Bài học từ PISICO

Trong những năm 1990 - 1998, Tổng công ty sản xuất - đầu tư - dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) luôn đạt mức lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 3,5 đến 4 tỉ đồng. Đỉnh điểm phát triển là năm 1996, PISICO đạt doanh thu 246 tỉ đồng, kim ngạch XK đạt trên 20 triệu USD, lợi nhuận 6 tỉ đồng, có việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động. Tuy nhiên, đây cũng là lúc PISICO đứng trước nguy cơ “tụt dốc” do nóng vội trong đầu tư phát triển. Trong 2 năm 1996-1998, DN đã vay vốn trên 26 tỉ đồng đồng loạt triển khai trên 6 dự án SXKD mới dù chưa có kinh nghiệm dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Để xoay chuyển tình hình, Ban lãnh đạo PISICO đã xây dựng đề án cải tổ DN với mục tiêu đưa DN ổn định trở lại trong vòng 3 năm. Thực hiện đề án này DN ưu tiên tập trung cho giải quyết công nợ, tài chính và củng cố công tác điều hành quản lý. Bằng biện pháp chuyển nhượng, thanh lý, hoán đổi hàng loạt các tài sản không sinh lợi, không còn phù hợp đã giảm được áp lực vốn vay tín dụng đầu tư dài hạn từ hơn 70% xuống còn khoảng từ 28 – 30%, và giảm trên 50% vốn vay lưu động. Đồng vốn quay vòng tăng gấp 2 lần, hiệu quả sử dụng vốn được nâng cao rõ rệt. Cơ cấu vốn được cải thiện theo hướng tích cực, dư nợ bình quân ngân hàng từ 70 tỉ đồng xuống còn 35 – 40 tỉ đồng nhưng vẫn đảm bảo doanh số kinh doanh trên 200 tỉ đồng mỗi năm. Trong vòng 3 năm DN đã cơ bản giải quyết xong trên 80% công nợ, vật tư, sản phẩm tồn đọng khó đòi.

Cùng với việc tháo gỡ công nợ tài chính, DN đồng thời tiến hành sắp xếp, củng cố bộ máy tổ chức DN theo hướng tinh gọn và chất lượng hiệu quả. Giải thể 3 đơn vị đầu mối thua lỗ, để dồn sức vào tập trung củng cố 6 thành viên trực thuộc còn tồn tại bằng các biện pháp đầu tư chiều sâu. Qua cải tổ, chiến lược kinh doanh của DN được điều chỉnh: lĩnh vực chế biến gỗ và kinh doanh lâm sản đã tăng từ 40% lên 84%, nông sản và dịch vụ từ 28% giảm xuống còn 11%, sản xuất công nghiệp và dịch vụ khác từ 32% còn 5%. Cơ cấu và chất lượng kinh doanh theo đó được điều chỉnh: Sản xuất lớn hơn thương mại; tăng lợi nhuận cao hơn tăng doanh số, giảm số lượng đơn vị nhưng không giảm doanh số và kim ngạch XK, giảm lao động để tăng thu nhập bình quân cho CNVC.

Với các giải pháp năng động, sáng tạo đã giúp cho DN vượt qua giai đoạn khủng hoảng, chấm dứt sự thua lỗ kéo dài, vươn lên SXKD có hiệu quả, lấy lại được uy tín với khách hàng. Ngay trong năm 2000, năm đầu thực hiện đề án đổi mới, DN đã đạt mức doanh thu 223,44 tỉ đồng, kim ngạch XK đạt 12,663 triệu USD tăng gần 2 triệu USD so với năm trước, lợi nhuận 4 tỉ đồng, nộp NS 2,3 tỉ đồng, thu nhập bình quân 726.000 đồng/người/tháng tăng gần 130.000 đồng/tháng. Đến năm 2002, tổng doanh thu đã đạt tới gần 256 tỉ đồng, vượt kế hoạch gần 20%, mặc dù thị trường kinh doanh liên tục biến động bất lợi, nhất là XK gỗ gặp rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch XK của DN trong năm vẫn đạt trên 12 triệu USD, lợi nhuận 6 tỉ đồng, vượt 20% kế hoạch (bằng con số năm 1996), tiếp tục tạo công ăn việc làm cho 1.597 lao động với mức thu nhập bình quân đầu người trên 800.000 đồng/tháng (chưa kể trên 2.000 lao động thời vụ).

Đây là kết quả hết sức có ý nghĩa mà PISICO đã giành được trong hành trình cải tổ của mình. Đồng thời qua đó DN rút ra bài học quý giá cho sự phát triển lâu dài.

M.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)
“Đi chợ” xứ người  (28/02/2003)