Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng

Ngay từ đầu năm 2000 UBND tỉnh đã có chủ trương và giao nhiệm vụ cho một số đơn vị đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu. Cuối năm 2000 Công ty XNK Bình Ðịnh đã được Bộ LÐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động chuyên doanh XKLÐ và công ty được phép thành lập Trung tâm Ðào tạo lao động xuất khẩu nhằm đào tạo và giáo dục định hướng cho người lao động (NLÐ) trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã khuyến khích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh liên kết với cac doanh nhgiệp có chức năng XKLÐ trong nước để tuyển lao động của Bình Ðịnh đi XKLÐ. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, chỉ 94 lao động được đưa đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Malaysia, trong đó Công ty XNK Bình Ðịnh xuất được 63 người, còn lại là của Trung tâm Dịch vụ và Xúc tiến việc làm (thuộc Sở LÐ-TB&XH). Những con số này là quá nhỏ khi so sánh với các địa phương khác trong cả nước. Vậy đâu là nguyên nhân?

Có thể nói ngay rằng nguyên nhân chính là do phí ban đầu và tiền thế chân mà NLÐ phải nộp vẫn còn quá cao. Ðể có được một suất đi người lao động phải bỏ ra không dưới 10 triệu đồng, đó là chưa kể đến tiền thế chân mà các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi để đề phòng NLÐ “bùng” mất sau khi sang làm việc. Trong khi đó, phần đông những lao động có nhu cầu XKLÐ đều thuộc dạng nghèo, mức thu nhập thấp nên dù có muốn họ cũng đành “bó tay” trước khoản chi phí vượt ngoài tầm với. Ngoài ra việc đào tạo tay nghề, trình độ ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLÐ cũng là một rào cản khá lớn. Một số lao động đã không qua được các vòng thi tuyển tay nghề hoặc vì ý thức kỷ luật kém nên sau khi sang nước bạn làm việc đã bị trả về. Một nguyên nhân khác nữa cũng không kém phần quan trọng là NLÐ thiếu thông tin về chủ trương XKLÐ. Công tác tuyên truyền hiện nay chỉ bó hẹp ở thành phố Quy Nhơn, NLÐ ở nông thôn chưa thật sự hiểu biết nhiều về XKLÐ cũng như về quyền và nghĩa vụ của người đi lao động nước ngoài.

Bình Ðịnh là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào nhưng hiện nay XKLÐ còn hạn chế vì người dân còn thiếu vốn, thiếu thông tin. Nếu biết khai thác và tận dụng tối đa các thế mạnh sẵn có, đồng thời giải quyết được những tồn tại trên thì việc XKLÐ ở Bình Ðịnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực - ông Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH khẳng định như vậy tại Hội thảo về XKLÐ và chuyên gia được tổ chức mới đây tại tỉnh ta. Cục Quản lý lao động với nước ngoài cũng đã phân công 9 doanh nghiệp XKLÐ trong nước tham gia tuyển chọn lao động làm việc tại Malaysia trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh gồm: Công ty Dịch vụ đầu tư Bà Rịa-Vũng Tàu, Cty XKLÐ- Thương mại và Du lịch, Cty Ðầu tư và Phát triển GTVT, Cty Xây dựng và phục vụ việc làm TNXP Quảng Nam - Ðà Nẵng. Bước đầu, các công ty này đã làm việc với đại diện của các địa phương để nắm rõ nhu cầu XKLÐ từng vùng, điều kiện kinh tế của người dân.

Tuy nhiên, theo các công ty này thì thiếu vốn, thiếu thông tin; cũng như về nhận thức, tác phong và ngoại ngữ vẫn là những rào cản lớn khiến nhiều NLÐ gặp khó khăn khi XKLÐ và đề nghị UBND tỉnh Bình Ðịnh có những biện pháp khắc phục kịp thời. Dù chi phí đi XKLÐ qua Malaysia khoảng 900-1.100 USD, bằng một nửa so với các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản lại không yêu cầu tiền đặt cọc, nhưng với nhiều lao động ở tỉnh ta cũng không phải là điều dễ vượt qua.

Ðược biết, hiện nay, ở một số địa phương trong nước đã tự tìm cách gỡ bằng biện pháp lấy nguồn vốn từ Quỹ XÐGN cho vay và địa phương đứng ra bảo lãnh cho NLÐ vay tín chấp. Ðồng thời để khắc phục tình trạng yếu về ngoại ngữ, tay nghề và nhận thức, một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Hải Dương đều hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho NLÐ nghèo trong khoảng 3 tháng. Nhờ đó, lao động qua bên đó tiếp thu công việc nhanh hơn, hòa nhập cộng đồng tốt hơn, lại chăm chỉ nên được Malaysia đánh giá khá tốt. Nhiều lao động được tăng lương từ 150 USD lên 200 USD chỉ sau một thời gian ngắn làm việc, ông Trần Văn Hằng, Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài đã cho biết như vậy.

Thu Hà

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Công ty XKLÐ, thương mại và du lịch (SOVILACO):
Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương về thỏa thuận hợp tác giữa địa phương và công ty và sẽ giành một phần lợi nhuận hỗ trợ địa phương thực hiện công tác tuyển dụng và đào tạo nghề cho NLÐ. Theo đó, sẽ hỗ trợ 300.000 đồng cho lao động phổ thông và 600.000 đồng đối với những lao động biết nghề xây dựng và nghề may. Sau khi NLÐ trúng tuyển sẽ được đào tạo ngay tại địa phương. Theo thống kê của chúng tôi thì sau khi trừ các khoản thuế, tiền ăn thì NLÐ có thể để dành được 2 triệu đồng/tháng.

Ông Ðỗ Văn Tâm, Phó Giám đốc Công ty XNK Bình Ðịnh:
DN cần được các cấp chính quyền hỗ trợ trong tuyên truyền, quảng bá về XKLÐ. Việc làm các thủ tục như lý lịch tư pháp, xác nhận bản cam kết cần được thực hiện nhanh chóng hơn. Khi NLÐ trúng tuyển, các ngân hàng, nhất là quỹ xóa đói giảm nghèo cho họ vay vốn với hạn mức khoảng 10 triệu đồng/người, tạo cơ hội cho NLÐ thiếu vốn có điều kiện đi làm việc nước ngoài.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)