|
Gian hàng nước mắm Đức Viên tại Hội chợ Bình Định đầu năm 2003 |
Nước mắm Bình Định với các thương hiệu: Đức Viên, Mười Thu, Bốn Phương, Phùng Kỳ - Thủy Tài… đã được người tiêu dùng trong cả nước biết tiếng. Điều thú vị là tất cả những thương hiệu này đều ở An Nhơn, địa phương không hề có biển.
* Từ nước mắm Gò Bồi
Với lợi thế gần biển có nguồn hải sản cho chế biến nước mắm nên từ xưa, vạn Gò Bồi (Phước Hòa - Tuy Phước) đã có nghề làm nước mắm. Nước mắm Gò Bồi trước đây nổi tiếng cả nước, cung luôn không đủ cầu. Một số người đã đến các địa phương có nhu cầu lớn để đầu tư phát triển nghề. Khu vực thị trấn Đập Đá và Bình Định (An Nhơn) đã được một số chủ cơ sở sản xuất nước mắm ở Gò Bồi chọn làm nơi lập nghiệp mới. Bà Lê Thị Thu Loan, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Bốn Phương (Đập Đá), cho biết: "Ngày trước cha tôi sản xuất nước mắm ở Gò Bồi. Sau đó, nhận thấy thị trường các huyện phía tây của tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên có nhu cầu lớn nên cha tôi mới lên đây xây dựng cơ sở. Ông đã truyền nghề lại cho vợ chồng tôi và chúng tôi đã đầu tư phát triển cho tới bây giờ". Các cơ sở nổi tiếng khác ở An Nhơn như: Đức Viên, Phùng Kỳ - Thủy Tài… cũng đều xuất phát từ Gò Bồi.
Làm ăn nơi đất khách, nên các cơ sở này luôn chú trọng đến chữ tín, lúc nào cũng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nên được khách hàng ngày càng tín nhiệm. Thấy nghề này làm ăn được, một số người dân địa phương đến học nghề và làm nghề hình thành nên một khu chế biến nước mắm nổi tiếng về chất lượng lẫn quy mô sản xuất. Ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: "Hiện nay, An Nhơn là nơi tập trung nghề sản xuất nước mắm lớn nhất tỉnh, với 14 cơ sở, sản lượng 5 triệu lít/năm, chiếm hơn 70% sản lượng nước mắm toàn tỉnh".
* Đến nước mắm An Nhơn
Ông Đặng Văn Thử, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Mười Thu, cho biết: "Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc xây dựng thương hiệu rất khó nhưng đánh mất thì rất dễ dàng. Bởi vậy, từ khi đầu tư xây dựng cơ sở cho đến nay, lúc nào tôi cũng chú ý đến uy tín và chất lượng sản phẩm". Còn theo ông Nguyễn Chấn Nguyên, chủ cơ sở nước mắm Đức Viên, thì: "Khi đã có thương hiệu, người làm nghề luôn thận trọng và chú ý đến chất lượng sản phẩm. Nếu không giữ được uy tín của thương hiệu, chỉ một lần bất tín thì coi như cả sự nghiệp xây dựng bao lâu đều tiêu tan. Việc sản xuất nước mắm ngày càng được tự động hóa và hiện đại hơn, thì yếu tố chất lượng càng được quan tâm hơn nữa".
Với phương châm làm ăn như vậy, nhiều thương hiệu nước mắm của An Nhơn đã dần dần vươn xa và ngày khẳng định chỗ đứng trên khắp nẻo thương trường. Ông Đinh Văn Tiên cho biết thêm: "Hiện nay nước mắm An Nhơn rất được khách hàng các tỉnh ưa chuộng. Điều đó đã được minh chứng qua các lần hội chợ trong và ngoài tỉnh, cũng như lưu thông trên thị trường". Nước mắm An Nhơn đã cạnh tranh được với các sản phẩm nước mắm nổi tiếng khác ở Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang… ngay tại "sân nhà" của họ và tại các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Điều đặc biệt hơn, nước mắm Mười Thu đã được khách hàng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm của các cơ sở Đức Viên, Phùng Kỳ - Thủy Tài, Bốn Phương cũng đã đạt được nhiều Huy chương vàng chất lượng trong các lần hội chợ.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nước mắm An Nhơn đã vươn ra thị trường nước ngoài. Tại Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam lần thứ 2 ở thủ đô Phnôm-Pênh (Campuchia), nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài đã đem đến với 3 tấn hàng nhưng đã bán hết chỉ trong ngày đầu. Qua hội chợ, Phùng Kỳ - Thủy Tài đã đặt 3 đại lý tiêu thụ ở đây. Nước mắm Mười Thu cũng đã tham gia xuất khẩu được sang thị trường Campuchia vào đầu tháng 11 năm nay.
NGỌC THÁI
|