Ngư trường vịnh Bắc Bộ:
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định

Ngư dân Tam Quan (Hoài Nhơn) chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới.

Nằm ven biển Nam Trung bộ, Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km với 3 cửa lạch chính là: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và 2 cửa lạch phụ: Hà Ra – Phú Thứ, An Dũ, cùng với một năng lực khai thác hải sản khá “hùng hậu”: 5.746 chiếc tàu thuyền các loại với tổng công suất 226.441 CV. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, hiệu quả khai thác của ngư dân Bình Định thực tế chưa tương xứng với năng lực do còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về ngư trường…

Có thể nói, ngư dân Bình Định có truyền thống lao động cần cù, có nghề biển lâu đời với nhiều kinh nghiệm và tay nghề giỏi, chịu đựng sóng gió và ham học hỏi các tiến bộ trong nghề khai thác, trong đó có các nghề chủ lực: lưới kéo, lưới vây rút chì, lưới rê và câu mực. Cộng với năng lực khai thác “hùng hậu”, trong nhiều năm qua, nghề khai thác hải sản của Bình Định đã trở thành thế mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển. Tuy nhiên, hiện ngư dân Bình Định đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thách thức của ngư trường. Theo khảo sát chuyên môn, ngư trường của Bình Định có độ sâu lớn, dốc, thềm lục địa hẹp. Vùng biển khơi có nhiều rãnh sâu và gò nổi làm cho đáy biển gồ ghề rất cản trở cho nghề lưới kéo, trong khi đó nghề này chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng năng lực khai thác với 696 chiếc tàu thuyền tham gia. Thêm nữa, trong ngư trường lại thường xảy ra bão, áp thấp, triều cường nên các đàn cá liên tục di chuyển, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.

Anh Hồ Văn Tạo, một người có gần 20 năm làm nghề biển cho biết: “Trước đây tàu đánh bắt đi xa bờ nhiều nhất là 100 hải lý. Nay để tìm được luồng cá, tàu phải đi xa bờ 300-400 hải lý là chuyện bình thường!”. Trong khi đó tại ngư trường vịnh Bắc Bộ, sau nhiều điều tra, khảo sát, các nhà chuyên môn đã kết luận: Ở đây rất giàu chủng loại cá. Cá biển Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ thuộc khu hệ cá kết hợp giữa tính chất nhiệt đới, á nhiệt đới và một phần của vùng ôn đới bao gồm các đối tượng ven bờ, thành phần phong phú, sức sinh sản cao. Khả năng khai thác cho đến 378.000 tấn/năm với khoảng 1.000 loài, trong đó có 100 loài có giá trị kinh tế cao. Các loài cá được chia thành 4 nhóm hình thái: nhóm cá nổi (cá Trích, họ cá Nục, họ cá Thiều, họ cá Thu Ngừ và họ cá Chuồn (chiếm 24,5%), nhóm cá gần đáy (cá Hồi, cá Phèn, cá Lượng, cá Sao, cá Mối (chiếm 32,8%), nhóm cá sát đáy (cá Chào mào, cá Đèn lồng, cá Chim (chiếm 30,5%) và nhóm cá san hô (chiếm gần 15%). Chỉ tính riêng vùng biển có độ sâu 50 mét trở vào bờ, khả năng khai thác đã cho đến 109,282 tấn/năm. Vịnh Bắc Bộ lại có thời tiết thuận lợi nên điều kiện khai thác cho phép kéo dài quanh năm. Vụ Nam khai thác cá nổi, vụ Bắc khai thác cá đáy. Đây quả là một vùng “biển hứa”!

Trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình đánh bắt xa bờ, tàu cá của Bình Định đã tăng nhanh về số lượng, quy mô, trang thiết bị hiện đại, hội đủ điều kiện mở rộng ngư trường nên bà con ngư dân Bình Định đã thường xuyên di chuyển lực lượng khai thác tham gia đánh bắt trong ngư trường vịnh Bắc Bộ để tạo thế ổn định cho nghề khai thác hải sản. Tàu thuyền của ngư dân Bình Định khai thác hải sản trong vịnh Bắc Bộ hầu như quanh năm với số lượng từ 650-850 chiếc/tháng, tập trung vào vụ cá Bắc (từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm). Hoạt động khai thác của ngư dân Bình Định trong vịnh Bắc Bộ tập trung vào các nghề đánh cá nổi như câu, vây, rê… trong đó chủ yếu là nghề câu mực: 600 chiếc tàu thuyền (tổng công suất 31.568 CV), nghề vây rút chì: 120 chiếc (tổng công suất 6.598 CV), nghề giã cào: 60 chiếc (tổng công suất 2.255 CV) và nghề lưới rê: 20 chiếc (tổng công suất 900 CV), thu hút khoảng 7.000 lao động. Tổng sản lượng khai thác tại ngư trường vịnh Bắc Bộ đạt khoảng 15.000 tấn/năm (trung bình đạt 18,75 tấn/tàu/năm). Theo các chủ tàu đã tham gia đánh bắt thì ngư trường khai thác vịnh Bắc Bộ gần hơn so với các ngư trường miền Trung và miền Nam nên chi phí sản xuất thấp hơn, hiệu quả sản xuất được ổn định hơn. Như vậy, nghề cá của Bình Định đã cơ bản giải quyết được khó khăn về ngư trường.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác trong ngư trường vịnh Bắc Bộ vẫn đang còn nhiều khó khăn. Do tổ chức các dịch vụ hậu cần trên bờ và trên biển chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của sản xuất nên giá nhiên liệu, đá lạnh và các dịch vụ khác thường cao hơn các nơi. Việc tiêu thụ sản phẩm hải sản rất bấp bênh, ngư dân thường bị ép giá khi được mùa. Hoạt động của ngư dân chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm và sản xuất riêng lẻ chứ chưa được tổ chức thành tổ, đội, tập đoàn để có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi gặp rủi ro. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, ngư dân chưa được các cơ quan chức năng định hướng mùa vụ, ngành nghề khai thác có hiệu quả cao, thông tin dự báo nguồn lợi thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật. Trong khi đó, những năm gần đây vấn đề an ninh trên biển có diễn biến rất phức tạp. Giữa ngư dân địa phương và ngư dân ngoại tỉnh thường xảy ra chuyện tranh giành ngư trường, nhất là nạn cướp biển ngày càng hoành hành, thường xuyên tổ chức cướp tàu đánh cá của ngư dân.

Theo ý kiến của ngành chức năng thì để hoạt động khai thác trong vịnh Bắc Bộ được ổn định lâu dài và ngày càng thu hút nhiều tàu thuyền tham gia, ngoài những biện pháp về tổ chức, quản lý và dịch vụ hậu cần, ngư dân Bình Định cần được hỗ trợ một số chính sách về thuế, vốn và việc tiêu thụ sản phẩm. Một bức xúc khác là vấn đề tiêu thụ sản phẩm cá Chuồn nhằm khôi phục lại một nghề truyền thống. Đây là một nguồn lợi khá lớn và ổn định của ngư dân Bình Định trong thời gian trước đây với gần 200 tàu khai thác, sản lượng ổn định đạt từ 7.000 – 10.000 tấn/năm. Thế nhưng do không có thị trường tiêu thụ nên hiện hầu hết ngư dân đã bỏ hẵn nghề này, chỉ còn lại vài chục chiếc tàu đánh bắt cá Chuồn. Ngoài ra, ngư dân tham gia đánh bắt trong vịnh Bắc Bộ cần phải được trang bị thêm về kỹ thuật khai thác, kiến thức về Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, một số quy định về quản lý biển, nhất là khi Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ có hiệu lực. Nhất là phải nhanh chóng thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm an toàn cho ngư dân.

Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)
Màu xanh Hóc Mỹ  (28/02/2003)
Nước mắm Đập Đá xuất ngoại   (28/02/2003)
Ðường Quy Nhơn - Sông Cầu: Con đường du lịch của miền Trung  (28/02/2003)