Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh

Một góc Nhơn Hội.

Đưa Bình Định đi lên - đó là trăn trở chung của mỗi người Bình Định. Nhưng nếu với một cách nhìn thuần nông, chỉ lấy đất đai và tài nguyên làm thước đo, thì miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng là khu vực nghèo, dựa vào đâu để cất cánh? Lại nữa, Bình Định không nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung?

Lịch sử của Quy Nhơn – Bình Định đã trả lời xác đáng cho câu hỏi đó. Theo các nhà sử học, Bình Định từng nổi lên như một trung tâm khu vực mới vào thế kỷ XVIII. Vào thế kỷ XVII, Bình Định dần trở thành một trung tâm giao dịch, một mạng lưới vận chuyển nối liền Thuận Quảng, khu trung tâm của Đàng Trong với đồng bằng Cửu Long.

Bởi Bình Định thời ấy đã biết tận dụng lợi thế của mình để phát triển. Bình Định nằm ở vị trí điểm dừng cuối ven biển của lộ trình hay được sử dụng nhất, băng qua cao nguyên miền Trung đến thung lũng Cửu Long tại Stung-treng ở một vùng đất mà hiện nay là bắc Campuchia. Việc buôn bán diễn ra dọc theo lộ trình này, đã nối liền Bình Định với những hoạt động thương mại của người Xiêm. Người vùng cao và người Việt cùng tham gia vào việc buôn bán này nhưng những cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya (Bangkok, Thái Lan) và Quy Nhơn đầu tư tiền bạc và các mối giao dịch để huy động nó. Có một hải cảng tốt làm đầu mối và là ngã ba của đường về phía Tây, rồi đường ra Bắc đến Thuận Quảng và đường vào Nam đến đồng bằng Cửu Long, Quy Nhơn đã trở thành trung tâm thương mãi quan trọng.

Sự hưng thịnh của cảng thị Nước Mặn thời ấy là một minh chứng. Thế kỷ XVII-XVIII, Nước Mặn nổi lên như một thương cảng quan trọng của Đàng Trong. Những tường thuật về Đàng Trong của các nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII, rồi Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đều đánh giá Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang và Phước Hòa - huyện Tuy Phước) như một trong những cảng thị quan trọng và phồn thịnh của Đàng Trong thuở ấy. Thời Champa, Nước Mặn chỉ là vệ tinh của Thị Nại. Trong bối cảnh giao thương Đông - Tây đang diễn ra sôi nổi lúc bấy giờ, Nước Mặn được xây dựng theo chủ trương của chúa Nguyễn. Phải qua một thế kỷ gian lao, từ một tiểu cảng thị phụ cận, người Việt đã xây dựng Nước Mặn thành một cảng thị lớn vùng biên viễn (Bình Định – Phú Yên). Vào thời kỳ hưng thịnh, Nước Mặn có phố phường đông đúc, ngoài người Việt, người Hoa còn có nhiều thương gia nước ngoài tới buôn bán.

Lựa chọn để bứt phá

Lịch sử đã đi qua. Ngày nay, suy nghĩ về một sự lựa chọn để có thể bứt phá, thoát khỏi tụt hậu, là một đòi hỏi bức bách. Giữa lòng thời đại toàn cầu hóa hôm nay, cùng với sự hình thành của trục hành lang Đông - Tây, những thử thách mới mở ra, nhưng cũng hứa hẹn không ít cơ hội. 

Theo các nhà địa lý kinh tế- xã hội, Quy Nhơn vốn bị đèo Cù Mông chắn ở phía nam nên sức hút bán kính về hướng này bị hạn chế. Thay vào đó, ranh giới của khu vực thu hút được mở ra về phía Tây, dọc đường 19 lên đến Pleiku và một phần Kontum. Đà Nẵng và Khánh Hòa tuy có vùng ảnh hưởng lớn hơn cực Quy Nhơn nhưng cũng khó bao quát lãnh thổ khoảng trống ở giữa, bao gồm lãnh thổ cả vùng Tây Nguyên, của Nam Lào và đông Bắc Campuchia nếu không có Quy Nhơn. Liên kết theo chiều dọc hành lang kinh tế đường 19, do đó là sự lựa chọn chiến lược cho cả vùng, đồng thời có vai trò quan trọng thực hiện chiến lược liên vùng nghèo trong Tiểu khu vực sông Mê Công.

Quy Nhơn có thể tận dụng vị thế một nơi hội tụ và giao lưu giữa miền núi và miền biển, một trong ba trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là thị trường đầu mối có sức lan tỏa hàng hóa giữa các tỉnh trong nước và khu vực. Bên cạnh đó, hành lang Đông - Tây với quốc lộ 19 là hành lang kinh tế quan trọng từ cảng biển Quy Nhơn nối các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, tạo điều kiện giao lưu hàng hóa, tài nguyên khoáng sản, nông lâm, đặc sản từ vùng Tây Nguyên, Trung Bộ phục vụ cho cả nước và xuất khẩu thông qua cảng Quy Nhơn - một thương cảng tổng hợp, phục vụ giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế của Bình Định cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và tiếp chuyển hàng quá cảnh của Lào, Campuchia và Trung Thái Lan.

Nhơn Hội được lựa chọn

Nhưng vấn đề là với TP. Quy Nhơn như hiện nay, không gian đô thị không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Quy Nhơn trong tương lai. Muốn mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn, chỉ còn cách mở ra phía bán đảo Phương Mai. Nhơn Hội đã được lựa chọn.

