Ghềnh Ráng qua thời "Góc bể chân mây"...
16:13', 31/12/ 2003 (GMT+7)

Một góc Ghềnh Ráng.

Vài năm gần đây, Ghềnh Ráng là một trong những phường có nhiều đổi thay của thành phố Quy Nhơn. Nét mới không chỉ từ những công trình, những khu dân cư mới quy hoạch mà hiện hình ngay bằng những đổi thay trong đời sống mỗi nếp nhà…

1. Tháng Chạp năm nay, tôi lại men về tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu. Bon bon trên con đường nhựa mà dưới tầng sâu như hãy còn âm vang bước chân một thời quang gánh, hai khu vực 1, 2 của phường Ghềnh Ráng là chốn "góc bể chân mây", bị ngăn cách với thành phố bởi những con đèo. Những khu dân cư này như những ốc đảo cô độc, nối với thành phố chỉ bằng con đường bộ băng theo những triền gành, vượt ngọn núi cao hoặc dùng ghe, men theo đường biển.  

Ông Nguyễn Hữu Phước, một ngư dân ở bãi Xép, đang tất bật bên những mành, đèn ngổn ngang ở góc nhà. Thấy tôi, ông vui vẻ: "Đường sá bây giờ, xe không bén mặt cát, vậy mà thiệt lâu rồi, chú mới quay lại!". Nói rồi, chỉ vào mớ dụng cụ, ông Phước vui vẻ: "Tui đang chuẩn bị cho chuyến lưới tôm. Chú trở lại bãi Xép đúng đầu vụ tôm. Thiệt vui!".

Câu chuyện của ông Phước, loanh quanh rồi cũng lại trở về với con đường Quy Nhơn - Sông Cầu và con tôm. Trong tâm trí ông Phước, cũng như những cư dân bãi Xép khác, sự hiện hữu của con đường mới và việc phát hiện ra nghề bắt tôm giống, cứ như trong một giấc mơ. Ông Phước nói: "Hồi trước, người bãi Xép cực lắm. Đi biển thì thuyền ghe nhỏ, cá tôm chẳng được bao nhiêu. Đường sá chưa có, đánh bắt dưới 15 ký thì chỉ còn cách… muối mắm vì ra Quy Nhơn bán không đủ tiền dầu chạy ghe. Biển không cưu mang nổi con người nên cả bãi Xép, những năm đầu giải phóng, 30 hộ mà chỉ có đâu chừng 5 chiếc ghe nhỏ".

Đổi thay đến với bãi Xép vài năm trước đây. Khi ấy, cùng với sự lên ngôi của nghề nuôi tôm hùm lồng, người bãi Xép bắt đầu vào nghề bắt tôm hùm giống. Anh Nguyễn Xuân Thanh, một ngư dân khác, kể: "Những ngày đầu, chỉ có vài gia đình làm tôm, tôm giống nhiều như ruốc. Một đêm, có thể bắt đến hàng trăm con. Lúc đó, tuy tôm chưa có giá như bây giờ, nhưng số lượng nhiều nên thu nhập rất khá. Chỉ ba năm đầu bắt tôm, tôi đã cất được ngôi nhà mới này. Hiện nay, mỗi con tôm giống giá vài chục ngàn, có thời điểm, lên tới trăm mấy chục ngàn một con. Một đêm chỉ cần bắt được vài con là bằng cả tháng đi làm nghề khác. Với nghề tôm, người bãi Xép mua sắm đồ sinh hoạt gia đình, xây nhà, mua sắm ghe thuyền". Nếu năm 2001, bãi Xép mới chỉ có 45 chiếc ghe thì năm 2002 tăng lên 52 chiếc và đầu năm 2003 đã là 61 chiếc. Hiện nay, có khoảng 130 người bãi Xép đang sống bằng nghề tôm và chừng ấy người từ các nơi, kể cả tỉnh ngoài, đến bãi Xép đi bạn.

Nét đổi thay hiện hình với những nếp nhà mới, kiên cố đang mọc lên ở bãi Xép và một cơ sở của Trường Tiểu học Quang Trung đóng tại bãi Xép đang được sửa chữa lại, khang trang hơn; cả trong những cô cậu thanh niên sau một ngày mệt nhoài bên thuyền tôm nay tíu tít sắm tết… Tất cả dồn trong một nụ cười rất tươi của người bãi Xép hôm nay.

2. Rời bãi Xép, theo tuyến đường bê tông ngược lên dốc cao, tôi ghé vào xóm núi (tổ 1, khu vực 1) mà như lạc vào thế giới khác. Những nếp nhà nhỏ nép bên những vườn cây trĩu quả, thế giới của mãng cầu, xoài, đu đủ, dừa xiêm… đẹp như tranh. Đường vào xóm khá vắng, người trong xóm đều lên rẫy cả. Thật may, cuối con đường, tôi gặp anh Mai Văn Hùng đang lui cui dọn lại mảnh vườn trước ngôi nhà mới xây. Anh Hùng tiết lộ rằng ngôi nhà này anh xây mất chừng 70 triệu đồng - kết quả chắt chiu những tháng năm bươn chải cùng cây trái trên 2 ha vườn rừng của gia đình.

