Màu xanh Hóc Mỹ

Rừng bạch đàn Hóc Mỹ (Ân Hảo - Hoài Ân) đã khai thác đến chu kỳ thứ 2 nhưng nhiều cây vẫn còn vươn cao thẳng tắp, in bóng xuống hồ Hội Long phẳng lặng nên thơ…

Bước chậm rãi theo con đường đá quanh hồ, anh Lê Văn Điệu - một chủ vườn ở Hóc Mỹ, nói với chúng tôi: “Khi lên đây (vào năm 1993) cũng đúng vào lúc phong trào VAC được khuyến khích phát triển. Toàn vùng là bãi cỏ tranh nhiều đá được các nương suối cắt thành mảng. Ban đầu là 8 hộ gia đình theo khả năng lao động đã khai hoang vỡ hóa… Làm đất đến đâu, chúng tôi trồng cây ăn quả đến đó. Lúc đầu chưa am hiểu kỹ thuật nên đã trồng theo kiểu xen canh, mật độ dày. Sau này được dự tập huấn của Hiệp hội VACVINA nên những cây kém hiệu quả đã bị chặt bỏ nhiều…”. Sự đổi thay của một vùng núi, ngày xưa bị bom đạn cày xới chỉ còn lại cỏ tranh, bây giờ được hồi sinh như có một phép màu khó tin. Cùng với cây xanh, tiếng nước chảy róc rách từ những ống tre dẫn vào ao cá ngang qua vườn cây xoài, chuối, đu đủ, thơm, dừa trồng xen quanh bờ hồ.

Việc bố trí cây trồng trước đây theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, khai thác các khoảng trống để nâng hiệu quả sử dụng đất. Các hộ sản xuất ở đây đều nghèo, họ sử dụng công lao động tự có hoặc vần công để khai hoang, đào ao, trồng cây… Bây giờ thì cuộc sống đã khá hơn nhiều, hộ nào cũng có ao nuôi cá. Lớn nhỏ ở Hóc Mỹ có đến trên 20 ao cá. Nhờ hồ chứa Hội Long và biện pháp chặn nước be bờ, bắc ống tre, ống lồ ô dẫn nước vào ao, ao cá nào nước cũng được thay đổi nên cá lớn rất nhanh. Một vài người còn có cả ao nhốt cá để chủ động có thể bắt bán nhanh. Ngoài cá, các hộ còn nuôi bò, heo, gà… hộ nào cũng có từ vài đến hàng chục con bò, vài ba con heo thịt và có cả heo nái để sản xuất heo con giống cung ứng tại chỗ. Gà thì từ vài chục đến cả trăm con/hộ. Những hộ chăn nuôi giỏi ở đây như bác Ba, chị Hiền, anh Tú, anh Ca… đều có nguồn thu khá. Nhìn lên triền các mảng núi, từng hàng chuối thẳng tắp vươn cao tàu lá… Nhiều hộ có từ 5-6 trăm đến cả ngàn cây chuối. Các mảng rừng bạc hà, đào, xoài, tiêu và nhiều cây ăn quả như chôm chôm, mận cũng được trồng với qui mô lớn. Mùa mưa đã qua, cây trái ở vùng Hóc Mỹ như vượt lên để chào đón nắng xuân ấm áp trở về.

Được hỏi về thu nhập trong những năm qua, bà con ở đây cho biết: “Đã qua rồi giai đoạn kiến thiết cơ bản và cải tạo vườn. Giờ thì hộ nào bình quân mỗi năm cũng thu được từ 25-30 triệu đồng trở lên. Điều mong muốn của chúng tôi là được chính quyền cấp sổ giao quyền sử dụng đất để có điều kiện tăng mức đầu tư cho việc nuôi bò lai và thâm canh cây trồng”.
 

Nguyễn Đình Thụy

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)