Có một “Thành phố” trên biển đêm

“Thành phố” trên biển đêm

Men theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, khi ngang qua khu vực bãi Xép - TP Quy Nhơn, trước mắt chúng tôi hiện ra cả một tấm thảm, dệt bằng những đốm sáng, lung linh mọc lên từ biển. Anh bạn cùng đi với tôi thốt lên: “Tưởng như cả thiên hà lạc bước!”. Còn ngư dân ven biển, chủ nhân của những đốm sáng ấy, gọi đây là một “thành phố” đêm trên biển.

“Thành phố” chỉ tồn tại về đêm, thời gian mà những người làm nghề bắt tôm hùm giống bắt đầu công việc của mình. Ban ngày, đây là cả một vùng trời nước mênh mông, vẻn vẹn vài chiếc thuyền bé nhỏ, đậu chập chờn trên sóng nước; nhưng đêm xuống, những chiếc thuyền tôm tụ về, đông đúc và náo nhiệt.

Thật ra, nghề bắt tôm hùm giống đã bắt đầu từ gần chục năm nay, tuy nhiên, buổi đầu, ngư dân vẫn chủ yếu là lặn bắt tôm. Nghề càng phát triển, số người lặn bắt giảm nhiều, thay vào đó, ngư dân chuyển sang bắt tôm bằng cách dùng mành đèn và thả chà. Đó cũng chính là thời điểm đánh dấu thành hình của “thành phố” đêm này. Cư dân của “thành phố”, là những ngư dân đến từ bãi Xép và một số xã đảo của thành phố Quy Nhơn.

Giải thích về lý do họ cùng tụ họp làm nghề ở đây, những ngư dân này cho biết, dù tôm hùm giống tập trung nhiều ở những vỉa, rạng dọc ven biển, nhưng chỉ rộ lên vào mùa đông, khi trời trổ gió và biển nổi cơn sóng lạnh. Đây cũng là thời điểm ngư dân bước vào mùa tôm. Tuy nhiên, do trời gió, nếu không cẩn thận, thuyền bắt tôm có thể bị va vào đá, vỡ tan. Trong khi đó, vùng biển men theo đường Quy Nhơn - Sông Cầu, nhất là khu vực bãi Xép, được che chắn bởi các đảo và bán đảo ngoài xa, nên ít sóng, thuận lợi cho người làm nghề. Không chỉ ngư dân trong tỉnh mà người dân các tỉnh lân cận cũng kéo đến đây làm nghề. “Thành phố” vì thế càng trở nên sôi động.

Dăm năm trở lại đây, cùng với nghề nuôi tôm hùm lồng ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, con tôm hùm giống trở nên có giá. Số hộ đầu tư để làm nghề thả mành bắt tôm ngày càng nhiều, số lượng gia tăng theo từng năm. Cư dân của “thành phố đêm”, bởi vậy, ngày càng trở nên đông đúc hơn. Bãi Xép là một ví dụ: Nếu năm 2001, chỉ có 45 chiếc thuyền thì năm 2002 tăng lên 52 chiếc và năm 2003 đã là 61 chiếc. Với nghề mới, đời sống của ngư dân ngày càng khấm khá hơn vì đầu ra của con tôm hùm giống khá ổn định, giá cao. Nhiều người, giấc mơ đổi đời đã thành hiện thực cũng nhờ con tôm hùm giống.

Nghề lắm công phu

Cữ trời chiều, cư dân của “thành phố”, những chiếc thuyền tôm này sẽ lên đường. Sau khi buông neo, thả mành và chong đèn, họ còn phải thức canh, vài tiếng đồng hồ mới kéo mành lên một lần. Mỗi đêm, ngư dân phải kéo mành vài Ba lần như vậy. Nhưng đừng vội tưởng công việc của họ là nhàn nhã. Này nhé: riêng chuyện lấy đêm làm ngày, kéo dài cả mùa tôm mấy tháng trời, đã là sự cực nhọc, không có sức khỏe, trai tráng, không quen việc, không dễ gì chịu nổi. “Cái nghề này nghiệt lắm, trời càng lạnh, biển có sóng, lại hợp với con tôm, ngày đó làm mới trúng. Bởi vậy, gió cấp 6, cấp 7, chúng tôi cũng đi làm vô tư” - ông Nguyễn Văn Thanh, người bãi Xép, cho biết vậy. 

