuần Lễ đan thì cũng có nghĩa là chưa đến đây bao giờ". Lời giới thiệu khá ấn tượng khiến chúng tôi không thể không ghé thăm làng đan võng Tuần Lễ.

Làng nghề đan võng thơm tàu ở thôn Tuần Lễ có từ khá lâu. Theo những cụ lớn tuổi ở đây cho hay, làng nghề đan võng tàu này có từ xa xưa và đã từng nổi tiếng khắp nơi. Có những thời cả thôn nhà nhà đan võng, người người đan võng, bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường cả trăm chiếc võng. Nhưng bây giờ, làng đan võng Tuần Lễ chỉ còn lại trong ký ức của người dân nơi đây.

Theo thống kê của xã, thôn Tuần Lễ có 554 hộ thì chỉ còn khoảng 20 hộ vẫn tiếp nối nghề đan võng. Trong đó đa số là những cụ già, những phụ nữ tranh thủ lúc nông nhàn. Cụ bà Hồ Thị Nhơn, 86 tuổi, ở xóm 17, là một trong ít những người Tuần Lễ cuối cùng còn say mê với nghề đan võng. Giờ đây mỗi tháng cụ Nhơn chỉ đan được từ 1 đến 2 chiếc võng, không như ngày trước còn trẻ mỗi tháng cụ đan 4-5 chiếc. Cụ bồi hồi kể lại: "Khi tôi sinh ra thì làng võng Tuần Lễ đã có tự bao giờ. Năm tôi lên 10 tuổi, tôi đã biết chẻ thơm, chẻ dây để phụ mẹ đan võng. Lúc đó cả thôn có khoảng 200 nhà thì đều làm nghề đan võng, mà giá trị một chiếc võng thời đó rất cao, chứ không như bây giờ". Kể đến đó, cụ Nhơn thở dài như xót xa cho một làng nghề truyền thống đang dần mai một.

Để làm nên một chiếc võng thơm tàu thành phẩm, những người đan cũng phải trải qua khá nhiều công đoạn. Nguyên liệu để đan võng cắt từ lá thơm tàu, đem ngâm nước từ 10 đến 15 ngày tùy trời mưa nắng, rồi đem lên cạo hết lớp nhớt để lấy sợi tơ của thơm đem phơi nắng cho thật khô rồi mới đem ra đan võng. Cụ Trần Thị Nhông, 63 tuổi, ở xóm 16, cũng là một trong những người đan võng có tiếng của Tuần Lễ, có gần 50 năm trong nghề, cho biết, võng Tuần Lễ không những nằm êm mà còn có độ bền rất lâu, có chiếc sử dụng đến 50 năm vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng dù bền đấy, đẹp đấy nhưng võng Tuần Lễ vẫn bị thị trường "tẩy chay" do hiện nay, các loại võng đan bằng cước, bằng nilông... xuất hiện ồ ạt, giá lại rẻ hơn. Không cạnh tranh nổi với võng "thị trường", võng tàu thơm Tuần Lễ dần mai một và đang đứng trước nguy cơ biến mất. "Lớp trẻ" của Tuần Lễ còn tham gia đan võng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Phan Thị Ba, 54 tuổi, là một trong số những người "trẻ" ấy. Chị nói: "Sau mùa màng rảnh rỗi, không ngồi đan võng thì làm cái gì? Võng đan xong khó bán nhưng dù sao cũng giữ được cái nghề của cha ông."

Chia tay Tuần Lễ, chúng tôi chợt thấy lo cho cái "số phận" chông chênh của chiếc võng tàu thơm trứ danh một thời, khi mà những người nặng nợ như cụ Nhơn, bà Nhông, chị Ba... mất đi thì nghề đan võng truyền thống còn mấy ai nối nghiệp?

NGUYỄN PHÚC

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)
Quy Nhơn: Nhộn nhịp thị trường mùa giáng sinh   (17/12/2003)
Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…   (17/12/2003)
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (17/12/2003)
Những bước đi đầu tiên của Cụm TTCN Quang Trung   (15/12/2003)
Con tôm mở hướng làm giàu cho vùng cát   (12/12/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn - thêm một địa chỉ mua sắm cho người tiêu dùng Bình Định   (11/12/2003)
Thị trường rượu ngoại - Thật, giả lẫn lộn   (10/12/2003)