Nước mắm Đập Đá xuất ngoại

Hội chợ triển lãm Hàng Việt Nam tại Phnom Pênh (Campuchia- CPC) lần thứ 2 diễn ra từ 15 đến 20-11-2002, có trên 60 gian hàng tham gia. Riêng lĩnh vực nước mắm chỉ có doanh nghiệp tư nhân Phùng Kỳ- Thủy Tài (PK-TT) ở Đập Đá tham gia và là đơn vị duy nhất của Bình Định có mặt tại Hội chợ này. Và cũng khá bất ngờ, nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài lại được người tiêu dùng nước bạn ưa thích.

“Mang chuông đi đấm xứ người”
Ông Nguyễn Tấn Tài - chủ doanh nghiệp này - cho biết: “Đem qua 3 tấn nước mắm, chỉ bán có hơn một ngày là hết vèo. Người mua đa số là Việt kiều và người sở tại…Nhiều người lấy làm tiếc và hỏi: sao không mang nhiều để bán (nhất là Việt kiều). Họ nói, Hội Việt kiều Phnom Pênh sẵn sàng giúp tiêu thụ sản phẩm nước mắm truyền thống của quê nhà”. Đây là lần đầu tiên nước mắm PK-TT và nước mắm Đập Đá nói chung được xuất ngoại. Vì chưa biết thị trường nước bạn ra sao, nên doanh nghiệp chỉ đem một ít qua chủ yếu là trưng bày trong hội chợ, giới thiệu cho khách hàng biết và cũng là để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng…Cũng vì mục đích đó nên ông Tài đem theo đủ loại nước mắm, từ 20,23,30…400N (độ đạm) và nhiều mẫu mã chai lọ khác nhau: chai nhựa, chai thủy tinh đủ cỡ, đủ dáng. Vì muốn tạo lập thị trường lâu dài ở nước bạn nên giá bán phù hợp với chất lượng. Nếu không, không thể cạnh tranh và sẽ bị chính thị trường ưa chuộng loại bỏ mình. Do đó, ông Tài bán với giá chỉ từ 0,7USD - 1,5USD/lít (tùy độ đạm cao, thấp). Lúc đầu người mua rất thích loại 400N, đến khi hết loại độ đạm cao họ lại mua hết sạch loại có độ đạm thấp hơn. Thời gian Hội chợ một tuần, sau khi bán hết hàng, thời gian còn lại ông Tài cho “tiếp thị” sản phẩm. Những chai nước mắm cao đạm 80ml bằng thủy tinh xinh xắn được đem biếu không tận nhà dân trong khu vực triển lãm, để người tiêu dùng làm quen với loại nước mắm mới, có hương vị khá đặc trưng từ tận Đập Đá, Bình Định - Việt Nam chở sang.

Thị hiếu khách hàng xứ Chùa Tháp
Qua tìm hiểu, khảo sát tại hội chợ, các siêu thị, cửa hàng ở Phnom Pênh, ông Tài nhận xét: Thị trường này có nhiều loại nước mắm. Nước mắm Thái Lan mẫu mã cũng đẹp nhưng giá bán cao, màu sắc không thích hợp mấy với người tiêu dùng. Nước mắm Phú Quốc (Việt Nam) có mặt ở nước này cũng khá lâu, cũng cao đạm và khá nổi tiếng nhưng màu sắc đậm quá nên người ta ít thích. Còn nước mắm Đập Đá, so ra mẫu mã cũng khá đẹp, màu nhạt hơn, đặc biệt có độ bóng rất bắt mắt và có hương vị đặc trưng. Phải tự hào rằng, chỉ có con cá cơm khu vực ven biển miền Trung mới tạo ra hương vị nước mắm tuyệt vời như vậy. Và chắc chắn một điều rằng không đâu sánh được. Có lẽ vì vậy nên vài năm gần đây nước mắm Đập Đá có mặt khắp nơi trong nước, tỉnh thành nào cũng có và chiếm một thị phần rất lớn. Không những tiêu thụ trong Hội chợ, mà thắng lợi lớn nhất của PK-TT là đã mở được 3 đại lý ở thủ đô nước bạn. Một đại lý là Công ty AED (Angkor Europa Diffusion CO.,LTD) do người Việt Nam- ông Nguyễn Văn Học - làm giám đốc. Hai đại lý khác là do cửa hàng tư nhân của bà Lý Thị Thảo và Nguyễn Thị Phượng đứng ra đảm nhận.

Sau hội chợ về nước, lập tức ông Tài cho xuất 5 tấn nước mắm các loại sang cung ứng cho 3 đại lý nói trên, sau đó xuất 10 tấn nữa. Hiện nay, ông Tài đang làm mọi thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu bền vững sản phẩm của mình sang Campuchia.

Mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường
Mỗi ngày PK-TT bán ra 10 ngàn lít nước mắm các loại mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm sản xuất 10 ngàn tấn, gấp hơn 3 lần so với vài ba năm trước đây. Do đó PK-TT lập thêm cơ sở sản xuất mới ở Gò Mít (Phù Cát), với diện tích mặt bằng 6.500m2. Đã đưa vào sử dụng 60 bể chượp (30 tấn cá muối/bể). DN dự tính sẽ xây thêm 150 bể nữa, với tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 7 tỉ đồng.

Tạo ra nhiều loại nước mắm, nhiều mẫu mã phù hợp phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều vùng khác nhau, trong cũng như ngoài nước; từ người có cuộc sống cao đến người bình dân…, đó là phương châm của doanh nghiệp PK-TT đặt ra. Sắp tới, ông Tài dự định sẽ qua Lào để thăm dò tìm kiếm thị trường mới. Ông cho biết chuyến đi CPC vừa rồi tốn 30 triệu đồng (tỉnh sẽ hỗ trợ 50% trong số này) nhưng bù lại, đã tạo lập được một thị trường mới đầy hứa hẹn. Đây là tín hiệu vui không chỉ cho doanh nghiệp PK-TT mà còn cho cả làng nghề nước mắm truyền thống Đập Đá.

Hoàng Lân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)