Nhơn Hội nằm trên bán đảo Phương Mai, cách quốc lộ 1A 15 km, cách quốc lộ 19 19 km, cách sân bay Phù Cát 37 km; có diện tích 4.000 ha và có thể mở rộng trong khu vực bán đảo về phía Bắc lên đến 10.000- 12.000 ha với nền địa chất tốt, dân cư thưa thớt, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Hiện nay, đã có 3 tuyến đường đến Nhơn Hội: từ sân bay Phù Cát xuống; từ thị trấn Bình Định xuống và tuyến từ cầu ông Đô xuống. Cả ba tuyến này đều tập trung tại phía Bắc bán đảo. Một chiếc cầu vượt qua đầm Thị Nại là giải pháp nối liền tuyến đường bộ từ TP Quy Nhơn sang Nhơn Hội.

Dự án hình thành khu công nghiệp- thương mại- dịch vụ Nhơn Hội- một khu vực phát triển năng động của TP Quy Nhơn đã được khởi động bằng dự án cầu đường Quy Nhơn- Nhơn Hội có chiều dài toàn tuyến hơn 7 km, trong đó, cầu chính bắc qua đầm dài 2.475,75m cùng 5 cầu nhỏ và vừa dài gần 700 m bắc qua sông Hà Thanh. Dự án này sẽ phá vỡ khoảng cách của Nhơn Hội và của cả 22 ngàn người dân trên bán đảo Phương Mai với TP Quy Nhơn, hình thành khu đô thị mới, khu công nghiệp - cảng biển Nhơn Hội, tạo thế liên kết cảng Quy Nhơn – Nhơn Hội và khu đô thị mới với hành lang kinh tế đường 19.

Một cơ chế năng động, mô hình thành phố mở ở khu kinh tế Nhơn Hội, với việc hình thành một đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do sẽ tạo cho Nhơn Hội một sự bứt phá, làm đầu tàu cho Bình Định cất cánh? Bên cạnh đó, cảng biển nước sâu quy mô đạt 10 triệu tấn/năm, trước mắt trong năm 2005 - 2010 đạt 2 triệu tấn sẽ là cửa ngõ cho hành lang kinh tế đường 19. Cảng biển Nhơn Hội khi đó sẽ đón lượng hàng hóa hành lang Đông - Tây theo quốc lộ 19, nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Tây Nguyên và Lào, Campuchia, Thái Lan, tạo ra một cửa mở lớn thông thương với quốc tế.

Khu đô thị mới Nhơn Hội, theo như khẳng định của ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong buổi làm việc mới đây với các nhà quy hoạch đô thị Singapore, không chỉ là đô thị hiện đại, mà phải mang được những nét đặc trưng trong bản sắc văn  hóa của địa phương. Khu đô thị này sẽ mở rộng không gian Quy Nhơn, đồng thời, mở ra một Quy Nhơn xanh mới. Hai bên bờ đầm Thị Nại, khi ấy, là những thành phố hiện đại. Những resort và khu vui chơi, giải trí cũng sẽ được xây dựng, chào đón bước chân du khách. Đồng thời, khi chúng ta hoàn thành tuyến đường dọc biển từ phía Nam đến phía Bắc tỉnh, khi những tuyến đường bộ đã có sẵn nối với Nhơn Hội hoàn thành việc trải nhựa, sẽ tạo thuận lợi không chỉ giúp Nhơn Hội trở thành trung tâm giao thương mà còn mở ra những tuyến du lịch ven biển, góp phần thu hút du khách.

Từ Nhơn Hội, chúng ta liên tưởng đến những tương đồng. Ở Trung Quốc, Thượng Hải có thêm phố Đông trong vòng chỉ 10 năm. Một kỷ lục nhờ quyết tâm cao. Theo gót là Quảng Châu với tham vọng phát triển một phố Đông bên bờ sông Châu Giang. Ở Việt Nam, phát triển Sài Gòn về phía đông qua Thủ Thiêm đã được xác định và hoạch định từ hơn 10 năm nay. Phát triển sang bờ Đông không chỉ nhằm đánh thức Thủ Thiêm, Thủ Đức mà còn để nối vào vùng kinh tế động lực phía Nam, tạo khả năng mở ra một Sài Gòn mới, với đồi dốc đẹp. Tuy vậy, phía đông bình lặng của Sài Gòn nay vẫn còn là sự chờ đợi. Trong khi đó, Đà Nẵng cũng từng ôm ấp giấc mộng thắp sáng khu Bạch Đằng Đông (bán đảo Sơn Trà). Giấc mộng này đã thành hiện thực từ khi có cầu Sông Hàn vài năm nay. Hôm nay, qua khỏi cầu Sông Hàn, là đại lộ Phạm Văn Đồng mở ra hoành tráng. Nối vào cuối đại lộ này, nay mai là con đường dọc biển, một đoạn của con đường di sản văn hóa thế giới qua Điện Nam- Điện Ngọc và nối vào Hội An, Mỹ Sơn.

Những tương đồng ấy cho ta có thêm sự tự tin vào tương lai Nhơn Hội.

          Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)
Nhìn lại 3 năm thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Bình Định  (20/02/2003)
Ấn tượng và dư âm…  (28/02/2003)
Rộn ràng Hội chợ - Hội thảo “Bình Định: Tiềm năng và hội nhập”  (28/02/2003)
Tiềm năng làng nghề Bình Định   (28/02/2003)