Làng Kinh… dệt thổ cẩm

Cách cổ thành Đồ Bàn chừng 3 km về phía đông nam, là làng dệt Nam Phương Danh, ngày nay thuộc thị trấn Đập Đá (An Nhơn). Qua bao thăng trầm tưởng làng nghề đã bặt tiếng ác mổ, thoi đưa, nhưng nghề của cha ông không mất, cả làng nay vẫn còn hơn hai mươi hộ làm nghề dệt. Thử vào một ngôi nhà vẫn còn lách cách tiếng thoi đưa đập vào mắt chúng tôi là những tấm thổ cẩm đủ các loại, với đường nét hoa văn đậm đà sắc màu dân tộc.

 

* Thổ cẩm …
Nam Phương Danh

Bà Nguyễn Thị Thương, người làng quen gọi là cô Bốn Thìn, năm nay 63 tuổi đang cần mẫn bên khung dệt. Bà là một trong những nghệ nhân của làng dệt Nam Phương Danh còn trụ lại với nghề và sống bằng nghề. Từ lúc mười mấy tuổi bà đã ngồi bên khung cửi. Qua bao biến động của đời sống, nghề dệt cũng lắm bậc thịnh suy nên có lúc bà đã phải bỏ nghề, rời khung dệt mấy năm liền. Bà kể: “Không kể những năm chiến tranh, từ khoảng cuối những năm 80, làng nghề bắt đầu gặp khó khăn, sản phẩm không tìm được đầu ra, làng gần như bặt hẳn tiếng thoi đưa. Là dân trong nghề, tui cũng chua xót lắm, vậy mà chịu, dệt ra không ai mua thì bán cho ai”. Nhưng nay, bà lại được ngày ngày miệt mài bên khung cửi. Chỉ khác một điều: xưa bà dệt lụa, vải xi-ta hay vải màn khăn mặt thì nay dệt thổ cẩm.

Chuyện làng Nam Phương Danh dệt thổ cẩm cũng chẳng phải là mới với cư dân ở đây. Cách đây vài chục năm, làng nghề từng dệt thổ cẩm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở  miền Tây Thừa Thiên-Huế. Bẵng đi một thời gian bị gián đoạn, khoảng chục năm gần đây người từ các địa phương này lại tìm vào đặt hàng và nghề dệt thổ cẩm ở làng dệt Nam Phương Danh lại được đánh thức.

Đã là người có nghề, nhìn mẫu hàng là biết cách dệt, nên chuyện từ dệt vải, dệt khăn chuyển sang dệt thổ cẩm, với các nghệ nhân lành nghề chẳng mấy khó khăn. Đây cũng là cách thay đổi loại hình sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, để duy trì nghề truyền thống. Dần dần, không chỉ ở Thừa Thiên- Huế, khách hàng từ một số huyện của Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng tìm đến mua thổ cẩm của làng nghề. Nghề dệt thổ cẩm bắt đầu rộ lên từ đấy, với hàng chục hộ làm nghề, thu hút đến vài chục lao động. Đặc biệt, thổ cẩm Nam Phương Danh đã được cơ sở Nguyễn Nga (Quy Nhơn) may thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đến nay, cơ sở này đã sản xuất trên dưới 100 mẫu, trong đó, có hơn 25 mẫu trang phục, còn lại là vật dụng làm bằng chất liệu thổ cẩm của làng nghề. Thổ cẩm Nam Phương Danh nhờ vậy, đã có mặt tại các hội chợ trong nước, bước đầu đã bán được cho khách hàng trong và ngoài nước.

* Vẫn lắm truân chuyên

Nghề dệt ở Nam Phương Danh đã từng vang bóng một thời với những sản phẩm lương bùng, dệt lãnh, lụa đậu đôi, đậu ba, đậu tư… nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều nghệ nhân trong làng nổi danh với tay nghề cao như ông Bầu Địch tức Nguyễn Chức giỏi dệt xuyến, ông Mười Chuỗi tức Nguyễn Hộ giỏi dệt đũi… Trong kháng chiến chống Pháp, làng nghề chuyển sang dệt vải xi-ta cung cấp cho bộ đội. Vải xi-ta màu xám, nổi tiếng đẹp, bền, càng giặt càng mềm không kém vải kaki Tây lúc bấy giờ. Bộ đội khắp chiến trường khu V mặc xi-ta. Vải xi-ta đã trở thành một hình ảnh biểu trưng của vùng tự do khu V lúc bấy giờ. Còn hiện nay, với thổ cẩm, số lượng hộ làm nghề hiện không nhiều, nhưng cũng cho thấy tính năng động của làng nghề trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm Nam Phương Danh hiện lại rơi vào thế bí về đầu ra. Anh Nguyễn Văn Minh - một người làm nghề cho biết thêm: “Nghề dệt ngày càng bế tắc. Thanh niên là người dân tộc thiểu số ngày càng ít mặc thổ cẩm nên số lượng bán ra ít hẳn đi. Còn việc sản xuất vật dụng, trang phục từ thổ cẩm chưa phát triển mạnh, chưa thể cạnh tranh bằng các cơ sở thổ cẩm lớn khác trong nước, mẫu mã chưa thật sự phong phú. Một năm hộ chúng tôi sản xuất vài trăm mét, tiêu thụ vẫn khó”. Từ hàng chục hộ lúc ban đầu, nay chỉ còn hai hộ dệt và khoảng gần chục hộ xe sợi gia công. Một người làm nghề dệt tâm sự: “Đầu ra khó khăn, nên hiện nay dù huyện, thị trấn rất quan tâm, cho vay vốn để phát triển, chúng tôi cũng không dám vay. Sản phẩm làm ra không bán được thì vay vốn đầu tư làm gì?”.

Dệt thổ cẩm ở An Nhơn là một trong những làng nghề được chọn trong chương trình khôi phục, phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống đặc trưng mà Sở Công nghiệp đang xây dựng. Theo ông Nguyễn Kim Phương, quyền Giám đốc Sở Công nghiệp, các làng nghề nằm trong chương trình này sẽ được khai thác tính đặc trưng, sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch. Vậy là câu hỏi: Làm thế nào để phát triển nghề thủ công truyền thống, tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc? Vẫn đang chờ đợi câu trả lời.

L.V.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)
Tiềm năng du lịch đang được đánh thức  (28/02/2003)
Xuất khẩu lao động: Khó khăn và triển vọng  (28/02/2003)