Bình Định là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, với ngành nghề đa dạng. Toàn tỉnh hiện còn 41 làng nghề truyền thống, trong đó, một số làng nghề có đặc trưng cao, giàu hàm lượng văn hóa. Hiện nay, tỉnh Bình Định có nhiều chính sách nhằm phục hồi các làng nghề…
Truyền thống làng nghề Bình Định hiện có 41 làng nghề truyền thống, với hơn 4.780 hộ tham gia, chiếm 34% số cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn, giải quyết việc làm cho khoảng 13.800 lao động, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
An Nhơn là vùng đất tập trung nhiều làng nghề nhất trong tỉnh. Số ngành nghề khá đa dạng: thủ công truyền thống, gia công cơ khí, chế biến lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng... Những sản phẩm khảm xà cừ, nón Gò Găng, rượu Bầu Đá, đúc đồng… giàu hàm lượng văn hóa. Một số làng nghề đã sản xuất sản phẩm mới, có giá trị cao, như tượng Chăm giả cổ bằng đồng, các sản phẩm bằng gỗ tiện, sản xuất bột nhang... Một số làng nghề như tiện gỗ, mây tre đan đã bắt đầu được khách du lịch tìm đến thông qua các tour du lịch làng nghề.
Huyện Hoài Nhơn hiện có khoảng 6 làng nghề. Nhiều sản phẩm như: thảm xơ dừa, dầu dừa, chiếu, bột mì… bước đầu được khách hàng ưa chuộng. Mặt hàng thảm xơ dừa ở Tam Quan Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài. Khó khăn lớn nhất hiện nay của làng nghề này là đầu ra không ổn định. Riêng làng nghề sản xuất bột mì ở Hoài Hảo, có đầu ra thuận lợi, nhưng gặp khó khăn về môi trường. Tuy nhiên, một đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai trong hai năm 2002 và 2003, sẽ xây dựng mô hình xử lý môi trường cho làng nghề. Đề tài sẽ triển khai đại trà, giúp làng nghề tháo gỡ khó khăn.
Các làng nghề còn lại, rải rác tại các huyện trong tỉnh, đều có những nét độc đáo riêng. Điều đặc biệt thuận lợi là trên cơ sở các làng nghề, các địa phương đã hình thành những hệ thống TTCN- làng nghề. Rõ nét nhất là ở An Nhơn. Dọc quốc lộ 1 là vùng trung tâm với hai thị trấn Bình Định và Đập Đá, các xã: Nhơn Hưng, Nhơn Thành, phát triển: gia công cơ khí, trang trí nội thất, may mặc, hàng tiêu dùng… Vùng khu đông (các xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh), phát triển dịch vụ cơ khí, nghề truyền thống, chế biến lương thực, thực phẩm. Vùng khu tây (các xã Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu) sản xuất các sản phẩm: tiện gỗ, gốm, làm bún… Dọc quốc lộ 19, là các làng nghề nấu rượu Bầu Đá, bánh tráng xuất khẩu, đan tre… Từ 2001-2005, An Nhơn có kế hoạch thực hiện 12 dự án sản xuất kinh doanh chủ yếu: bánh tráng xuất khẩu, chế biến gạo đóng bao, đóng chai rượu Bầu Đá, gốm mỹ nghệ… An Nhơn cũng đã xây dựng Khu TTCN Gò Đá Trắng (Đập Đá). Trên 44 doanh nghiệp đã nhận đất, sản xuất các nghề như bột nhang, chế biến nhôm nhựa, ép dầu, chế biến gỗ… Một khu TTCN khác, Khu TTCN Quang Trung, cũng đang thành hình tại thành phố Quy Nhơn. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có 14 khu TTCN như vậy được hình thành. Các khu này sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ban đầu, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đi vào hoạt động.
Làng nghề sẽ được đầu tư Điều kiện hạ tầng các làng nghề gần đây đã có nhiều thay đổi với phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn. Tỉnh Bình Định cũng sẽ triển khai những việc làm cụ thể nhằm phát triển làng nghề. Trước hết là xây dựng hệ thống thông tin về thủ công mỹ nghệ trên website của tỉnh nhằm cập nhật các mặt hàng, loại, giá cả nhằm chào hàng trên thị trường. Xem xét từng nhóm ngành hàng để có phương án phát triển sản phẩm một cách toàn diện. Trong năm 2003, Sở Công nghiệp sẽ xây dựng chương trình khôi phục một số ngành nghề thủ công truyền thống. Những sản phẩm mang đặc trưng truyền thống, có thế mạnh về nguyên liệu, công nghệ, tay nghề sẽ được tập trung phát triển: bún song thằn; mỹ nghệ tre, nứa, lá; thảm xơ dừa; thêu, trướng, dệt thổ cẩm; dệt chiếu… tiến tới phục vụ du lịch. Đồng thời, xây dựng hệ thống phát triển mẫu mã, tăng khả năng cạnh tranh. Đi liền với những động thái đó, các làng nghề cũng sẽ được đầu tư mạnh hơn về cơ sở vật chất. Các hiệp hội ngành nghề sẽ được xúc tiến thành lập để từ đó, những chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, thị trường… đến được với làng nghề.
Chính sách: nhiều thuận lợi Tỉnh Bình Định đã ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Theo đó, ngoài ưu đãi theo quy định của Chính phủ, nhà đầu tư trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh, còn được tỉnh hỗ trợ: tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, về tài chính với các cơ sở sản xuất kinh doanh thua lỗ, tín dụng và kinh phí tham dự hội chợ, triển lãm, kinh phí đào tạo phát triển ngành nghề, kinh phí xây dựng hạ tầng. Nhà đầu tư khi đầu tư vào địa bàn nào thì chỉ làm việc “một cửa, một đầu mối” tại UBND huyện, thành phố đó. Với dự án đầu tư không thuộc diện phải thẩm định quyết định đầu tư được cấp không quá 5 ngày; dự án phải thẩm định: không quá 10 ngày.
Lê Viết Thọ |