Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?

Theo đánh giá ban đầu của ông Bùi Quốc Hồng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư- Thương mại và Ðối ngoại Bình Ðịnh, hiện mới chỉ có khoảng 10% thương hiệu của DN trong tỉnh được thị trường nước ngoài chấp nhận. Thời gian tới, vấn đề xây dựng thương hiệu trở nên cực kỳ quan trọng với các DN nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh khi lộ trình AFTA đang rất gần.

Vẫn còn bình lặng
Ông Nguyễn Chơn Hiền, chuyên trách theo dõi dịch vụ quảng cáo thuộc Phòng nghiệp vụ, Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh, cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có 6 Công ty TNHH đang làm các dịch vụ quảng cáo. Những dịch vụ được các DN này tiến hành, chủ yếu vẫn là giới thiệu các sản phẩm của các thương hiệu hàng tiêu dùng trong nước. Nhìn chung, các DN đều thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Những vi phạm như: treo băng rôn quá thời hạn; pa-nô, bảng hiệu quá thời hạn mà không gia hạn; không ghi tên dịch vụ và thời hạn cấp phép trên pa-nô, hộp đèn… thi thoảng có xảy ra, nhưng đã được Sở Văn hóa- Thông tin nhắc nhở kịp thời - ông Hiền nhận xét. Sự bình lặng như vậy của họat động quảng cáo trên địa bàn tỉnh, phần nào phản ánh ý thức của các DN trong tỉnh với hoạt động quảng cáo, tiếp thị thương hiệu với thị trường nội địa. Tất nhiên, cũng phải kể đến hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuy nhiên, ngay chính hoạt động này cũng nhằm giới thiệu về DN, hơn là tiếp thị sản phẩm và chưa được DN chú trọng.

Quảng cáo, chỉ là bề nổi của một tảng băng, đó là những hoạt động tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Ðây là một điểm yếu của các DN trong tỉnh. Phát triển thương hiệu, trước đây, với một số DN chỉ đơn thuần là in ấn một vài tờ bướm quảng cáo phát trong các hội chợ, in một vài catologe mà ngay từ hình thức ban đầu cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của nó. Còn chuyện logo, mẫu mã, bao bì sao cho bắt mắt khách hàng và thuyếât phục họ mở hầu bao; chuyện tiếp thị, quảng cáo sản phẩm, làm cho thương hiệu của mình quen thuộc với người tiêu dùng thì có lẽ vẫn còn hơi xa. Hiện nay, một phần thực trạng này đã được cải tiến. Riêng các DN sản xuất và chế biến lâm sản xuất khẩu lại chưa đưa thị trường nội địa vào tầm ngắm nên việc tiếp thị và xây dựng thương hiệu nhắm đến khách hàng nước ngoài là chính. Thị trường nội địa vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi nếu khai thác tốt, đây hoàn toàn vẫn là thị trường nhiều tiềm năng. Có lẽ chính vì ý thức như vậy nên một cơ sở sản xuất nọ, khi được giới thiệu tham gia một hội chợ được tỉnh tổ chức, đã nói: Nếu được tỉnh hỗ trợ tiền thuê gian hàng thì mới tham gia, còn không thì thôi!

Ðã có tín hiệu mới
Hiện nay, sản phẩm xuất ra nước ngoài, chỉ được gắn made in Việt Nam, thương hiệu của DN rất khó tồn tại trên sản phẩm. Ðơn giản là vì thương hiệu chưa đủ mạnh, DN vẫn còn phải xuất gián tiếp thông qua các công ty thương mại nước ngoài với một tỷ lệ nhất định- đó là nhận xét của ông Ðỗ Ðình Hải (DNTN Duyên Hải). Và trước thềm năm 2003, với xu thế cạnh tranh của thị trường thế giới ngày càng gay gắt hơn, lộ trình gia nhập AFTA đang rất gần, các DN đã ý thức được thế yếu này và đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu; đây cũng là một con đường để DN đẩy mạnh tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp. Có lẽ phải mất hàng trăm ngàn USD để xúc tiến thương mại, để thương hiệu của mình được người tiêu dùng ở nước ngoài chấp nhận, nhưng đó là việc nên làm và phải làm - ông Lê Duy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Tài khẳng định. Cũng theo tiết lộ của ông Linh, DN này thông qua Cục Sở hữu Công nghiệp, đã đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và đang xúc tiến việc xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này và sẽ có gian hàng giới thiệu sản phẩm tại tiểu bang California (Mỹ) trong 6 tháng, bắt đầu từ vào cuối tháng 12-2002. Thị trường nội địa cũng được DN này lưu tâm, dự kiến cuối năm 2003 sẽ lắp đặt hệ thống chuyên làm hàng trong nhà, phục vụ thị trường nội địa. Công ty TNHH Ánh Việt cũng đang trong bước khởi đầu như vậy. Xây dựng thương hiệu được DN này chú trọng bằng cách tham gia khá nhiều các hội chợ đồ gỗ quốc tế ở nước ngoài nhằm tiếp thị hình ảnh của DN mình. Ngoài ra, theo bà Ðồng Thị Ánh, Phó Giám đốc Công ty, DN đang có ý định mở chi nhánh tại Mỹ vào năm 2003. Ngoài ra, hiện nay số DN mở được website riêng trên mạng ngày càng nhiều.

Tất cả, mới chỉ là bước đầu và vẫn còn tập trung ở các DN xuất khẩu lớn. Còn những DN sản xuất hàng may mặc, giày dép… tại sao không nhanh chóng tiếp thị thương hiệu với người tiêu dùng nội tỉnh, rồi vươn ra nội địa, khu vực và quốc tế? Ngay những gian hàng giới thiệu sản phẩm của các DN này ở Quy Nhơn cũng rất ít được người Quy Nhơn biết đến. Trong khi đó, ngoài chất lượng, giá cả, thương hiệu là một trong 3 yếu tố quyết định sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, khi tỉnh đã có những chính sách khuyến khích DN xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu như hỗ trợ DN tham gia các hội chợ nước ngoài, khuyến khích DN mở trang web riêng, xây dựng website chung của tỉnh thì xây dựng thương hiệu cần được DN chú trọng hơn nữa và phải có chiến lược xây dựng thương hiệu. Hãy nhớ, lộ trình gia nhập AFTA của Việt Nam đang rất gần.

Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)