Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ

Là công trình lớn nhất trong số 143 hồ chứa nước của tỉnh, hồ chứa nước Núi Một được xây dựng vào năm 1978, nằm trên sông An Trường thuộc huyện An Nhơn. Hồ có lưu vực 110km2, mặt thoáng rộng 12km2. Với dung tích hữu ích 110 triệu m3, phục vụ nước tưới cho 7.700 ha đất sản xuất của 2 huyện trọng điểm lúa An Nhơn và Tuy Phước. Ngoài ra còn cung cấp mỗi năm 15 triệu m3 nước sinh hoạt cho các vùng ven đê khu Ðông. Hồ Núi Một còn là một vựa cá mỗi năm cung ứng cho thị trường từ 80 đến 100 tấn cá các loại mang lại nguồn thu cho Công ty QLKTCTTL Bình Ðịnh đến gần 1 tỉ đồng. Thế nhưng hồ Núi Một còn một tiềm năng khác chưa được nhiều người biết đến là: du lịch sinh thái!

Hồ Núi Một nằm giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh. Mặc dù là một công trình thủy lợi nhưng tất cả các hạng mục công trình của hồ Núi Một đều được xây dựng với cấu trúc du lịch, từ mái đập, tràn xả lũ đến nhà tháp.Ấn tượng ban đầu này sẽ chẳng là gì khi bạn đặt chân lên ca - nô lướt trên mặt nước xanh giữa một không gian yên bình, thoang thoảng hương rừng. Sau vài chục phút bồng bềnh, hồ Núi Một tiếp tục tặng bạn cái cảm giác choáng ngợp trước vẻ lãng mạn của suối Ðá nằm gần đập chính và bến thuyền. Dưới bóng mát của những vòm cây cổ thụ, suối Ðá chạy dài từ mặt hồ lên đến đỉnh núi, vẻ lãng mạn của nó rất dễ dẫn dụ du khách mở cuộc du sơn dã ngoại. Thế nhưng nếu bạn tiêu phí thời gian nhiều quá ở đây, bạn sẽ phải tiếc nuối vì còn ít thời gian để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ mà cũng rất lãng mạn của thác Ðổ. Ðây là một thác nước nằm về phía tây nam của hồ, giáp với huyện Vân Canh, cao chừng 46m, chia làm 3 tầng nối tiếp nhau. Dưới chân của mỗi tầng thác đều có một bể tắm tự nhiên. Ðứng trên đỉnh thác, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh lòng hồ, một bức tranh hoàn mỹ mà chỉ có thiên nhiên mới vẽ nên được. Chung quanh ngọn thác, những tảng đá to, bằng phẳng sẽ là nơi lý tưởng để bạn bày những bữa ăn. Hương rừng, tiếng chim hót, nhạc thác reo sẽ làm cho bữa ăn của bạn dù đạm bạc mấy cũng trở nên thịnh soạn. Nếu bạn muốn nghỉ ngơi một chút, những cánh rừng nguyên sinh sẵn lòng hào phóng ban phát những tảng đá phẳng và bóng mát. Nếu bạn nghỉ một giấc dài đến chiều, hoàng hôn sẽ dắt về cho bạn những đàn cò trắng. Chúng không tranh chỗ của bạn đâu, mà chúng sẵn sàng làm láng giềng với bạn ở những cánh rừng bên cạnh. Hồ Núi Một vào lúc ấy như một bức tranh được tô thêm một gam màu đẹp.

Nhưng nếu bạn tận hưởng được vẻ đẹp này thì bạn đành bỏ lỡ dịp đến thăm núi Ông nằm. Ðây là ngọn núi nằm giữa địa bàn 2 huyện Vân Canh và An Nhơn. Thêm 15 phút lướt trên ca-nô bạn sẽ được đứng trước một người đàn ông bằng đá nằm ngã người nhìn mây, nhìn trời vô cùng thanh thản. Có nhiều du khách nói vui: Không biết giữa hồ Núi Một với tỉnh Ninh Bình có duyên gì với nhau không mà ngoài ấy lại có ngọn núi Bà nằm. Tương truyền, núi Ông nằm rất thiêng, đứng trước ông, ai cầu gì được nấy. Có lẽ do thế nên du khách đã đến hồ Núi Một chẳng mấy ai bỏ qua dịp đến thăm núi Ông nằm. Còn các vị lão thành cách mạng thì nhớ lại đầy vẻ hàm ơn: nơi đây xưa là căn cứ địa đã từng nuôi dấu nhiều thế hệ cách mạng cho đến ngày chiến thắng !

