Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa
10:42', 3/3/ 2003 (GMT+7)

Tháng 8-2000, nhiều cây dừa ở TP Quy Nhơn đang xanh tốt bỗng dưng có hiện tượng cháy lá đọt, héo dần và chết. Nguyên nhân là do bọ cánh cứng gây hại. Đến tháng 11-2002, toàn tỉnh đã có khoảng 300.000 cây dừa bị lây nhiễm bọ cánh cứng, trong đó có 200.000 cây bị bệnh nặng ảnh hưởng tới năng suất. Nhiều nhất là các huyện: Hoài Nhơn (150.000 cây), Phù Cát (73.500 cây), Phù Mỹ (14.000 cây)… Ngoài gây hại chính trên cây dừa, bọ cánh cứng còn gây hại trên cả những cây thuộc họ cau, dừa.

Toàn tỉnh đồng loạt ra quân diệt trừ bọ dừa

Trước thực trạng đó, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Định đã tiến hành điều tra phạm vi lây lan bọ dừa trên địa bàn toàn tỉnh, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của loại bọ cánh cứng hại dừa, hướng dẫn cho nông dân các biện pháp phòng trừ. Thế nhưng, việc phòng trừ bọ cánh cứng chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương do giá trị kinh tế của trái dừa thấp, nhiều nông dân không muốn đầu tư chăm sóc cho vườn dừa, nên hiệu quả phòng trừ bọ chưa cao. Để ngăn chặn nạn bọ dừa, UBND tỉnh Bình Định đã ra Chỉ thị số 23/CT-UB ngày 16-8-2002 tăng cường chỉ đạo diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa. Để giúp các địa phương và nhân dân có điều kiện hơn trong công tác phòng trừ bọ cánh cứng, UBND tỉnh đã trích ngân sách 186 triệu đồng hỗ trợ thuốc BVTV cho nông dân; đồng thời chỉ đạo cho Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đồng loạt ra quân phòng trừ bọ dừa.

Cùng với các địa phương, ngành chức năng, đã có gần 2.000 nông dân tham gia diệt trừ bọ cánh cứng trong thời gian cao điểm của chiến dịch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9-2002, Hoài Nhơn là huyện có diện tích dừa bị bọ gây hại nặng nhất, khí thế ra quân diệt bọ dừa khá mạnh. Ngoài việc tỉnh hỗ trợ 1.000 đồng/ cây dừa, huyện cũng đã trích hàng triệu đồng hỗ trợ cho các xã, thị trấn và những hộ gia đình chính sách, neo đơn gặp khó khăn nhưng có vườn dừa lớn, nên đã tạo được phong trào diệt trừ bọ dừa sôi nổi trong toàn huyện. Bằng các biện pháp thủ công, hóa học, sinh học, nông dân Hoài Nhơn đã phòng trừ được trên 65.200 cây, chiếm 43,53% số cây bị nhiễm bệnh. Ông Đoàn Văn Kim, ở thôn Tấn Thạnh xã Hoài Hảo cho hay: “Dừa là cây trồng quen thuộc và đóng góp một phần thu nhập quan trọng cho mỗi gia đình ở đây, nên khi có chủ trương đồng loạt ra quân phòng trừ bọ dừa bà con chúng tôi hưởng ứng ngay”. Ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân… việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa cũng được các địa phương thực hiện một cách đồng bộ và đạt được kết quả khá. Huyện Phù Cát đã phòng trừ được 70.000 cây, đạt gần 96% số cây dừa bị nhiễm bệnh, Phù Mỹ 14.000 cây, đạt 100%, Hoài Ân 10.000 cây, đạt 100%… Với “cuộc chiến” chống bọ cánh cứng hại dừa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có sự tham gia tích cực của các ngành chức năng và nông dân trong tỉnh, đến cuối năm 2002, toàn tỉnh đã phòng trừ được 243.784 cây dừa/ 300.000 cây bị nhiễm bệnh.

“Cuộc chiến” chống bọ dừa còn tiếp tục

Sau hơn một tháng ra quân, công tác diệt trừ bọ cánh cứng ở Bình Định bước đầu thu được nhiều thắng lợi, nhiều địa phương diệt trừ đạt tỷ lệ 90%, có nơi 100%, nhưng bọ cánh cứng vẫn chưa được tiêu diệt một cách triệt để. Tại Hội nghị sơ kết tháng ra quân diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa các tỉnh miền Trung và miền Nam vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bình Định, có sự tham gia của các nhà chuyên môn về loại bọ cánh cứng hại dừa ở trong và ngoài nước. Theo sự nhận định của các nhà chuyên môn, loại bọ cánh cứng có vòng đời phát triển khá dài (220 ngày), tốc độ lây lan rất nhanh, hoạt động chủ yếu vào ban đêm và gây hại mạnh nhất vào mùa nắng nóng nên rất khó phòng trừ. Và nếu không diệt trừ bọ cánh cứng một cách đồng bộ, liên tục thì nguy cơ tái phát và mức độ gây hại của loại bọ cánh cứng càng nguy hiểm hơn. Qua đó cho thấy, để tiêu diệt triệt để bọ cánh cứng hại dừa là điều không đơn giản, vì vậy, “cuộc chiến” chống bọ dừa trên địa bàn Bình Định thời gian tới còn tiếp tục.

Năm 2003, UBND tỉnh chỉ đạo cho Sở NN-PTNT tiếp tục công tác tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa cho nông dân. Giao cho UBND các huyện, thành phố cùng với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các phương pháp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa trên quy mô rộng và đồng loạt, thu hẹp dần diện tích bị bọ cánh cứng gây hại, đem lại màu xanh cho cây dừa – một tiềm năng kinh tế của tỉnh.

. Phạm Tiến Sỹ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)
Trở lại Konblo  (20/02/2003)