Mỹ Trung được mùa tôm
18:23', 5/3/ 2003 (GMT+7)

Nằm bên kia đầm Thị Nại, vùng nuôi tôm Mỹ Trung (Phước Thắng - Tuy Phước) có diện tích 9,2ha. Từ vùng làm lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi tôm từ năm 1998, đến nay Mỹ Trung qua 5 vụ nuôi chưa một lần thất bại, năng suất tôm nuôi ngày càng tăng.

Nếu 3 vụ nuôi, năm 1998-1999-2000, áp dụng nuôi theo hình thức quảng canh, rồi quảng canh cải tiến trên diện tích mỗi hồ rộng trên 2ha, năng suất chỉ đạt 500kg đến 800kg/ha, thì 2 năm 2001-2002 diện tích hồ vùng Mỹ Trung được chia nhỏ xuống còn 1ha (tổng cộng 9 hồ nuôi), có ao lắng và áp dụng nuôi theo phương thức bán thâm canh, thâm canh, năng suất tôm đạt 1,4 tấn đến 2 tấn/ha, cá biệt có hồ nuôi đạt năng suất 5.778kg/ha ở vụ nuôi năm 2002.

Ông Mai Đình Trung có diện tích hồ nuôi 9.000m2, thả tôm giống (P12-15) 25 con/m2, sau 3 tháng nuôi thu hoạch 5,2 tấn, thu lãi 200 triệu đồng. Hồ nuôi tôm của anh Đặng Minh Luyện, diện tích 1,3ha, trong đó chừa làm ao lắng 0,2ha, ở vụ nuôi năm 2002, hồ của anh được chọn làm mô hình điểm nuôi tôm bán thâm canh, với sự đầu tư kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư Bình Định, anh thu đạt 3,7 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi 78 triệu đồng. Anh Luyện cho biết: “Thấy ở vùng nuôi Huỳnh Giản xảy ra dịch tôm tôi rất lo, nhưng nhờ cán bộ khuyến ngư tỉnh tận tình hướng dẫn kỹ thuật áp dụng nuôi theo quy trình thay nước, nên không xảy ra dịch bệnh, mặc dù nằm sát vùng bị dịch. Tôi còn nhận thấy vụ nuôi vừa qua số hồ đạt năng suất cao là họ không cấp nước trực tiếp ngoài đầm vào mà cấp nước ngọt qua máy bơm bão hòa độ mặn trong hồ, làm tôm lột xác chóng lớn”. Ở vụ nuôi năm 2002, trong tổng số 11 hộ nuôi tôm vùng hồ Mỹ Trung, hộ thu lãi thấp nhất 20 triệu, cao nhất 200 triệu đồng.

Nguyên nhân nào vùng nuôi tôm Mỹ Trung trúng mùa, ít xảy ra dịch bệnh? Tìm hiểu thực tế, tham khảo nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Đông Điền, thì được biết: sản xuất nông nghiệp vùng Mỹ Trung 3 năm trở lại đây rất bấp bênh, phần lớn diện tích trồng lúa bà con bỏ hoang, môi trường nước không bị nhiễm độc. Hệ thống kênh dẫn, thoát nước tốt, nhờ hưởng được 2 nguồn nước từ lạch Hà Dơi – Tân Đề và cống Mỹ Trung, nên chủ động nguồn nước mặn, ngọt mà nhiều vùng nuôi khác không có. Đặc biệt, đây là vùng hồ có đất cát pha, không sình lầy, nhiều mùn bã hữu cơ như các vùng nuôi cận kề, việc cải tạo đáy, tạo màu trước khi thả tôm giống dễ dàng. Cộng đồng nuôi tôm được phát huy cao, tuy chưa thành lập chi hội, nhưng 11 hộ nuôi vùng Mỹ Trung đều có sự bàn bạc nhất trí giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi, áp dụng các tiến bộ KHKT. Một kinh nghiệm ở vùng nuôi tôm Mỹ Trung là bà con theo dõi rất chặt về thời tiết qua đài, báo, để quyết định thả tôm lúc nào thích hợp nhất, thường từ giữa tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Mặt khác, theo anh Phan Văn Chạy, thôn trưởng Lạc Điền, người có nhiều năm trong nghề nuôi tôm: Vùng nuôi tôm Mỹ Trung đa phần các hộ đều thâm niên trong nghề nuôi tôm từ 6 đến 15 năm, rất có kinh nghiệm. Hơn nữa, đây là đất ruộng chuyển sang nuôi trồng thủy sản đều là ruộng giao quyền lâu dài, tạo cơ hội bà con mạnh dạn đầu tư, thâm canh đưa năng suất tôm nuôi đạt cao.

. Xuân Thức

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)
Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp  (04/03/2003)
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)
Bài học từ PISICO  (21/02/2003)