Phía thượng nguồn của hồ đã tồn tại từ rất lâu một ngôi làng có 433 đồng bào của 2 dân tộc Bana và dân tộc Chăm cư trú. Ðó là làng Canh Tiến thuộc huyện Vân Canh. Thật ngạc nhiên, trong một chuyến thăm thú hồ Núi Một, lúc chiếc ca-nô vừa cập bến, chúng tôi đã thật sự ngỡ ngàng trước 4 cô gái Bana xinh đẹp ra chào đón khách với những nụ cười sơn cước tươi rói và “nguyên sinh” như rừng. Sự ngỡ ngàng của du khách sẽ chưa dừng lại ở đó. Vào làng, chúng ta sẽ được những người con của núi rừng kia mời lên ngôi nhà rông được xây dựng theo kiến trúc của dân tộc Bana. Ở đây, du khách vừa “nhum” rượu cần, vừa ngắm nhìn vẻ hùng vỹ của núi rừng, vừa thả hồn trong những điệu cồng chiêng đậm đà bản sắc. Bà con làng Canh Tiến vẫn còn bảo tồn được 2 đội múa cồng chiêng, một của dân tộc Bana và một của dân tộc Chăm.

Rời làng, tiếp tục cuộc hành trình, hồ Núi Một sẽ lại mang đến cho du khách những bất ngờ mới ở điểm Thạch Ðộng. Ðây là điểm trung tâm của toàn khu du lịch. Bên cạnh rừng bạt ngàn, những hang đá được kết cấu đầy nét hoang sơ và bí ẩn có thể dẫn du khách đi sâu vào lòng đất để khám phá tận cùng cái đẹp của thiên nhiên, rồi hang động sẽ dẫn bạn đến một điểm khác cao hơn. Nếu du khách đến Thạch Ðộng đúng vào mùa lan rừng nở, bạn sẽ có cảm giác như được bơi trong làn hương nồng nàn. Leo núi chán, bạn hãy mua một cần câu cá giá chỉ 15.000đ, chọn một bóng mát lý tưởng vừa ngắm mây nước trôi vừa buông cần. Những con cá bống tượng, cá mè, cá chép, cá trôi sẽ cho bạn nhiều niềm vui bất ngờ. Nếu bạn có dự định nghỉ đêm ở Thạch Ðộng, bạn hãy câu thật nhiều để đến đêm vào lửa trại, những con cá nướng thơm phức sẽ làm cho những “nhum” rượu cần của bạn đậm đà hơn. Bạn vừa vít cần “nhum” rượu, vừa xem múa cồng chiêng bên lửa rừng, bao nhiêu lo toan phiền muộn trong bạn sẽ lập tức tan biến. Khu Thạch Ðộng khá rộng, có thể đón cùng lúc đến 200 khách với nhà hàng nổi trên mặt nước, nhà hàng đặc sản dưới mái rừng, các nhà nghỉ dưới gốc cây và cả trên những ngọn cây cổ thụ. Vào những mùa gió nam, du khách sẽ còn được tận hưởng cảm giác bay bổng trên những chiếc thuyền buồm trên mặt nước trong xanh rộng đến 12 km2. Cuối cuộc hành trình, quay lại điểm bến thuyền để có cái gợi nhớ một chuyến đi thú vị, bạn có thể chọn mua ở đây một vài món đồ lưu niệm mang nét đặc trưng của nền văn hóa các dân tộc Bana và Chăm.

Nguyễn Vũ Quỳnh Trân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)