Hữu Giang hôm nay
19:37', 4/3/ 2003 (GMT+7)

Xã Tây Giang được ngăn ra bởi dòng sông Kôn hiền hòa, bên này là các thôn Thượng Giang, Tả Giang và Nam Giang, chỉ riêng thôn Hữu Giang nằm về phía bên kia sông. Để đến với Hữu Giang chỉ có một cách là phải qua đò. Anh Hùng, người chống đò, cho chúng tôi biết: "Hàng ngày có hàng trăm người qua lại nơi này, khách đò là các em học sinh, người Hữu Giang qua buôn bán ở Đồng Phó và một số dân cư thôn Tả Giang qua làm rẫy ở bên này". Mới đặt chân lên Hữu Giang, chúng tôi đã được ông Trần Biền, họ hàng với anh Tư Ký – người đi cùng tôi mời vào uống nước. Nhà ông Biền vừa mới xây xong khá khang trang, cửa kính, tường quét sơn, nền lát gạch men láng bóng. Ở đây, những hộ xây cất nhà như ông không phải là ít, nhiều nhà đã sắm đủ các phương tiện sản xuất, đi lại, sinh hoạt trong gia đình…

Quả thật, Hữu Giang bây giờ đã có nhiều thay đổi. Cách đây mười năm, Hữu Giang còn là một vùng đất nghèo khó, mỗi năm chỉ sản xuất được hai vụ lúa. Tuy là vùng đất ven sông, nhưng do địa hình cao, ruộng bậc thang nên nước tưới cho cây trồng rất khó khăn. Năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì thiếu trước hụt sau. Để thoát khỏi những trở lực, từ năm 1993 Hữu Giang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Chuyện đào giếng lấy nước ngầm để sản xuất - “phát minh” của anh Lê Cường vẫn được nhiều người nhắc đến trong công việc làm ăn cho tới bây giờ. Thấy cách làm của Lê Cường đem lại hiệu quả, cả thôn làm theo. Đến nay Hữu Giang có trên 100 giếng đào trên đất màu. Có nước tưới, năng suất cây trồng không những được nâng lên, mà còn mở ra những mô hình thâm canh mới tăng lên 3-4 vụ sản xuất mỗi năm, đưa thu nhập bình quân 1ha đất lên gần 30 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với trước đây. Hiện nay, ngoài 180ha đất soi, bà con nông dân đã chuyển gần 80ha ruộng một vụ, khai phá đất đồi gò và tận dụng vườn thừa sản xuất theo mùa các loại hoa quả. Năm 2000, được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm bơm điện Hòn Gành, Hữu Giang có thêm nguồn nước tưới cho cây trồng, đã đưa năng suất lúa bình quân từ 40 tạ lên 45 tạ/ha, ổn định lương thực bình quân đầu người trên 400kg/năm, tăng 100kg so với năm 1994.

Trở lại Hữu Giang, tôi may mắn được gặp anh Ân Kỳ Phê, một trong những "triệu phú" ở vùng quê xa xôi cách trở đò giang này. Chuyện làm giàu của anh Phê bắt đầu từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và làm dịch vụ buôn bán. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh sau khi trừ chi phí lên đến 80 triệu đồng. Ông Trần Tài, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: "Hiện nay thôn Hữu Giang có 30 hộ được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Họ không chỉ biết làm giàu từ đám ruộng mảnh vườn, mà còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt, trồng điều có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ mỗi năm”.

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hữu Giang có trên 100 hộ gia đình là thân nhân liệt sĩ, thương binh, có công cách mạng, 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuộc sống đi lên, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách càng được chính quyền và nhân dân quan tâm hơn, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy. Một tin vui với Hữu Giang trong những ngày đầu năm này là tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến đường từ thôn Phú Lạc (Bình Thành) lên Hữu Giang. Công trình hoàn thành sẽ tạo thuận lợi trong việc đi lại, trao đổi nông sản hàng hóa, người dân có điều kiện khai thác tốt các tiềm năng phía bắc Hữu Giang. Đây là điều kiện thuận lợi để một Hữu Giang hôm nay đang khởi sắc sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

. Khánh Linh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)
Làng Kinh… dệt thổ cẩm  (20/02/2003)