Tại huyện Hoài Nhơn hiện có gần 2000 ha lúa đang trổ vào giai đoạn chắc xanh và có khoảng 20 ha nông dân đã bắt đầu thu hoạch, trong khi phần lớn diện tích lúa đông xuân vụ 2002 – 2003 của toàn tỉnh còn đang ở vào thời kỳ phân đòng đẻ nhánh. Hệ quả của việc “vượt rào” làm trước lịch thời vụ của nông dân huyện này đã và đang phải gánh lấy sự thiệt hại nặng nề do thời tiết bất lợi và hàng loạt các đối tượng sâu bệnh tấn công (?)
Cũng tại địa phương này, trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có bài cảnh báo: Trên 400 ha, chiếm một phần tư diện tích lúa đông xuân của trà sớm đang bị chuột cắn phá. Còn hiện nay, khi chúng tôi về các xã nằm về phía Bắc huyện gồm Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hảo, Hoài Phú, Tam Quan Nam… lại “nóng lên” vấn nạn sâu bệnh hoành hành. Ông Tạ Ngọc Nẫm, một hộ gia đình nông dân ở HTXNN Hoài Sơn 2, đã cho chúng tôi biết: Vụ này gia đình ông làm được 6 sào lúa thì đến nay đã có 5 sào lúa trổ bị đen hạt, không cúi được nữa, với tỷ lệ bị thiệt hại gần 70%. Mặc dù theo như ông trình bày, gia đình đã dốc vào mỗi sào thêm 20.000 đồng để mua thuốc và phân bón bổ sung, chưa kể công cán. Theo Phòng NN&PTNT địa phương, toàn huyện thực hiện gieo sạ được 5.300 ha lúa, nhưng có gần 3.000 ha sạ trước lịch thời vụ (STLTV) chỉ đạo từ 20 – 30 ngày. Được biết, từ lâu ở đây đã hình thành một tập quán canh tác: Cứ vào đầu tháng 11, hoặc sớm hơn, chỉ cần có trời mưa vừa hay khai thác được một nguồn nước tưới nào khác, đảm bảo đủ để làm đất là bà con nông dân đã tranh thủ vào vụ ngay, để đạt được mục đích làm được 3 vụ lúa/ năm. Động cơ để thôi thúc họ “vượt rào” bất chấp lịch thời vụ còn một phần là do sự “ủng hộ” ngẫu nhiên của thời tiết trong nhiều năm qua: Không có rét lạnh kéo dài, tỷ lệ bị hư hại rất ít cho nên năng suất và sản lượng cả vụ gần như không bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí có diện tích còn đạt năng suất khá cao.
Thế nhưng, đến vụ đông xuân năm nay thời tiết lại trở chứng thất thường. Bắt đầu từ giữa tháng 12, khi lúa đông xuân đang bắt đầu trổ thì bỗng xuất hiện nhiều đợt gió rét, nền nhiệt độ xuống thấp đến 18 - 20° (thấp hơn so với trung bình nhiều năm qua từ 4 - 5° ) và gối đầu kéo dài liên tục cho đến gần 2 tháng qua và hiện nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nắng ấm trở lại. Theo đó, cây lúa bị ức chế sinh trưởng, tạo ra bệnh vàng và khô đầu lá, nghẹn đòng trổ không thoát, quá trình thụ phấn diễn ra hết sức khó khăn, gây ra bệnh lem lép hạt với tỷ lệ cao. Chưa kể, trước đó cùng với nạn chuột là hàng loạt các đối tượng sâu bệnh khác xuất hiện tấn công gây hại như sâu cuốn lá nhỏ (trên diện tích gần 200 ha, mật độ từ 7- 10 con/ m2 ) mà những năm trước không hề xuất hiện… Trước tình hình này, ông Trần Văn Trường – Trưởng Trạm BVTV huyện cho biết, cán bộ KT của Trạm đã phối hợp với các cấp các ngành liên quan tích cực bám sát đồng ruộng hướng dẫn bà con nông dân xử lý bằng nhiều biện pháp chống rét cho lúa như sử dụng phân bón qua lá, phun thuốc kích thích sinh trưởng, đưa nước vào ruộng giữ ở mức 4 – 5 cm để cho cây lúa ấm lại, hạn chế bón phân đạm đơn độc. Song, tất cả các giải pháp đưa ra đều là chữa cháy khi việc đã rồi và phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng hộ gia đình nên xem ra cũng không cải thiện được tình thế. Toàn huyện tính đến thời điểm chúng tôi về đã có 1.100 ha lúa bị bệnh lem lép hạt, với tỷ lệ bình quân từ 15 – 20%, có đám tỷ lệ bị đen hạt lên tới trên 50%. Cùng với bệnh lem lép hạt, là bệnh đạo ôn cổ bông cũng xuất hiện, và hiện nay cây lúa đang ở vào giai đoạn trổ chắc xanh trong vòng 10 ngày đầu các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng đang tập trung gây hại trên diện tích khoảng 200 ha, với mật độ trung bình từ 500 – 1.000 con/ m2, trong đó có 10 ha xuất hiện với mật độ 6.000 – 8.000 con/ m2. Điều hết sức lo ngại là, khả năng rầy còn tiếp tục phát triển với tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng khi mà chỉ còn không đầy 10 ngày nữa là thu hoạch rộ nên các biện pháp xử lý bằng các loại thuốc Actara, Trebon, Applaud… đưa ra lúc này đã không thuyết phục cao đối với nông dân, vì sợ ảnh hưởng dư lượng.
Như vậy, có thể thấy việc STLTV để tranh thủ làm được nhiều vụ trong năm là một tập quán không phù hợp cần phải được chặn đứng để góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân. Vấn đề đặt ra là tại sao nhiều nơi đã làm được còn ở Hoài Nhơn thì lại… ì ạch như vậy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lỗi không phải hoàn toàn do nông dân bảo thủ không chịu làm theo và cũng không phải do sức ép về nguồn nước tưới không chủ động; mà nguyên nhân chính là do các cấp các ngành có chức năng của địa phương từ huyện đến xã, HTX chưa có một giải pháp vận động và điều hành hữu hiệu.
Theo chúng tôi, kinh nghiệm từ các địa phương đã thực hiện thành công cho thấy: Muốn làm cho nông dân thật sự thay đổi được tập quán canh tác STLTV một cách bền vững, cần phải có lời giải thật thuyết phục cho bài toán: Làm 2 vụ trên/ năm (1 lúa + 1 màu/ năm, hoặc 2 vụ lúa/ năm) hơn hẳn về hiệu quả kinh tế và hạn chế được rủi ro so với lâu nay bà con làm 3 vụ lúa/ năm ./.
Minh Trung
|