Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định

Chương trình phát triển giao thông nông thôn theo Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2005 có 75% đường liên xã và trục chính của xã (735 km) được kiên cố hóa”. Bắt đầu triển khai từ năm 2000, đến nay, chỉ sau hơn 3 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 702 km, đạt trên 95% kế hoạch 5 năm. Chỉ riêng năm vừa qua, cả tỉnh đã xây dựng được thêm 363 km đường bê tông xi măng, lớn hơn khối lượng của 2 năm trước cộng lại. Nếu tính mỗi km đường loại này trị giá khoảng 300 triệu đồng, thì trong 3 năm qua toàn tỉnh đã đầu tư hơn 220 tỉ đồng cho chương trình này.

Làm GTNT tại Phù Mỹ

Huyện trung du Hoài Ân tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng lại ngoạn mục vượt qua cả huyện đồng bằng An Nhơn để dẫn đầu phong trào này. 3 năm qua, chính quyền và nhân dân Hoài Ân đã làm mới tới 176,7 km đường bê tông xi măng. Và chỉ trong năm ngoái cả huyện đã làm được 121 km. Ở làng T4 - T5 xã Bok Tới, một xã nghèo nhất của huyện, nhưng chính quyền và nhân dân ở đây rất nhiệt tình hưởng ứng chủ trương trên. Theo qui ước, tất cả 610 nhân khẩu (116 hộ) của cả 2 làng đều mỗi người đóng góp 1 khối sạn đưa đến tận chân công trình và một lon gạo. Gia đình ông chủ tịch xã có 9 người (cha mẹ, vợ chồng, 5 con cháu ) đóng góp 9 khối sạn và 9 lon gạo. Lãnh đạo gương mẫu, đồng bào cứ thế theo nên công việc khá trôi chảy. Cách làm của Hoài Ân là xã tự lập thiết kế, dự toán theo giá nhân công và giá vật liệu khai thác tại địa phương, nhân dân tham gia ngay từ đầu, hiểu rõ hơn về khối lượng, giá cả và trình tự thi công ngay từ khi công trình còn nằm trên bản vẽ. Đây là cách làm hay, phát huy tốt qui chế dân chủ, hạn chế việc huy động đóng góp bằng tiền. Thực tế các huyện làm tốt bê tông hóa giao thông nông thôn như An Nhơn, Hoài Nhơn, An Lão, Tuy Phước, Phù Mỹ, Tây Sơn đều ít nhiều áp dụng cách làm này.

Sau Hoài Ân, chiều dài đường bê tông xi măng các huyện đã làm là: An Nhơn: 120,8 km; Hoài Nhơn: 88,7 km; Phù Mỹ: 62,8 km; Tuy Phước 61,8 km; An Lão 57,9 km; Tây Sơn: 56,5 km; Phù Cát: 47,7 km; Vân Canh: 10,8 km; Vĩnh Thạnh: 9,1 km và Quy Nhơn: 9 km. Hầu hết, các xã phường, thị trấn của tỉnh đều dấy lên phong trào này. Các xã thi công được nhiều nhất là An Hòa (An Lão): 33 km; Ân Tường Đông (Hoài Ân): 21,1 km; Ân Nghĩa (Hoài Ân): 20 km; Nhơn Lộc (An Nhơn): 20,55 km. Ở thành phố Quy Nhơn gần 500 con hẻm đã được bê tông hóa.

Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh để đầu tư kiên cố hóa đường giao thông nông thôn là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Rõ ràng nếu không có chủ trương trên không biết đến khi nào mới có được hơn 700 km đường kiên cố như hiện hữu. Và nếu phải đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách thì số vốn cho đầu tư xây dựng từng ấy công trình sẽ lớn hơn rất nhiều. Với cách làm đã chọn: huy động được sức dân, khai thác tối đa nguồn vật liệu có sẵn tại địa phương, sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác… đã làm cho chi phí đầu tư giảm tới 20 - 30%.

Theo tính toán, toàn tỉnh còn tới hàng ngàn km đường liên thôn, liên xóm cũng cần bê tông hóa, như vậy công việc sẽ còn được tiếp tục trong nhiều năm. Điều cần quan tâm là phải rút ra được các bài học tốt để phổ biến, nhân rộng; nhận thấy được những hạn chế, tồn tại để tránh lặp lại. Thực tế cho thấy, 3 năm qua, cả tỉnh là một công trường xây dựng giao thông, công việc chủ yếu được giao cho người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng. Cho nên ở nhiều công trường, công tác quản lý kỹ thuật chỉ nặng về công việc quản lý số lượng xi măng, còn các vật liệu khác (đá, cát, sỏi, nước) bị buông lỏng, ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ công trình. Với các công trình do nhà thầu xây dựng, để giảm giá thành nhiều nhà thầu đã đưa vào công trình các loại đá tận dụng, qua mặt khâu kiểm tra, giám sát. Nếu quan sát nhiều tuyến sẽ dễ dàng nhận thấy công trình chỉ đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã bị bong mặt, lồi lõm, đường hẹp, nền yếu, thoát nước chưa tốt…. Cá biệt có địa phương cho tiến hành xây dựng chỉ với số xi măng mà tỉnh hỗ trợ, không đủ định lượng nên cường độ bê tông không đủ tiêu chuẩn. Mặt khác, phong trào phát triển cũng chưa đều khắp, có những địa phương làm rất tốt, trái lại nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, còn trông chờ ỉ lại sự đầu tư của tỉnh.

Với phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, đến nay bộ mặt nông thôn Bình Định đã được thay đổi rõ rệt, tạo một bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa đời sống nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày một tốt hơn.

Bài và ảnh: Cát Hùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)
Đã có một Bình Định mới trong mắt các nhà đầu tư   (28/02/2003)