Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp
19:49', 4/3/ 2003 (GMT+7)

Bình Định có bờ biển dài 134 km, nhiều ao, đầm, cửa biển… rất thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, năng lực chế biến xuất khẩu của ngành cũng không ngừng tăng qua hàng năm. Đây là điều kiện thuận lợi và là tiềm năng lớn để đưa ngành chế biến hải sản xuất khẩu của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, để đưa ngành sản xuất nhiều tiềm năng này hội nhập khu vực và thế giới, con đường trước mắt còn lắm khó khăn.

Tiềm năng lớn

Phải khẳng định rằng, tiềm năng chế biến hải sản xuất khẩu của Bình Định hiện nay rất lớn. Theo số liệu thống kê của ngành thủy sản, Bình Định có đội tàu khai thác 5.816 chiếc với tổng công suất 229.150 CV, hàng năm có thể khai thác khoảng 85 ngàn tấn hải sản các loại. Nguồn lợi thủy sản của Bình Định cũng rất phong phú, với 500 loài hải sản, trong đó có nhiều loài có giá trị cao. Về nuôi trồng, diện tích mặt nước nuôi tôm 2.527 ha, trong đó 45% là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Ngoài ra, còn có 1.015 ha mặt nước nuôi cá ao hồ, ruộng lúa, các loài nhuyễn thể…, mỗi năm cho sản lượng từ 2.500 – 2.800 tấn trở lên. Và những con số này sẽ còn tiếp tục nâng lên trong tương lai, khi cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đánh bắt và nuôi trồng được đầu tư xây dựng đồng bộ và phát huy tác dụng. Bên cạnh tiềm năng về đánh bắt và nuôi trồng, các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu trong tỉnh cũng không ngừng đầu tư để nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ, thiết bị. Hiện năng lực chế biến hải sản xuất khẩu Bình Định tăng gấp đôi so với năm 2000, với tổng công suất hơn 10.000 tấn/năm (vượt 2.000 tấn so với chương trình chế biến hải sản xuất khẩu đến năm 2005 của tỉnh). Cùng với việc nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, lắp đặt thiết bị hiện đại, các công ty, xí nghiệp còn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề…nhằm tạo tiền đề phát triển năng lực chế biến hải sản xuất khẩu trong tương lai.

Những cản ngại

Tuy tiềm năng, năng lực chế biến như vậy, nhưng năm 2002 giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản toàn tỉnh chỉ đạt 26,5 triệu USD, bằng 84,3% so với năm 2001, do ngành chế biến hải sản xuất khẩu Bình Định hiện còn nhiều cản ngại. Vấn đề cung cấp nguyên liệu cho chế biến bị thiếu và kém chất lượng, do diện tích nuôi tôm trên địa bàn Bình Định trong năm qua bị dịch bệnh nhiều; sản phẩm khai thác được không bảo quản tốt nên nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu còn thấp. Ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: “Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động. Các DN chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh gay gắt, thu mua nguyên liệu với giá cao nhưng vẫn chỉ đảm bảo cho các nhà máy hoạt động 50% công suất".

Ngoài khó khăn về nguyên liệu, sản phẩm của các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu của Bình Định vẫn còn đơn điệu, chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như: tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương… làm cho hiệu quả sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Mặc dù các nhà máy có đầu tư nâng cao năng lực chế biến, nhưng nhìn chung trang thiết bị công nghệ còn chưa đồng bộ, chỉ có một số nhà máy như Xí nghiệp đông lạnh Quy Nhơn, Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn có dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại; còn lại đều lạc hậu hơn so với các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu các tỉnh trong khu vực. Các DN chế biến hải sản xuất khẩu Bình Định hiện chưa nghiên cứu tiếp cận thị trường, nên không chủ động được trong sản xuất và phát triển sản phẩm. Đây chính là những cản ngại làm giá trị kim ngạch của Bình Định trong năm qua đạt thấp.

Để khơi thông tiềm năng

Năm 2003, ngành thủy sản Bình Định đề ra kế hoạch đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên thì phải sớm giải quyết những khó khăn hiện tại, trong đó vấn đề quan trọng nhất là khâu nguyên liệu. Để giải quyết cơ bản được khâu này, không cách nào khác hơn là đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trong đó nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Đối với các vùng nguyên liệu nuôi trồng, nên tăng diện tích và chất lượng trong nuôi tôm nhằm tăng sản lượng tôm đạt chất lượng phục vụ cho việc chế biến. Trong khai thác, phải tổ chức tốt đội tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư đổi mới công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để đáp ứng chất lượng trong chế biến xuất khẩu. Một đòi hỏi nữa là các cơ quan chức năng cũng nên sớm có kế hoạch thành lập các chợ nguyên liệu khởi đầu cho hình thành thị trường nguyên liệu chính thức, tránh tình trạng cạnh tranh giá bán, giá mua tràn lan và tiêu cực như trong thời gian qua. Các DN cần nhanh chóng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường để sản phẩm hải sản xuất khẩu của Bình Định nhích gần hơn với yêu cầu thị trường trong khu vực và thế giới.

Giải quyết tốt và tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn đang đặt ra sẽ là những điều kiện để ngành sản xuất chế biến hải sản xuất khẩu Bình Định mở ra lộ trình đi đến mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 95 triệu USD vào năm 2005 và tăng tốc, phát triển mạnh ở những năm tiếp theo.

. Phạm Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)
Phù Mỹ bê tông hóa giao thông nông thôn  (21/02/2003)
Nước mắm Đập Đá trên đường hình thành một thương hiệu  (21/02/2003)
Cát Khánh được mùa khai thác tôm hùm giống  (20/02/2003)