Như Báo Bình Định đã đưa tin, ngày 13-1 tại khách sạn Hải Âu (TP. Quy Nhơn), UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập” với sự tham dự của nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đây là ghi nhận của Báo Bình Định về Hội thảo quan trọng này.
Một Hội thảo chất lượng cao Chỉ diễn ra trong vòng 5 giờ đồng hồ nhưng Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập” đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với các đại biểu tham dự bởi đây là một Hội thảo thật sự có chất lượng, thể hiện được quyết tâm và sự năng động của Bình Định trong việc kêu gọi đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác, phục vụ cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà. Theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo đều bày tỏ sự thán phục đối với cách làm sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) đã khẳng định: “Hiện nay trong cả nước, tỉnh nào cũng trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư nhưng Bình Định là tỉnh đầu tiên tổ chức được Hội thảo có ý nghĩa như thế này”. Các nhà ngoại giao, đầu tư của các nước Indonesia, Thái Lan, Canada, Hoa Kỳ và Đức cũng rất hoan nghênh việc tổ chức Hội thảo để giới thiệu tiềm năng, mời gọi đầu tư của Bình Định. Họ cùng chung nhận định, với sự năng động như vậy, với những tiềm năng dồi dào để phát triển kinh tế xã hội như vậy, trong tương lai không xa, Bình Định sẽ là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh.
Cũng cần nhắc lại mục đích của cuộc Hội thảo này nhằm thông tin một cách đầy đủ về tiềm năng, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách khuyến khích đầu tư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định đến năm 2010 với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư và hợp tác kinh tế với tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Bình Định. Bởi vậy, sự đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình của các đại biểu tham dự đã là một thành công bước đầu của Hội thảo.
Những ý kiến đáng chú ý Tại Hội thảo, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; đại diện UBND tỉnh Bình Định đã giới thiệu tổng quan về tình hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010, giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh. Tiếp đó, Hội thảo đã nghe các bản báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự, trong đó đáng chú ý là báo cáo tham luận “Tổng quan về phát triển khu vực Nhơn Hội” của Thạc sĩ, Kiến trúc sư Đỗ Tú Lan, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) và tham luận “Bình Định: Thị trường tiềm năng của các nhà đầu tư” của Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Sau khi trình bày tổng quan về việc phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, bà Đỗ Tú Lan cho rằng, việc xác định sự hình thành và phát triển khu kinh tế này trên bán đảo Phương Mai trong cơ cấu phát triển mở rộng không gian của TP Quy Nhơn trong thời kỳ mới có thể được coi là “chìa khóa” mở hướng cho TP Quy Nhơn có cơ hội phát triển đột biến về kinh tế nhằm phát huy vai trò trong quan hệ mở rộng hội nhập trong nước và quốc tế... Vì vậy, khu kinh tế Nhơn Hội cần được xây dựng ngay từ đầu với hình thức tổ chức quy hoạch đô thị đồng bộ hiện đại (chất lượng cao); trước mắt cần nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu để sớm hình thành khu dịch vụ cảng, khu thương mại, làm động lực cho việc phát triển kinh tế công nghiệp, tạo cơ sở cho sự hình thành khu kinh tế mở.”
Còn ông Trần Du Lịch thì khẳng định ngay: “Bình Định là thị trường tiềm năng của các nhà đầu tư”. Theo ông Lịch, Bình Định là một Việt Nam thu hẹp, nền kinh tế nông nghiệp giúp Bình Định xóa đói giảm nghèo nhưng các ngành kinh tế phi nông nghiệp mới có thể giúp Bình Định làm giàu. Do vậy, Bình Định nên tìm kiếm thế mạnh của mình từ các yếu tố: 1. Khai thác lợi thế “cửa ngõ” Việt Nam đối với thế giới (cảng và dịch vụ cảng), 2. Công nghiệp chế biến lâm sản và hải sản (gắn với ưu thế về cảng để thu hút nguồn nguyên liệu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên), 3. Du lịch (tiềm năng tự nhiên cộng với lợi thế của sân bay Phù Cát). Ông Lịch cũng gợi ý một số định hướng để thu hút các nhà đầu tư, chẳng hạn, nên mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, mang tính chất “đầu đàn” bởi khi họ đã đầu tư, thì chính họ sẽ lôi kéo các nhà đầu tư khác; để kêu gọi đầu tư có hiệu quả, cần chào mời bằng các dự án có sự nghiên cứu bước đầu về các yếu tố đầu vào, đầu ra, quy mô đầu tư, điều kiện ưu đãi; thực hiện đúng cơ chế một cửa; cung cấp nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư...
Ngoài 2 ý kiến của bà Đỗ Tú Lan và ông Trần Du Lịch, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã có những ý kiến đóng góp để môi trường đầu tư ở Bình Định được thông thoáng hơn, chương trình kêu gọi đầu tư của Bình Định được đồng bộ hơn.
Nhiều dự án hấp dẫn Nhiều dự án mời gọi đầu tư được đánh giá là khá hấp dẫn đã được lãnh đạo tỉnh đưa ra tại Hội thảo cùng các chính sách khuyến khích đầu tư. Có thể kể một số dự án: Nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa, Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy chế biến bột giấy, Nhà máy liên hợp dệt - sợi, Nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển, Mở rộng Cảng Quy Nhơn, Xử lý chất thải rắn đô thị TP Quy Nhơn, Sản xuất bột màu pigment từ titan, Xây dựng khu kinh tế và đô thị mới Nhơn Hội, Xây dựng các khu du lịch và vui chơi giải trí, Xây dựng cơ sở vật chất trường học, Cải tạo và nâng cấp tuyến tỉnh lộ và liên huyện....
Ngay trong lời khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà đã khẳng định: “Với quyết tâm và thiện chí của mình, Bình Định luôn trải thảm đỏ tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. Vâng, với quyết tâm và thiện chí như vậy, chắc chắn, qua Hội thảo này, nhiều tiềm năng của tỉnh sẽ được khơi dậy và phát huy, và đó sẽ là một cú huých tạo cho Bình Định một khí thế mới, một sức bật mới trong hành trình phát triển.
Bài và ảnh: Thúc Giáp |