Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu
 

Huyện An Nhơn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Thời đổi mới, nếu như một vài năm trước đây, bánh tráng Nhơn Lộc mở đầu cho việc xuất khẩu sản phẩm làng nghề của An Nhơn ra nước ngoài, thì mới đây, nước mắm Đập Đá, mà cụ thể là nước mắm của doanh nghiệp tư nhân Phùng Kỳ-Thủy Tài cũng đã được đem sang nước bạn Campuchia để bán và lập được đại lý tiêu thụ ở Phnông-Pênh. Một vài sản phẩm nước mắm Đập Đá khác đã đoạt Giải thưởng Hàng Việt Nam Chất lượng cao. Uy tín về chất lượng đã có, thị trường tiêu thụ không những đã có, mà còn được mở rộng ở khắp nơi, đó chính là những bước khởi đầu cho việc hình thành một thương hiệu mang tên “Nước mắm Đập Đá, Bình Định”.

Trong ngày khai mạc Hội chợ “Bình Định, tiềm năng và hội nhập” trung tuần tháng 1 vừa rồi, có một vị khách nước ngoài đi dạo khắp các gian hàng, đặc biệt ông xem xét rất kỹ các sản phẩm trưng bày tại các gian nước mắm, rồi ông bỗng dừng lại trước gian hàng của nước mắm Phùng Kỳ-Thủy Tài. Vị khách nước ngoài ấy, chính là ngài Sugito Abdulazis, Tham tán Công sứ thuộc Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Inđônêxia tại Việt Nam. Thông qua phiên dịch viên của Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và đối ngoại tỉnh Bình Định, ngài Tham tán đã đặt thẳng vấn đề với ông Nguyễn Tấn Tài, chủ doanh nghiệp tư nhân Phùng Kỳ-Thủy Tài là có thể mang nước mắm của bổn hãng sang Inđônêxia để tham dự một Hội chợ triển lãm bên đó được không, và nếu được, thì ông sẽ làm việc chính thức để khoảng tháng 6 hoặc tháng 10 năm nay sẽ mang sản phẩm sang. Ông Tài có vẻ bất ngờ trước đề nghị này, nhưng ông nhận lời ngay.

Khoe điều này với tôi, ông Tài cho biết dự tính ông sẽ mang sang Inđônêxia khoảng 10 tấn nước mắm, và nếu được khách hàng tin dùng, ông sẽ đặt đại lý tiêu thụ ngay bên nước bạn. Ông thổ lộ: Rút kinh nghiệm hồi đi Campuchia, phải làm vậy mới được. Chứ hồi đi Campuchia dự Hội chợ hàng Việt Nam tại Phnông-Pênh hồi tháng 11 vừa rồi, chuyến đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người”, tôi chỉ mang sang có 3 tấn, chỉ trong vòng ngày đầu đã bán sạch trơn. Tôi nghĩ, hồi đó đi “tiếp thị sản phẩm” như vậy là hơi liều, nhưng không ngờ đạt được “thắng lợi” lớn quá! Mà “thắng lợi” lớn nhất chính là đã đặt được 3 đại lý tiêu thụ ở bên ấy, trong đó có 1 đại lý của Công ty Angkor Europa Diffusion. Ngay sau khi từ Hội chợ Phnông-Pênh về nước, ông Tài lập tức cho xuất khẩu ngay 5 tấn nước mắm. Và rồi, sau đó là nhiều chuyến nữa, tính chung đã tiêu thụ được 30 tấn.

Cho đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp Phùng Kỳ-Thủy Tài đã được tiêu thụ ở khắp nơi trong cả nước, hầu như tỉnh nào cũng có đại lý. Tính cả cơ sở sản xuất tại Đập Đá và cơ sở mới mở thêm tại Khu tiểu thủ công nghiệp Gò Mít (huyện Phù Cát), doanh nghiệp này mỗi ngày sản xuất 25.000 lít nước mắm các loại, vậy mà không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Còn để đủ khả năng cung ứng thêm cho nhu cầu xuất khẩu thì doanh nghiệp đã đầu tư thêm khoảng 5 tỷ đồng nữa để mở rộng cơ sở sản xuất tại Gò Mít, sẽ đưa vào sản xuất từ tháng 6 tới. Khi đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Phùng Kỳ-Thủy Tài sẽ lên 30.000 lít/ngày. 

