Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!
18:18', 6/3/ 2003 (GMT+7)

Từ năm 2001, Bình Định đã triển khai kiên cố hóa kênh mương nội đồng với một quyết tâm cao. Thế nhưng sau 2 năm thực hiện, quyết tâm này đã bị “dừng lại” vì…đứt kinh phí!

Trong hệ thống kênh mương thủy lợi của Bình Định hiện có 1.653 km kênh mương các loại, dẫn nước tưới cho 80.000 ha gieo trồng/năm. Trong đó có 755 km kênh chính, kênh cấp I, kênh cấp II và các trục tiêu chính đang được Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi (Cty QLKTCTTL) quản lý và khai thác. Theo ông Trần Châu - Phó GĐ Công ty - thì hầu hết các tuyến kênh nói trên đều được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1985 theo sự phân cấp: ngân sách T.Ư và tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng các công trình đầu mối và các trục chính, còn các tuyến kênh từ cấp I trở xuống được xây dựng do ngân sách cấp huyện. Chỉ riêng các công trình lớn như hồ Thuận Ninh, hồ Núi Một, hồ Hội Sơn, đập Thạnh Hòa thì tuyến kênh cấp I mới được xây dựng từ ngân sách T.Ư. Tuy nhiên, lúc ấy mọi nguồn vốn đều rất hạn chế, nên hầu hết các tuyến kênh đều được xây dựng bằng đất. Duy chỉ có công trình hồ  Thuận Ninh do mới được xây dựng vào năm 1997 nên các tuyến kênh cấp I và cấp II ở đây đã được đầu tư xây dựng bằng bê tông.

Nằm gần một “ổ bão” lớn, nên năm nào Bình Định cũng phải gánh chịu nhiều thiên tai bão lũ nghiêm trọng. Khác với lũ ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, lũ lụt ở Bình Định thường có biên độ và cường suất lớn (dạng lũ nhọn), kéo dài và thường có lũ kép nên sức tàn phá rất dữ dội. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống kênh mương ở đây đều được xây dựng thô sơ, qua quá trình khai thác kéo dài, luôn bị thiên tai tàn phá nên hiện đã và đang xuống cấp trầm trọng, gây nên những tổn thất lớn về đất, về nguồn nước và lưu lượng, làm cho hệ số sử dụng nước trên kênh chỉ đạt từ 55% - 65%, chi phí dẫn nước tưới ở mức rất cao. Tại hệ thống kênh sông Kôn và hồ chứa Núi Một, do các kênh tưới bằng đất bị hư hỏng nặng nên nhân dân trong vùng hưởng lợi phải sử dụng các trục tiêu (kênh thiên nhiên) dẫn nước tưới, nên nước bị thất thoát nhiều, việc chống hạn rất khó khăn. Từ năm 1978 đến nay, dù rất bức xúc nhưng với nguồn thu thủy lợi phí ít ỏi, Cty QL-KTCTTL Bình Định chỉ có thể gia cố (xây lát) một số vị trí xung yếu (khoảng 100km) nhằm chống xói lở và thoát nước, chứ chưa thể kiên cố hóa được, do đó, kiên cố hóa kênh mương đang là một vấn đề bức bách…

Trước thực trạng trên, Bình Định đã có kế hoạch kiên cố hóa kênh mương từ năm 2000-2005. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2003 sẽ hoàn thành 100% hệ thống kênh mương cấp II và 70% kênh cấp III. Từ năm 2003-2005 hoàn thành 100% kênh cấp III. Rồi từ năm 2005-2007 sẽ tiếp tục kiên cố kênh cấp I và kênh chính. Vào năm 2001, Cty đã thực hiện kiên cố được 18km kênh với tổng kinh phí là 8,7 tỉ đồng, ưu tiên cho những vùng mất nước, sạt lở nặng và những tuyến kênh đã xây dựng xong nhưng chưa dẫn nước được. Sang năm 2002, tiếp tục kiên cố thêm 16 km nữa với kinh phí 8 tỉ đồng. Thế nhưng, số vốn vay được cho dự án này chỉ mới có 2,1 tỉ đồng, còn lại 5,9 tỉ nữa Cty đành phải “khất” lại cho năm nay (2003). Trước tình hình này, năm 2003 chắc chắn sẽ không thực hiện được km nào nữa, và đến năm 2004 mới có thể tiếp tục công cuộc kiên cố hóa kênh mương. Cũng theo ông Trần Châu, nguồn vốn mà TƯ đầu tư cho công tác này đến năm 2005 là… đứt! Trong khi đó khối lượng kênh chính, cấp I và cấp II ở Bình Định còn đến gần 600km nữa cần phải kiên cố.

Vấn đề kiên cố hóa kênh mương bị trì hoãn sẽ là một bất lợi lớn. Bởi qua những tuyến kênh đã được kiên cố đã cho thấy tác dụng: diện tích chiếm đất của các con kênh và mức độ tổn thất nước còn rất nhỏ, hệ số sử dụng nước tăng đến 90%. Thời gian tưới cũng được tập trung nhanh và chống hạn tốt. Ngoài ra, tiến độ kiên cố hóa kênh mương bị đình trệ sẽ gây nên khó khăn khác cho sau này, bởi lẽ: Bình Định đang đẩy mạnh bê tông hóa giao thông nông thôn. Hầu hết những tuyến kênh đều chạy song song với những con đường. Nếu kênh không được thi công song song cùng với những con đường sẽ gây ra những tác hại chung do thiếu đồng bộ. Do đó, đang có nhiều yếu tố thúc bách các cấp ngành chức năng cần có cơ chế đẩy mạnh việc kiên cố hóa kênh mương như quyết tâm ban đầu, không thể để bị “dừng lại” như hiện nay!

. Vũ Đình Thung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)
Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp  (04/03/2003)
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)
Sạ trước lịch thời vụ – cảnh báo từ đồng ruộng Hoài Nhơn  (21/02/2003)
Có một “Thành phố” trên biển đêm  (21/02/2003)
Người giàu nhất làng Đắc Đâm  (21/02/2003)
Tất cả vì chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cho hội nhập  (21/02/2003)
Vùng “Biển hứa” của nghề cá Bình Định  (21/02/2003)