“Đi chợ” xứ người
Mỗi lần tham gia hội chợ (HC) ở nước ngoài, doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra không dưới con số chục ngàn USD. Tính ra, để thị trường nước ngoài biết đến thương hiệu của mình, DN bỏ ra không dưới hàng trăm ngàn USD. Tốn kém, vậy mà DN vẫn làm, và làm ngày một chuyên nghiệp hơn, bởi “không cách tiếp thị nào hiệu quả bằng đi HC”- ông Lê Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Tài khẳng định vậy.

“Ra biển lớn, mới bắt được cá to”
Đó là khẳng định của giám đốc một DN khi nói về mục tiêu của những chuyến “đi chợ” xứ người của DN mình. Điều này giải thích vì sao, để tham gia một HC ở nước ngoài, DN bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ, khoảng vài chục ngàn USD/HC; thế nhưng, “đi chợ” xứ người từ vài năm gần đây, lại trở thành chuyện thường ngày với các DN trong tỉnh. Các DN gỗ như Duyên Hải, Đại Thành, Ánh Việt, Mỹ Tài… rồi Công ty Giày Bình Định, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định… liên tục “tây du”; và gần đây, còn “đông du” tìm thị trường. Công ty TNHH Mỹ Tài năm 2002 tham gia hai HC, một tại Đức và một tại Singapore vì ngoài hai thị trường lớn là Châu Âu, và Mỹ, còn nhắm đến Úc và Newzeland, hai thị trường hàng trái mùa. Còn Công ty TNHH Ánh Việt lại tích cực tham gia HC đồ gỗ quốc tế tại Chicago (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) nhằm tiếp cận những thị trường đang còn nhiều tiềm năng.

Bên cạnh việc tìm kiếm được khách hàng ngay tại HC, theo ông Lê Minh Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, “Tham gia HC là dịp để DN nắm được thị hiếu khách hàng, tình hình thị trường, giá cả để từ đó, có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp”. Ngay Công ty TNHH Đại Thành, ngay sau những chuyến đi khảo sát thị trường, tham dự HC, nắm bắt thị trường đồ gỗ trong nhà đang lớn, doanh số cao; đã nhanh chóng chuyển hướng, đầu tư công nghệ, làm hàng nội thất. Với DNTN Duyên Hải, vốn đã xuất khẩu ra thị trường thế giới từ nhiều năm, nên HC còn là dịp để khẳng định lại với khách hàng, về chất lượng và mẫu mã sản phẩm luôn ổn định của DN. Còn Công ty TNHH Ánh Việt, bên cạnh tìm kiếm khách hàng, mỗi lần đi HC là cơ hội để DN tiếp thị thương hiệu với thị trường và khách nước ngoài. “Chúng tôi xác định: để khách hàng làm quen được với thương hiệu của mình, phải tăng cường tham gia các HC quốc tế, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại khác”- bà Đồng Thị Ánh, Phó Giám đốc Công ty khẳng định.

Để “ra biển lớn, bắt cá to” các DN trong tỉnh đã nhanh chóng tăng cường nội lực, vững bước vươn ra thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chỉ một, hai năm trước, khi khảo sát thị trường Mỹ, các DN nhận ra những khoảng cách của mình với thị trường lớn này. Bên cạnh một hệ thống luật pháp khá chặt chẽ, mà các DN còn nhiều bỡ ngỡ; thị trường Mỹ có yêu cầu cao; hơn thế, so với Trung Quốc, vốn đã hình thành một hệ thống bán lẻ, thì các DN Việt Nam chậm chân hơn. Vậy mà nay, các DN đã chủ động tiếp cận thị trường này một cách không dè dặt. Có DN, thông qua Cục Sở hữu Công nghiệp, đã tiến hành đăng ký tên thương hiệu sang Mỹ; có DN đang chuẩn bị hình thành chi nhánh tại Mỹ vào năm 2003 để đáp ứng yêu cầu khách hàng. Ngay trong việc tham gia HC, mới vài năm trước, các DN còn bỡ ngỡ với chuyện đi HC, tính chuyên nghiệp chưa cao; thì nay, họ đã chăm chút hơn về mẫu mã sản phẩm, gian hàng. DN chủ động hơn trong việc tiếp thị hình ảnh của mình với khách hàng. “Trước đây, chúng tôi đã tham gia HC quốc tế thông qua các công ty thương mại. Nhờ đó, DN học được nhiều về cách trưng bày gian hàng. Hiện nay, khi DN đã chủ động tham gia các HC quóc tế, cách trình bày của chúng tôi đã bài bản hơn. Nói chung, trưng bày phải ấn tương, đập vào mắt khách hàng, chứ không đơn thuần là bày đồ gỗ”- ông Lê Duy Linh khẳng định.

Vẫn bươn chải một mình
“Tham gia HC được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả cao”- ông Bùi Quốc Hồng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Đối ngoại tỉnh, khẳng định như vậy. Cũng theo ông Hồng, tham gia HC là cách có hiệu quả để các DN trong tỉnh gỡ thế bí xuất khẩu qua trung gian như hiện nay. Tham gia HC từ chỗ chủ yếu là các DN nhà nước, nay đã có sự tham gia tích cực của các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế. Nhận thức của các DN về hiệu quả của việc tham gia HC, đó là một nguyên nhân; còn một nguyên nhân khác là chính sách hỗ trợ của tỉnh đã khuyến khích DN. “So với các tỉnh trong khu vực, chính sách hỗ trợ DN xúc tiến thương mại của Bình Định được các bộ, ngành trung ương đánh giá rất cao, thật sự hiệu quả”- ông Hồng khẳng định.

Tuy vậy, hiện nay, việc tham gia HC ở nước ngoài chủ yếu vẫn là các DN chế biến gỗ. Bên cạnh đó, tính cộng đồng kinh doanh chưa cao là thế yếu của các DN. Từng DN, thông qua công ty thương mại hay chủ động tham gia HC; trưng bày theo từng gian hàng xé lẻ, không ấn tượng. Trong khi đó, gian hàng các nước khác có khu vực riêng, thiết kế thống nhất, có quầy thông tin riêng…

Mở hội chợ xứ mình, tại sao không?
Một HC quốc tế chuyên về đồ gỗ, tổ chức tại Việt Nam là mong muốn chung của các DN gỗ trong tỉnh. Riêng với Bình Định, một trung tâm đồ gỗ tinh chế của cả nước, theo ông Bùi Quốc Hồng, hiện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Đối ngoại tỉnh đang đề xuất tổ chức ba loại hình HC thường niên: HC đồ gỗ, trước mắt tổ chức trong phạm vi nội địa, sau đó sẽ tiến tới mang tính khu vực; HC hàng chất lượng cao; HC giới thiệu về những thành tựu kinh tế- xã hội của tỉnh. Các HC này tạo thêm cơ hội cho các DN xúc tiến thương mại ngay trên địa bàn, đồng thời, chính là dịp để tiếp thị hình ảnh của đất nước và con người Bình Định.

Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)