Ở Đập Đá, còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm khác. Tiêu biểu như các cơ sở sản xuất nước mắm Mười Thu, Tám Phú, Bốn Phương, Hồng Thủy, trong đó, đáng kể nhất là nước mắm Mười Thu. Cũng giống như nước mắm Phùng Kỳ-Thủy Tài từng đoạt được nhiều giải thưởng, HCV hàng chất lượng cao, nước mắm Mười Thu từng 2 lần đạt Giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng trong nước bình chọn. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất từ 4.000-5.000 lít nước mắm, nhưng cũng không đủ sức cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ. Ông chủ cơ sở này cũng đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng một cơ sở sản xuất mới tại Khu tiểu thủ công nghiệp Nhơn Phong (huyện An Nhơn) có sức chứa gần 4.000 tấn cá chượp một lúc, năng lực sản xuất gấp 3 lần cơ sở cũ. Ông Mười Thu cho biết: do thị trường tiêu thụ của nước mắm Đập Đá ngày càng lớn nên không thể sản xuất nhỏ lẻ như trước đây nữa, mà phải phát triển theo kiểu công nghiệp mới đáp ứng nổi. Đó cũng là lý giải cho việc nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở Đập Đá như Bốn Phương, Tám Phú cũng đều đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng sản xuất, nâng công suất lên gấp 2-3 lần so với trước đây.

Sự lên ngôi của nước mắm Đập Đá trong những năm gần đây, ngoài việc bảo đảm chất lượng, chính là nhờ ở khâu đóng bao bì mẫu mã. Theo như tiết lộ của ông Nguyễn Tấn Tài, chủ doanh nghiệp Phùng Kỳ-Thủy Tài, thì chính ông đã khởi đầu cho việc thay đổi mẫu mã bao bì nhằm bảo đảm tiện dụng cho người tiêu dùng và tính cạnh tranh trên thị trường. Nếu như cũng nước mắm bảo đảm chất lượng ấy, nhưng thường đóng thành can 20 lít đem đi tiêu thụ, thì bây giờ, doanh nghiệp của ông đã có 12 mẫu mã khác nhau. Các cơ sở khác cũng như vậy. Hiện nay, nước mắm Đập Đá đã được đóng thành chai đủ cỡ: từ loại nửa lít, loại 0,75 lít, 0,8 lít đến loại 5 lít. Có đủ loại chai: nhựa trong, nhựa đục, thủy tinh. Và cũng đủ hình dáng: lùn, cao, bầu, thắt eo v.v... Từng loại chai cũng được dán nhãn mác, in màu, tạo dáng đẹp, bắt mắt người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn thoải mái theo thị hiếu, từ nước mắm thấp độ đạm nhất là 100, rồi các loại nước mắm 20, 230 đạm, cho đến loại cao đạm 30, 400.

Như vậy, nước mắm Đập Đá đã từng bước “lên ngôi”. Uy tín về chất lượng đã có, giải thưởng, huy chương chất lượng đã nhiều, mẫu mã bao bì phong phú đa dạng, thị trường tiêu thụ không những đã có, mà còn được mở rộng ở khắp nơi, đó chính là những bước khởi đầu cho việc hình thành một thương hiệu. Có thể nói rằng, nghề làm nước mắm đã có từ lâu đời ở Bình Định, và làm ra nước mắm để ăn thì hầu như ai cũng làm được, nhưng để đưa được nước mắm ra thị trường, được người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ưa chuộng như nước mắm Đập Đá thì quả thật không dễ dàng gì. Và nếu một ngày nào đó, “nước mắm Đập Đá-Bình Định” xuất hiện trên nhiều thị trường trong và ngoài nước với tư cách là một thương hiệu đầy uy tín, thì điều đó tuyệt vời biết bao!

K.H

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)
Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định: Vững tin trên chặng đường mới  (28/02/2003)
Xây dựng thương hiệu: Đã có tín hiệu mới?  (28/02/2003)