|
Sau CPH, người lao động càng gắn bó với DN hơn. |
Bình Định hiện đã có 19 DNNN chuyển sang cổ phần hóa (CPH), với tổng vốn điều lệ 60,178 tỉ đồng. Nhìn chung, CPH đã góp phần quan trọng để phát triển DN, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt.
Doanh nghiệp: hoạt động hiệu quả hơn
Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã có 19 DNNN chuyển sang cổ phần hóa (CPH), với tổng vốn điều lệ 60,178 tỉ đồng. Ngoài ra, sẽ có thêm 5 DNNN được CPH và Bến xe Khách Bình Định được tổ chức lại thành công ty cổ phần trong năm nay.
Nhìn chung, CPH đã góp phần quan trọng để phát triển DN, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tổng doanh thu cả năm 2002 là 755 tỉ đồng, tổng lợi nhuận là 21,5 tỉ đồng, doanh thu bình quân tăng 65%, nộp ngân sách tăng 2,41 lần. Lợi tức cổ phần bình quân 1,77%/tháng, trong đó có 3 DN đạt mức lợi tức cổ phần từ 2% đến 2,7%/tháng. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân các chỉ tiêu kinh tế ở các DN sau CPH khá cao.
Có được như vậy là nhờ công tác điều hành quản lý sau CPH ở các DN chặt chẽ hơn, công tác tiếp thị, tìm kiếm khách hàng có bước tiến bộ, sản phẩm và hàng hóa sản xuất được giữ vững và nâng cao về chất lượng, từng bước tạo uy tín trong khách hàng. Định hướng đúng trong đầu tư và hoạt động kinh doanh nên nhiều tỷ lệ vốn Nhà nước trong các công ty CP từ 37% năm 2000, giảm còn 34% năm 2001 và 19% năm 2002.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và DN CP (nhất là trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng)… nhưng những thành công trên đây sẽ là những tiền đề tốt cho những bước đi tiếp theo trong tiến trình cải cách DNNN.
Người lao động: quyền lợi và trách nhiệm được nâng cao
DN sau khi CPH không những ổn định được việc làm mà còn thu hút thêm nhiều lao động, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, thu nhập của NLĐ tăng lên rõ rệt. Năm 2001, thu nhập bình quân của NLĐ là 770.000 đồng/người/tháng, thì năm 2002 là 838.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh lương, NLĐ còn được hưởng lợi tức cổ phần. NLĐ có góp vốn được làm chủ thật sự nên quyền lợi và trách nhiệm của họ được nâng lên. Cổ đông được quyền chất vấn, phê bình và kiến nghị về công việc của hội đồng quản trị, giám đốc và ban kiểm soát về hoạt động của DN. Số vốn của NLĐ trong các DN tăng. Các chính sách cho NLĐ như mua cổ phần ưu đãi, NLĐ nghèo được hưởng ưu đãi, chính sách với LĐ dôi dư, theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó phòng Chính sách Lao động- Tiền lương (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh), đều được các DN trong tỉnh thực hiện tương đối tốt.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là sự phân hóa giàu- nghèo trong NLĐ ở các công ty CP. Trong cùng một DN, có người sở hữu từ 3.000-4.000 cổ phần, nhưng cũng có người chỉ có 15-20 cổ phần, thậm chí có người không có cổ phần nào, dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về thu nhập từ cổ tức, làm cho sự phân hóa càng sâu sắc. Thống kê của LĐLĐ tỉnh tại 14 công ty CP cho thấy trình độ học vấn, tay nghề của NLĐ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của DN nên việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho NLĐ đang là nhu cầu cấp thiết.
Cần hoàn thiện về chính sách
Thời gian đầu, công tác CPH DNNN ở Bình Định thực hiện nhanh tương đối so với tiến trình chung của cả nước. Tuy nhiên, trong hai năm 2001 và 2002, tốc độ CPH có chững lại. Nguyên nhân cơ bản, với các DN, vẫn là chính sách chưa hoàn thiện. Bởi vậy, yêu cầu chung hiện nay là Nhà nước sớm hoàn thiện về chính sách, nhất là tránh tình trạng phân biệt đối xử với DN trước và sau khi CPH, ban hành quy chế quản lý tài chính cho các công ty CP… Về phía NLĐ, Nhà nước cần có văn bản cụ thể hơn việc trích một phần nguồn tài chính bán cổ phần của Nhà nước cho DN để DN đủ điều kiện tiếp tục đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao trình độ cho NLĐ. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, đòi hỏi vai trò của CĐCS các công ty CP cũng phải được tăng cường.
. Lê Viết Thọ |