Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung

Quốc lộ 1 D, hay còn gọi là đường Quy Nhơn - Sông Cầu (nối liền 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên) là một con đường tuyệt đẹp đang ngày càng quyến rũ du khách bởi sự hoang sơ, tự nhiên của nó.

Ðúng vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng Bình Ðịnh (31-3-2001), 2 tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên đã tổ chức khánh thành công trình đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 2-9-1997, bắt đầu từ cầu sông Ngang, cửa ngõ vào trung tâm TP. Quy Nhơn, và kết thúc tại xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (Phú Yên), có tổng chiều dài 33,15 km trong đó 19 km nằm ở đất Bình Ðịnh, đoạn còn lại thuộc về Phú Yên.

Việc xây dựng con đường này không chỉ nhằm mục đích tránh đèo Cù Mông nguy hiểm trên quốc lộ 1, phá vỡ thế độc đạo ra vào TP. Quy Nhơn, rút ngắn 15 km cho quãng đường từ Quy Nhơn đi TP. Hồ Chí Minh, mà trước hết là vì sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất giáp ranh 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên. Trong thực tế, từ cuối năm 1998, phần nền đường tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu đã được khai thông. Cũng từ đó, cư dân sống dọc theo tuyến đường, từng được gọi là vùng sâu vùng xa dù cách Quy Nhơn chưa đầy 5 km, đã bắt đầu đổi đời. Nhiều người trước đây sống bằng nghề biển, nghề đốt than hái củi nay nhảy ra kinh doanh du lịch. Hàng loạt khu du lịch đã mọc lên: Bãi Bàng, bãi Xép, bãi Rạng… dọc theo tuyến đường. Trong đó có khu du lịch có quy mô lớn nhất Bình Ðịnh: Khu du lịch Bãi Dài.

Ðầu tháng 4-2002, UBND tỉnh đã cấp giấy phép cho phép Công ty Du lịch Bình Ðịnh và tập đoàn của Cộng hòa Áo thành lập liên doanh có tên gọi Công ty Du lịch Bãi Dài - Quy Nhơn, với mục tiêu xây dựng và điều hành một khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế gồm các loại hình kinh doanh lưu trú và các dịch vụ du lịch trên khu vực Bãi Dài thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn. Ðây là khu resort (nghỉ mát) đầu tiên của Bình Ðịnh. Vốn đầu tư của liên doanh này là 4 triệu USD, trong đó phía tỉnh đóng góp 30%. Ngày 4-8, khu du lịch Bãi Dài đã được khởi công xây dựng. Việc xây dựng khu du lịch này là bước khởi đầu cho một loạt những động thái tiếp theo nhằm tạo ra sự biến đổi mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh.

Con đường trải nhựa phẳng lỳ một bên biển với những bãi cát trắng phau, một bên núi với màu xanh ngút ngàn của cây cỏ, bất chợt lại gặp một thác nước hay một dòng suối nhỏ trong veo róc rách, đẹp như tranh thuỷ mặc đã và đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Chính vì thế, một công ty du lịch trong nước đang có kế hoạch tổ chức du lịch lặn biển tại các bãi biển dọc theo tuyến đường này. Ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, dân Bình Ðịnh, Phú Yên nô nức rủ nhau đến các điểm du lịch này. Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2001-2005, tuyến du lịch ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Ðịnh. Ðể tạo thế liên hoàn cho tuyến du lịch này, tỉnh Bình Ðịnh đang tiến hành chỉnh trang toàn bộ tuyến ven biển từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng, trong đó có việc di dời dân để xây dựng đường Xuân Diệu và xây dựng các công viên, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng; đồng thời xây dựng một số điểm vui chơi giải trí dọc theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu và tại đồi Ghềnh Ráng, nơi có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử; xây dựng và nâng cấp một số khách sạn cao cấp dọc theo đường An Dương Vương và đường Nguyễn Huệ (Quy Nhơn), khôi phục lầu Bảo Ðại tại đồi Ghềnh Ráng.

Quy Nhơn - Sông Cầu đã và đang trở thành một con đường du lịch của miền Trung. Nói như thế cũng chẳng quá lời bởi thực tế đã khẳng định điều đó. Nhưng không chỉ là một con đường du lịch, đường Quy Nhơn - Sông Cầu đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh - tế xã hội của 2 tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên - 2 địa phương được coi là nghèo của khu vực miền Trung. Trong một bài hát, một nhạc sĩ đã viết: Ðường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Ðiều đó thật đúng đối với hàng vạn cư dân sinh sống dọc theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Tương lai đã thật sự bắt đầu đối với họ từ khi con đường được mở ra.

Thúc Giáp

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)