|
Được giao quyền sử dụng đất, nông dân ngày càng gắn bó hơn với mảnh ruộng của mình. | Năm 2002, công tác giao quyền và sử dụng đất trên địa bàn Bình Định đã có những chuyển động tích cực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho đầu tư xây dựng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, phát triển cơ sở vật chất các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, cải thiện nhà ở, thực hiện các chính sách xã hội. Đáng chú ý là diện tích đất chưa sử dụng đang giảm dần, do nhiều vùng đất trống được khai thác sử dụng vào mục đích phát triển nông - lâm nghiệp.
Trong năm, toàn tỉnh đã có 4.877 ha đất được khai hoang để trồng rừng, xây dựng trang trại. Đất chuyên dùng đã tăng 318 ha, chủ yếu là do mở rộng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-làng nghề truyền thống, các hoạt động sản xuất, dịch vụ thương mại... Đặc biệt, công tác giao đất được chú trọng hơn trong xây dựng các công trình giáo dục, y tế, thể dục-thể thao. Diện tích đất ở cũng gia tăng 219 ha do mở rộng khu vực nội thành Quy Nhơn, các thị trấn, các khu dân cư nông thôn. Ngoài ra, nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã thuê đất lâu nay chưa sử dụng để đưa vào sản xuất.
Cùng với việc khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất, công tác quản lý Nhà nước về đất đai có bước chuyển biến mới. Trong năm qua UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách để bình ổn giá đất, ngăn chặn những cơn "sốt giả" giá đất. Ngành Địa chính tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đất đai, thực hiện nhiều cuộc thanh tra ở các địa phương, phát hiện, xử lý hàng chục ngàn trường hợp vi phạm quản lý đất đai. Nhờ đó, đã từng bước hạn chế, ổn định tình hình quản lý-sử dụng đất, những điểm nóng về sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ở một số địa phương dần dần được giải tỏa. Theo ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Địa chính, năm 2002 là năm ngành địa chính tỉnh thực hiện mạnh các biện pháp quản lý đất đai trên địa bàn, chú trọng một số địa phương có đơn thư của dân khiếu nại, khiếu tố nhiều về những sai phạm của chính quyền địa phương trong quản lý-sử dụng đất. Bộ phận Thanh tra địa chính của Sở thực hiện nhiều đợt thanh tra, nhất là trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, đặc biệt ở các phường Quang Trung, Nhơn Phú, xã bán đảo Nhơn Hội… là các địa phương lâu nay tồn tại nhiều vấn đề mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép. Cùng với Địa chính tỉnh, Địa chính các huyện, thành phố đã tăng cường kiểm tra, giải quyết nhiều vụ vi phạm quản lý đất đai, cả đất sản xuất và đất ở. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều vụ vi phạm quản lý-sử dụng đất của cán bộ kể cả người dân đã được công bố, các sai phạm quản lý-sử dụng đất ở cơ sở được chấn chỉnh, từng bước đưa công tác này vào hành lang pháp luật của Nhà nước.
Tình hình giao đất, sử dụng đất đang có những tín hiệu tích cực, song đây cũng là lĩnh vực còn nhiều khó khăn phức tạp. Năm 2002 công tác giao đất của Bình Định chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch (ngoại trừ đất cho giao thông, đất ở đô thị). Tính đến hết tháng 3-2003, toàn tỉnh mới giao được trên 6.000 ha, đạt 78,1% KH giao đất của năm 2002, bao gồm: đất chuyên dùng-đất ở, đất nông-lâm nghiệp chuyển mục đích, đất lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản, đất trống khai hoang đưa vào sử dụng... Nguyên nhân chính của hơn 21% còn lại chưa thực hiện được là chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, địa phương đưa ra khá cao, nhưng kế hoạch sử dụng đất và vốn đầu tư phát triển chưa đồng bộ.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, năm 2003 Bình Định tiếp tục đưa vào sử dụng gần 1.605 ha đất chuyên dùng-đất ở, chuyển trên 530 ha đất nông-lâm nghiệp sang các mục đích khác, đưa 87 ha đất lúa bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản và chuyển 5.070 ha đất khai hoang, đất trống sang sản xuất nông-lâm nghiệp. Để cho công tác giao đất đạt kết quả, đất đã giao được sử dụng đúng mục đích, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương, nhất là kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sử dụng đất. Ngành Địa chính tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: giao quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác thanh tra-kiểm tra quản lý đất đai, công tác hồ sơ địa chính, cải cách thủ tục hành chính...
. Hoàng Tấn |