Trong tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên gay gắt, lại thêm quá trình hội nhập AFTA của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, thì chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định cho sự sống còn của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào quan tâm chú trọng đến vấn đề chất lượng sản phẩm, nói rộng hơn là quan tâm đến thương hiệu của mình, thì doanh nghiệp đó có chỗ đứng trên thương trường. Ở Bình Định, trong số ít doanh nghiệp có được điều đó là Công ty dược-trang thiết bị y tế (Bidifar).
Qua khỏi cổng Bidifar, chúng ta sẽ thấy ngay một tấm pa-nô bằng đá hoa cương màu đỏ, trên đó khắc mấy dòng chữ:
“Chất lượng là nghĩa vụ và uy tín của Bidifar.
Mục tiêu của Bidifar là thỏa mãn khách hàng.
Bidifar cam kết thực hiện ISO 9000 và GMP.
Mỗi thành viên phải có thái độ đúng đối với chất lượng”.
Đó không phải là những câu khẩu hiệu suông. Qua làm việc với lãnh đạo Công ty, cũng như qua tiếp xúc với một vài thành viên của Công ty, tìm hiểu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty, chúng tôi đã thấy Bidifar quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm như thế nào.
Thực ra, chuyện Bidifar chú trọng đến công tác chất lượng khi Công ty chưa đầy năm sau khi thành lập. Đó là vào đầu năm 1996, Công ty đã áp dụng thành công các biện pháp quản lý tiên tiến theo các tiêu chí của Giải thưởng chất lượng Việt Nam, và đến cuối năm đó, Công ty đã được Bộ KHCN&MT tặng giải bạc chất lượng Việt Nam. Đó cũng là cái mốc đầu tiên trên chặng đường phấn đấu không ngừng vì chất lượng sản phẩm của Công ty, mà trên chặng đường đó là tiêu chuẩn GMP ASEAN Công ty đạt được vào năm 1999, Tiêu chuẩn GLP do Bộ Y tế chứng nhận, và cao nhất là Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9002:1994 do Tổ chức chứng nhận BVQI (Vương quốc Anh) công nhận vào năm 2000 (sau đó được chuyển đổi phù hợp Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000). Có lẽ sẽ rất dài dòng nếu chúng ta đi sâu tìm hiểu quá trình phấn đấu của Công ty để đạt được những tiêu chuẩn chất lượng ấy. Chỉ biết rằng, đó chính là “chiếc chìa khóa”, tựa như câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” để Công ty mở rộng cửa đi vào thị trường. Nói về hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ sau khi đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000, Thạc sỹ Lê Công Nhường, Phó giám đốc Bidifar, cho biết: Không kể vấn đề nhận thức về chất lượng sản phẩm trong toàn Công ty được nâng cao hơn, sản phẩm sản xuất ra bảo đảm chất lượng hơn, thì doanh số của Công ty không ngừng được tăng lên, thị phần của Công ty cũng được mở rộng (hiện nay, Công ty đã mở đại lý tại 55 tỉnh thành trong cả nước), ngoài ra còn xuất khẩu sang một số nước. Vấn đề nữa là số lần hàng trả về hạn chế, tỷ lệ thỏa mãn đơn đặt hàng tăng lên và tỷ lệ hao hụt ở các phân xưởng giảm xuống, tức là đã giảm được chi phí vô hình, nhờ đó hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty được bảo đảm.
Mặc dù hiệu quả mang lại từ việc đạt các tiêu chuẩn chất lượng là rất lớn, song Công ty dược-trang thiết bị y tế Bình Định không tự thỏa mãn với chính mình. Cùng với chiến lược kinh doanh, vấn đề đặt ra cho Công ty là phải duy trì chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ trong năm 2002 vừa qua, Công ty tiếp tục hoàn thiện và duy trì tốt hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000, bảo đảm thực hiện tiêu chuẩn GMP trong sản xuất và trong kiểm tra chất lượng, tổ chức các lớp tái đào tạo về ISO và GMP nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và nghiên cứu nâng cao chất lượng một số mặt hàng. Cùng với đó, Công ty không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ công nhân viên, duy trì phong trào thi đua “cải tiến liên tục để phục vụ khách hàng” theo chính sách chất lượng của Công ty. Kết quả của phong trào này là 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 8 đề tài nghiên cứu cấp ngành, có đến hơn 200 sáng kiến cải tiếân kỹ thuật trong toàn Công ty. Nhìn chung, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đều theo hướng hợp lý hóa sản xuất, tuân thủ theo đúng các tiêu chuẩn đã đạt được trên cơ sở tập trung cao nhất cho chất lượng sản phẩm của Công ty. Có thể nói, vấn đề chất lượng sản phẩm bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu của Công ty, thấm vào từng cán bộ công nhân viên, dù là người đã làm việc lâu năm hoặc mới bước chân vào Công ty.
Rõ ràng, phong trào “tất cả vì chất lượng” được Công ty đề ra luôn được thực hiện bằng những hành động cụ thể, đúng như tinh thần đã cam kết “mỗi thành viên phải có thái độ đúng với chất lượng” đã được khắc trên bảng đá đặt ở đầu cổng Công ty. Qua làm việc với lãnh đạo của Bidifar, chúng tôi còn được biết rằng: việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm của Công ty trong năm 2002 cũng là một bước chuẩn bị cho tiến trình hội nhập AFTA. Bước khởi đầu của chiến lược kinh doanh trong tiến trình hội nhập của Bidifar đã được thực hiện với các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư nâng cấp, trang thiết bị hiện đại một số nhà máy, phân xưởng của Công ty - tất cả đều phải đạt Tiêu chuẩn GMP - kể cả mới đây nhất là việc Công ty đầu tư 200.000 USD để lắp đặt dây chuyền sản xuất dòng sản phẩm tân dược đông khô đầu tiên ở Việt Nam. Đây là dây chuyền sản xuất tự động, cho phép Công ty sản xuất được những loại tân dược cao cấp, có năng lực sản xuất khoảng 5.000 lọ sản phẩm/ngày, với sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng là loại thuốc Terneurine H 5000 mà lâu nay nước ta vẫn phải nhập từ nước ngoài.
Có thể nói, ở Bình Định, kể cũng khó có doanh nghiệp quan tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm như ở Bidifar, và chính bằng việc không ngừng phấn đấu vì chất lượng sản phẩm, Công ty không những có chỗ đứng trên thị trường, mà ngày càng mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định mình trong tiến trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Khánh Hoàng
|