Không chỉ mình anh Hùng mà gần hai chục hộ dân ở đây đều đang phát triển kinh tế vườn rừng như vậy. Trong đó, mãng cầu là loại cây chủ lực. Có hộ chỉ tính riêng vụ trái cây tết năm nay, đã có thu nhập hàng chục triệu đồng. Anh Hùng kể: "Hồi chưa có con đường, tụi tui cũng có rẫy đó, nhưng thứ nhất là không có tiền đầu tư, thứ hai là cho dù có đầu tư, thì trái đu đủ làm ra, bà xã tui phải quang gánh cả ngày mới đến chợ Quy Nhơn. Bởi vậy, rẫy để đó, nhà nhà kéo nhau đi làm than. Có con đường mới, thương lái Quy Nhơn vào mua trái cây tận vườn. Trái cây có giá. Vậy là tụi tui đầu tư, mua phân bón, công chăm bón, sưu tầm các giống cây mới có hiệu quả cao. Vài ba năm gần đây, khi những mảnh vườn bắt đầu kết quả, cuộc sống khá dần. Một số hộ dân nơi khác cũng đã tìm đến đây làm vườn". Nói rồi, anh dẫn tôi xem hơn hai chục cây dừa xiêm anh trồng đã ba năm, nay xum xuê trái và trên 70 cây khác mới trồng.

Nghe tôi hỏi về chuyện làm than, đi củi bây giờ, thay cho câu trả lời, anh Hùng dẫn tôi tham quan một vòng quanh xóm. Cả trăm ha đất vườn, rừng đang xanh cây trái. Những cây mãng cầu tơ, cao chưa quá đầu người đã trĩu quả, vừa kịp cho mùa trái cây tết. Anh Hùng nói: "Thời giá bây giờ. Mãng cầu hơn chục ngàn đồng/ký đấy. Anh tính, vậy thì ai còn đi củi, làm than chi nữa. Ngược lại, người dân càng phải lo bảo vệ cây cối, vườn, rừng…". 

3. Tôi kể lại nỗi bất ngờ khi đứng trước những đổi thay ở khu vực 1, ông Võ Sanh Ngọc, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, sa sả cười: "Ngay như tụi tôi đây, nhiều khi cũng cứ ngỡ như vừa qua một giấc mơ đấy ông ạ. Năm 1998, khi tách Ghềnh Ráng ra từ phường Quang Trung, tụi tôi lo dữ. Phường Ghềnh Ráng, nông - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đủ cả, nhưng lại không biết lấy gì để làm ngành kinh tế chủ lực vì ngành nào cũng manh mún. Ông ngạc nhiên với sự thay đổi ở khu vực 1 cũng phải, nhưng tại ba khu vực ngoài này, đổi thay cũng không ít. Sau khi đường Tây Sơn được mở rộng, rồi hoàn thành xây dựng Bến xe khách, cộng thêm vài ba khu quy hoạch dân cư mới, toàn phường như mang áo mới, có dáng dấp đô thị hẳn. Nay mai, khi những dự án, khu quy hoạch hoàn tất, ông sẽ còn ngạc nhiên hơn".

Phường Ghềnh Ráng hôm nay xác định dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Ông Ngọc giải thích: "Trừ Life resort và nay mai, thêm một hai dự án nữa sẽ mọc lên trên địa bàn phường; 9 điểm làm du lịch quy mô nhỏ còn lại hiện nay mới chỉ khoảng 5 điểm tạm gọi là hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn xác định du lịch là thế mạnh. Khó nhất hiện nay vẫn là khu vực 2 (làng Quy Hòa). Đây là một làng thuần nông, nên tìm ra đường làm giàu cũng khó. Nhưng cũng xin báo một tin vui là năm 2003 vừa rồi, hộ ông Nguyễn Ngọc Xương đã triển khai dự án nuôi bò sữa. Bò mới cho sữa 2/3 thôi, nhưng chúng tôi nhận thấy đây sẽ là một hướng làm ăn nhiều hứa hẹn với người dân khu vực này. Vấn đề hiện nay là phải đánh thức ý thức làm giàu của người dân".

4. Đêm lững thững buông. Bên này dốc Quy Hòa, cả khu đồi Ghềnh Ráng sáng đèn bởi những công trình đang xây dựng, những khu du lịch sẽ mọc lên nay mai. Và phía bên kia, thuyền câu tôm chao trên mặt nước, tưởng như có một ngân hà lung linh đậu trên biển đêm. Người Ghềnh Ráng nối ngày vào đêm bằng những ánh đèn…

LÊ VIẾT THỌ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu bằng tinh thần cầu thị và sự kiên trì  (30/12/2003)
Nước mắm An Nhơn: Khẳng định uy tín bằng chất lượng   (29/12/2003)
Vùng đông bắc Tuy Phước: Nước sạch đã về nhưng dân còn... chịu khát  (28/12/2003)
Có một làng nghề đang mai một   (26/12/2003)
Thị trường vào Tết: Giá cả các mặt hàng đều tăng   (25/12/2003)
Con đường xóa đói, giảm nghèo ở An Lão: Phát triển kinh tế vườn rừng  (24/12/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn  (23/12/2003)
Làng nghề thảm xơ dừa đang hồi phục   (22/12/2003)
Thị trường nguyên liệu giấy miền Trung đang nóng  (21/12/2003)
Nhốn nháo hàng "tồn kho" xuống đường  (19/12/2003)
Cảng Quy Nhơn với sản lượng 2 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2003: Kết tinh của sự năng động  (19/12/2003)
Sản phẩm "Made in Hợp tác xã"   (18/12/2003)
Quy Nhơn: Nhộn nhịp thị trường mùa giáng sinh   (17/12/2003)
Sản xuất công nghiệp: Khởi tạo những tiền đề…   (17/12/2003)
Bao giờ nông dân được mua điện giá thấp?   (17/12/2003)