Trở lại Konblo

Lễ hội đâm trâu của người Bana

Về Konblo trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân đang lan tỏa trong mỗi nếp nhà của bà con Ba Na. Trong cái nắng ấm áp đầu xuân, mí Dướt dang tay đảo những hạt cà phê tròn trịa cho kịp khô để ngày mai đem bán. Mí cho biết: Giá cà phê những ngày gần đây có nhích hơn nên nhiều hộ cũng đỡ vất vả. Vụ này nhà mí thu được hơn 2 tấn hạt, tuy không đáng là bao so với những năm trước, nhưng được như vậy là khá lắm rồi…

Còn nhớ những năm 1997-1998, Konblo được coi là thủ phủ của cây cà phê tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Ngày ấy, chúng tôi đến Konblo và được nghe bà con ở đây nói rất nhiều về cây cà phê, nhiều người còn nói chắc chắn rằng chỉ trong vòng 2 năm (tức là năm 2000) cả làng sẽ không còn hộ nghèo nữa. Ấy là chuyện của hơn 5 năm về trước, khi cây cà phê đang lên ngôi, còn trong vòng ba năm trở lại đây, giá cà phê tụt xuống thảm hại đã gây ra bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống của bà con. Bá Khế, Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Trong những ngày ấy tinh thần của bà con trong làng chùng hẳn xuống, nhiều người chán chuyện làm ăn sinh ra uống rượu, thêm vào đó một số kẻ xấu lợi dụng bày trò mê tín như ma gang, thuốc độc gây mất đoàn kết trong làng, nương rẫy để cho cây tạp cỏ dại lấn dần…”

Để lấy lại thế đứng cho Konblo khi cà phê xuống giá, chi bộ làng đã có nhiều cuộc họp bàn tìm biện pháp ổn định tinh thần cho bà con nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các ngành đoàn thể cấp trên, cuộc sống của người dân làng Konblo dần ổn định, các tệ nạn, các hủ tục lạc hậu, tệ mê tín dị đoan bị loại bỏ, sản xuất được khôi phục. Bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng mới như bời lời, tiêu, nhãn, chôm chôm… Bên cạnh đó làng cũng khuyến khích bà con tiếp tục giữ diện tích cây cà phê bằng cách đưa vào áp dụng mô hình thâm canh bông vải xen cà phê. Bước đầu mô hình đã thu hút nhiều hộ trong làng tham gia. Với cách làm này bà con vừa có nguồn thu đáng kể từ bông vải, vừa có điều kiện chăm sóc cây cà phê để đợi mùa thu hoạch. Anh Đặng Văn Khánh, một trong những người trồng cà phê nhiều nhất ở Konblo khẳng định: “Mặc dù cà phê xuống giá, nhưng nếu được chăm sóc tốt thì ở thời điểm nào cây cà phê đem lại nguồn lợi”.

Cùng với việc đưa vào trồng mới nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, năm qua nhiều hộ trong làng đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển phong trào nuôi cá nước ngọt. Hơn 10.000 con cá trắm, trôi, mè, chép đã được thả nuôi đã góp phần cải thiện bữa ăn cho các hộ. Đặc biệt trong năm 2002, làng vận động bà con tập trung khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước, nhờ đó mỗi hộ có thêm 2 sào lúa, tạm ổn định được nguồn lương thực tại chỗ. Bá Ngoe, thôn trưởng Konblo, cho biết: “Ngoài nguồn thu ổn định từ cây lúa, bắp, hiện nay cây bời lời đang cho thu hoạch và đã đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều gia đình. Thêm vào đó, cây cà phê sau một thời gian dài mất giá giờ đã lại nuôi sống được bà con ở đây. Mặc dù trong những năm qua, đời sống của bà con trong làng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nên không có trường hợp nào phá rừng làm rẫy trái phép, cả làng có 82 hộ (433 nhân khẩu), thì cả 82 hộ đều nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, tổng diện tích rừng được bà con nhận quản lý bảo vệ lên đến hơn 17.000ha. Nhờ nhận khoán rừng, bà con có thêm nguồn thu nhập từ tiền rừng và nguồn thu lâm sản phụ dưới tán rừng được phép khai thác”.

Một năm nữa đi qua, làng Konblo thêm nhiều đổi mới, những khu vườn đã xanh thêm màu xanh của bời lời, quế, tiêu, chôm chôm, nhãn… những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên tô điểm cho Konblo thêm nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Bá Ngoe phấn khởi nói: “Năm nay dân làng ăn Tết vui hơn vì đời sống của bà con trong làng đã được cải thiện. Tuy số hộ nghèo vẫn còn khá cao nhưng số hộ đói đã giảm hẳn. Tết này cả làng chỉ còn có 5 hộ phải trợ cấp đỏ lửa, giảm hơn 17 hộ so với năm trước”.

Chúng tôi rời Konblo lúc nửa đêm, khi sương đã giăng mờ trên những đỉnh núi, trước sân nhà rông của làng vẫn rộn rã tiếng cồng chiêng, tiếng con trai, con gái trong làng vẫn đang dập dìu bài hát “Đón xuân mới”…

Xuân Dũng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)
Du lịch sinh thái hồ núi Một: Ấn tượng và quyến rũ  (28/02/2003)