Nghề câu cá ngừ đại dương

Tôi gặp anh Võ Theo (khu vực 5 phường Hải Cảng) – người câu cá ngừ đại dương “có tiếng” của thành phố Quy Nhơn trước giờ anh lên đường đi câu. Lần này, với chiếc tàu 174 mã lực, anh sẽ tới biển Đà Nẵng, nên mọi phương tiện, lương thực được chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi biển này.

Anh cho biết: “Muốn câu được cá ngừ đại dương cần phải có 1 giàn câu bủa rất độc đáo, dây triên dài hơn 20km làm bằng cước 2,2 ly. Đầu giàn câu là 1 cái phao có gắn cờ hiệu, trên giàn câu treo các thẻo câu. Mỗi thẻo gồm có 3 đoạn: đoạn trên là “dây bill” bằng nhựa PE, đoạn giữa là cước 1,8 li và đoạn cuối là cước 1,4 li, 3 đoạn dây này đều có móc khóa xoay được để thẻo câu không xoắn vào nhau. Lưỡi câu được làm bằng Inox 4,8mm. Mỗi giàn câu có từ 500-700 lưỡi câu tùy theo thuyền lớn hay nhỏ, mỗi thẻo câu cách nhau 30m. Dọc theo dây triên có gắn hàng chục “dọi cờ”. Dọi cờ là 1 phao có gắn 1 bóng đèn chạy bằng 2 pin đại. Khi trời tối thì bóng đèn tự động nhấp nháy. Phía trên mỗi thẻo câu có phao ganh để theo dõi khi cá cắn câu thì thả phao xuống. Làm nghề câu cá ngừ đại dương này cũng bấp bênh lắm, vì chi phí lớn quá. Hiện ở phường đã có mấu tàu giải nghệ rồi. Riêng mình đạt nhất là năm 2001, đánh được 1,5 tấn, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Chuyến đi này kéo dài 20 ngày, không biết có thu hoạch được gì không, dạo này đánh bắt thất thu lắm…”.

Cá ngừ đại dương hay còn gọi là cá bò gù thường sinh sống ở vùng biển Đài Loan, theo dòng nước nóng di chuyển về phía nam, cách bờ biển Việt Nam trên 100 hải lý. Câu cá ngừ đại dương cần phải có đầy đủ những thiết bị ra khơi như: máy bộ đàm (14 triệu), máy định vị (giá gần 10 triệu). Tàu đánh bắt lớn còn có cả máy tầm ngư (20 triệu). Các tàu khi ra khơi đều liên lạc với nhau nhờ máy bộ đàm. Mùa câu cá ngừ đại dương bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 6 âm lịch. Thời gian đi về 1 chuyến câu khơi độ 10 bữa đến nửa tháng. Dù vậy, nhưng bao giờ chủ tàu cũng phải chuẩn bị lương thực cho 20 ngày, gần 350 cây đá lạnh được xay ướp vào ngăn lạnh trên tàu. 1 chuyến tàu ra khơi có 8-10 người, khởi hành vào lúc 3 giờ chiều và chạy ra ngư trường suốt 2 ngày đêm (cách bờ từ 150-160 hải lý). Ngư trường của cá ngừ thường hay thay đổi theo mùa vụ. Do cá thường di chuyển theo dòng nước nóng nên ngư dân phải đi theo chúng nhờ vào máy định vị. Tới ngư trường rồi, việc đầu tiên ngư dân phải làm là bủa lưới để đánh bắt cá chuồn, mồi mà cá ngừ đại dương rất thích, cao hơn nữa là dùng mồi mực, 3 giờ chiều bắt đầu thả giàn câu. Ngư dân lần lượt móc cá chuồn, mực vào lưỡi câu, gài thẻo câu vào dây triên rồi thả xuống biển. Do số lượng lưỡi câu nhiều nên công việc này được tiến hành đến 7 giờ tối mới xong. Lúc này người câu có thể nhìn suốt giàn câu nhờ những dọi cờ nhấp nháy giữa khơi.

