Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động
17:30', 10/3/ 2003 (GMT+7)

Việc khai thác, sử dụng năng lượng gió có những ưu việt: năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, thiết bị đơn giản, điện năng ổn định, giá thành thấp. Việt Nam là quốc gia có ưu thế và tiềm năng để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng vô tận này (với gần 3000 kilômet bờ biển; nằm trong vùng khí hậu gió mùa). Và nơi hội đủ những điều kiện để xây dựng nhà máy phong điện qui mô lớn đầu tiên của nước ta là tại bán đảo Phương Mai của Bình Định.

Theo “Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy phong điện Phương Mai – Bình Định” của Công ty cổ phần năng lượng sạch, Nhà máy này đặt tại khu vực phía bắc bán đảo Phương Mai (còn gọi là Phước Mai). Bán đảo gồm các xã Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý (Quy Nhơn); xã Phước Hòa (Tuy Phước); các xã Cát Chánh, Cát Tiến (Phù Cát) với chiều dài 21km, chiều rộng từ 3 đến 5km. Toàn bộ nhà máy đặt trên bãi cát, đồi cát. Độ cao nhất của khu vực bãi đồi này khoảng 40m. Phía bắc của bán đảo có dãy núi Bà (đỉnh cao hơn 600m) tác dụng như tấm bình phong hướng luồng gió vào các cụm tuốc bin của nhà máy. Các nhà chuyên môn cho biết: Qua khảo sát về địa hình, chế độ gió và tốc độ gió quanh năm cho thấy nhà máy sẽ hứng được cả 2 hướng gió chính: đông bắc (mùa đông) và tây nam (mùa hè). Nơi đặt nhà máy trên bãi cát rộng, chưa có dân cư và cây cao. Việc xây dựng nhà máy sau khi khởi công xây dựng cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội và tuyến đường ven biển phía đông nối thông Quy Nhơn với Tam Quan, và tất cả sẽ hoàn thành trong năm 2005 tạo tiền đề quyết định cho sự thành công của các dự án tiếp theo tại đây về hạ tầng, đô thị mới, khu thương mại, khu công nghiệp, cảng biển nước sâu, du lịch…

Với ưu thế về mặt bằng, giao thông, chế độ và tốc độ gió… Nhà máy phong điện Phương Mai có đủ điều kiện để xây dựng một tổ hợp phát điện gió công suất từ 100 – 150 mêgaoat (MW) – tức là lớn hơn nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn. Theo phương án đề xuất của Công ty cổ phần phong điện Phương Mai đã được UBND tỉnh phê duyệt: Nhà máy sẽ được xây dựng tại đây với công suất 100 MW. Trước mắt, giai đoạn 1, nhà máy có công suất 15 MW, giai đoạn 2 tăng công suất lên 35 MW và giai đoạn 3 là 50MW.

Ở giai đoạn 1, tổng mức vốn đầu tư cho dự án là gần  222 tỉ đồng, trong đó phần thiết bị máy móc 180 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: vốn cổ phần chiếm 30%, còn lại là vốn vay. Hiện nay đã có 5 thành viên tham gia đầu tư: Tổng công ty cơ khí xây dựng, Công ty cổ phần năng lượng sạch, Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp Bình Định, Công ty điện lực 3 và Công ty cổ phần phong điện Việt Nam. Theo dự án, toàn bộ phần xây dựng nhà máy, hệ thống trụ thép (cao tới 70m) sẽ được đặt hàng trong nước, do Tổng công ty Cơ khí xây dựng, đơn vị có tham gia trong Công ty cổ phần phong điện Phương Mai, đảm nhận phần trách nhiệm chính. Còn lại toàn bộ 10 tuốc bin phát điện sẽ đặt mua của Đức hoặc Đan Mạch, những nước đứng đầu về công nghệ sản xuất thiết bị phong điện. Mỗi tuốc bin như vậy nặng khoảng 45 tấn, công suất 1,5 MW.

Ngày 14-4 tới đây, Công ty cổ phần phong điện Phương Mai sẽ tổ chức mở thầu và ngay sau đó sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy. Theo tiến độ, sau 19 tháng, tức là tháng 12 năm 2004, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng.

Nằm ở phía bắc bán đảo Phương Mai, trong tuyến qui hoạch du lịch dưới chân núi Bà nhiều tiềm năng và triển vọng, những cụm cánh quạt gió của nhà máy phong điện sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh du lịch kỳ vĩ nơi này. Và không chỉ thế, nhà máy này sẽ giúp Bình Định có được nguồn phát điện độc lập, chủ động nguồn điện năng cung cấp cho một khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại, cảng biển… sẽ rất sôi động trong một tương lai gần ở khu vực này. Đây còn là bước khởi đầu quan trọng trong một chiến lược đúng hướng ở tầm quốc gia về phát triển năng lượng sạch – năng lượng gió để phát điện.

. Cát Hùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)
Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp  (04/03/2003)
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)
Khởi sắc vùng cao  (21/02/2003)
Từng bước tái cơ cấu để hội nhập  (21/02/2003)
Sức sống Vĩnh Hảo?  (21/02/2003)
Nhơn Hội: Bứt phá để cất cánh  (21/02/2003)