Bên cạnh nghề làm mành, những ngày nước trong, ngư dân còn tranh thủ làm thêm nghề lặn bắt tôm. Lặn bắt tôm cực kỳ vất vả. Thợ lặn phải lặn cả đêm, độ sâu từ 15m nước trở lại. Hai, ba tiếng đồng hồ, thợ lặn mới ngoi lên một lần. Dụng cụ nghề lặn với cư dân “thành phố” này rất đơn giản, chỉ một bộ đồ lặn, đèn và dụng cụ thở trực tiếp bằng ống dẫn khí từ bình nén khí đặt trên thuyền xuống nước. Để lấy sức nặng, mỗi thợ lặn phải đeo thêm 12- 14 kg chì bên lưng. Dưới áp lực của nước, cộng thêm chừng ấy kg trọng lượng mang theo trên lưng, cứ mười thợ lặn thì đã có không dưới bảy, tám người đau lưng, đau cột sống, thận. Thêm vào đó, thợ lặn rất dễ gặp nguy hiểm khi dây thở dẫn từ bình nén khí xuống nước có sự cố. Thợ lặn Nguyễn Đức Cầu, mới 21 tuổi nhưng đã có 4 năm làm nghề này, tâm sự: “Những ngày có tôm, lặn nguyên đêm, 2- 3 tiếng mới trồi lên một lần, nên mới có chuyện có thợ lặn buồn ngủ quá, ngủ quên dưới nước khi đang lặn”.

“Trời thương kẻ khó”

Tôi tìm đến “thành phố” trên biển đêm vào đúng vào mùa tôm. Vào mùa mới hơn hai tháng, nhưng niềm vui được mùa đã bừng trên gương mặt tươi rói của những cư dân quanh năm nhọc nhằn bám biển này. “Trời thương kẻ khó”- ông Nguyễn Hữu Phước, một ngư dân tâm sự vậy. Gia đình ông Phước, chỉ tính riêng từ đầu mùa đến giờ, trừ chi phí xăng dầu, trả bạn, tiêu Tết  khá thoải mái, vẫn còn khoảng 40 triệu làm vốn dắt lưng. Ngôi nhà của ông, cả hai chiếc thuyền mới tậu trị giá 150 triệu, rồi những dự định xây nhà cho con cái ở riêng… đều nhờ nghề làm tôm hùm giống. 

Bên chiếc thuyền câu của gia đình, ông Võ Văn Long, một ngư dân, và hiện là Chi hội trưởng Chi hội ngư dân khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, phấn khởi: “Năm nay, mùa đến muộn. Mãi đến đêm Noel, nghe trời trở gió, người làm tôm mới dám khấp khởi mừng thầm; ai ngờ, mùa này, lại trúng đến vậy. Làm nghề từ 8 năm nay, nhưng tôi chưa thấy mùa nào đạt như vầy”. Rồi ông lấy dẫn chứng: “Như dân bãi Xép đây, cả năm 2002 bắt được 18.600 con tôm hùm giống, thì từ đầu mùa đến nay, hơn hai tháng, đã bắt đạt hơn 60% so với cả năm ngoái. Trước, mỗi đêm, một chiếc thuyền về may lắm chỉ bắt được chục con, có lúc một hai con; nay, đã đi là có, trung bình mỗi đêm đánh bắt được khoảng 20 con, có thuyền cả trăm con mỗi đêm. Đã vậy, mùa năm nay tôm hùm giống được giá. Giá tôm cữ tháng 11, đầu mùa, tăng vọt đến 140.000 đồng/con, gấp đôi năm 2002; đến thời điểm này, giá tôm đã xuống nhưng vẫn ở mức 75.000-80.000 đồng/con, giá có rớt nhưng vẫn còn cao hơn năm ngoái. Mỗi thuyền, sau khi trừ chi phí, trả bạn, chí ít cũng còn trong tay chục triệu là thường”. Cũng vì thu nhập “được” như vậy mà Đức, vốn là một công nhân từ Nam Định vào bãi Xép thăm bà con, sau một, hai lần theo người nhà bắt tôm, cũng tình nguyện ở lại, trở thành một cư dân “thành phố” biển. Từ đầu mùa tôm đến nay, Đức đã dằn lưng kha khá, cao hơn nhiều so với nghề cũ.

Đó là tại bãi Xép, còn xã Nhơn Hải, ước tính ngư dân toàn xã đã thu về trên 10 tỷ đồng từ tiền bán tôm hùm giống; con số này ở Nhơn Lý là 7 tỷ đồng, có hộ ở Nhơn Lý, một đêm đã thu về 15 triệu đồng từ việc đánh bắt tôm hùm giống. Nhờ vậy, Tết Quý Mùi vừa rồi, ngư dân ven biển ăn một cái Tết khấm khá.

***

Mặt trời đã khuất dạng phía chân trời, thuyền câu tôm bắt đầu lên đường, bắt đầu một ngày làm việc mới. Chiếc ghe nhỏ, càng nhỏ bé hơn trước vùng biển mông mênh, chao lên theo từng con sóng. Nhưng rồi từ những chiếc ghe bé nhỏ, sáng lên những ngọn đèn. Phải chăng, cuộc đời họ cũng đang sáng lên như vậy, từ những con tôm hùm nhỏ xíu.

L.V.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của Bình Định năm 2002   (28/02/2003)
Nghề câu cá ngừ đại dương  (28/02/2003)