Anh La Văn Sơ (48 tuổi, phường Hải Cảng), người câu cá ngừ “khét tiếng” với chiếc thuyền gần 180 mã lực bắt đầu vay vốn nhà nước trên 500 triệu đồng năm 1998 để hành nghề. Năm 2001, anh đánh được 1,7 tấn, sau khi trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ là dân gốc vùng biển Hoài Hương – Hoài Nhơn (vùng chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương) nên anh có nhiều kinh nghiệm hơn những ngư dân cùng nghề ở đây, và anh thường câu được cá loại 1. Anh cho biết: “Khi thả giàn câu xong, bọn chúng tôi suốt đêm căng mắt lên chờ, không ngủ được. Phao câu thường bị trôi, tàu lại lần theo dây câu nên dễ va phải đá ngầm. Có lúc tàu trôi xa, không tìm được phao câu là mất hàng trăm triệu đấy. Do đó, một khi đã ra biển thì phải chịu căng thẳng không lúc nào ngưng”. Đến 7 giờ sáng thì bắt đầu thu giàn câu. Khi bị mắc câu, cá ngừ trở nên hung hãn. Có lúc nó giật mạnh kéo cả ngư dân rơi “tõm” xuống biển, thừa lúc đó nó lại kiếm được đường thoát thân… Trên tàu luôn phải có 1 thợ chuyên nghiệp dùng câu khấu để kéo cá lên khỏi mặt nước. Câu khấu là 1 đoạn tre dài, trên đầu có móc sắt, cán tre buộc 1 sợi dây dài chừng 20m được cột chặt vào mạn thuyền. Nếu trường hợp cá vẫy mạnh thì buông câu khấu ra, chờ khi nó mệt hẳn thì dùng 1 câu khấu khác kéo lên.

Ông Trần Mười (phường Hải Cảng) – một thợ chuyên nghiệp được coi là sử dụng câu khấu thành thạo nhất hiện nay. Các động tác của ông luôn được tiến hành một cách xhính xác, nhanh gọn. Ông bủa câu khấu vào mặt dưới của mang cá để kéo cá lên. Sau đó, dùng lưỡi dao đưa xuống bụng con cá còn giãy đành đạch trên boong tàu rạch mạnh khoảng 1 gang tay, kéo ruột cắt ngang. Lưỡi dao khoét nhẹ vào mang con cá, kéo toàn bộ ruột ra ngoài. Ông đưa tiếp 2 nhát nhẹ cắt gần mang để cho máu chảy hết ra ngoài. Sau đó, nhét đá lạnh vào bụng cá để ướp. Những động tác ấy được ông sử dụng tích tắc không tròn 2 phút. Cách làm như thế sẽ giữ được thịt cá trắng hơn, ăn ngon hơn và cá tươi lâu hơn. Tới chiều, thợ câu lại tiếp tục thả câu. Mọi việc được lặp lại. Những lúc rảnh rỗi, họ còn tranh thủ giăng lưới bắt cá chuồn, mực để có mồi dự trữ. Tuy vậy, không phải ở ngư trường nào cá cũng nhiều. Thường thì có ngư trường khoảng vài chục chon, có khi chỉ vài ba con. Nghề câu cá ngừ đại dương rất vất vả, nặng nhọc, nhiều lúc cũng rất nguy hiểm. Do đó, nghề này chỉ dành cho những người đi biển có sức lực dẻo dai.

Sau 10 ngày, nửa tháng, thuyền câu trở về cập bến. Ngay lập tức, cá được đưa ra khỏi hầm ướp lạnh và đưa vào khu chế biến để sơ chế theo các quy trình thủ công đơn giản được tiến hành trong vòng 10 phút/con, rồi cho vào thùng ướp đá đóng kín, đưa vào xe lạnh có nhiệt độ âm 200C. Công đoạn sơ chế hoàn tất thì bằng mọi cách phải vận chuyển cá vào thành phố Hồ Chí Minh ngay trong ngày, dù có khi số lượng cá không đủ 10 tấn/xe, để sau đó cá được lên máy bay vận chuyển sang Nhật, Philippin, Mỹ…

Theo Sở Thủy sản Bình Định, năm 2002 ngư dân trong tỉnh đã đánh bắt được 2.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó Công ty cổ phần thủy sản Hoài nhơn đã xuất trực tiếp cho Mỹ 320 tấn (520 USD) và Công ty cổ phần thủy sản Bình Định xuất 432 tấn. Hiện tại cả tỉnh có 100 chiếc tàu đánh bắt loại cá này, chiếc lớn nhất là 300 mã lực; đồng thời có 2 điểm thu mua cá ngừ đại dương là Cầu Đen (Quy Nhơn) và cảng Tam Quan (Hoài Nhơn). Giá thu mua tại bến từ 30.000-75.000đ/kg tùy theo thời vụ và nhu cầu. Mức giá hiện thời là 45.000đ/kg. Mỗi năm 1 thuyền đánh được cao nhất 12 tấn cá ngừ đại dương các loại, nhưng thường chỉ đạt 800kg – 1 tấn cá loại 1. Dù là loại hàng xuất khẩu có giá trị nhưng cá ngừ đại dương là thứ “dễ ăn” nhưng “khó nuốt”. Bởi vì khi ngư trường thu hẹp; giá cả không ổn định, lúc nhiều cá thì ngư dân bị trạm thu mua (chủ yếu là thương nhân) chèn ép giá; lực lượng đánh bắt cá ngày càng nhiều nhưng thường có kỹ thuật kém, nợ vay ngân hàng trả chậm… thì làm sao làm ăn có hiệu quả được. Thực tế cho thấy một số ngư dân ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đã lâm vào cảnh điêu đứng vì món nợ khó trả này!
 

Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)