Nghề trồng dưa hấu
17:39', 12/3/ 2003 (GMT+7)

Phóng sự của Phạm Tiến Sĩ

Thu hoạch dưa hấu

Trải qua bao thời gian và những mùa vụ sản xuất, dưa hấu trở thành cây trồng quen thuộc của nông dân trong tỉnh. Trong những năm gần đây, nhờ sử dụng các giống dưa có chất lượng cao, cộng vào đó là kỹ thuật canh tác của nông dân, nên sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được người tiêu dùng nước ngoài đón nhận. Tuy nhiên, không phải mùa vụ nào, loài cây trái được mệnh danh là “vua của mùa hè” này cũng mang lại niềm vui cho nông dân….

Trồng dưa hấu- nghề gian khó

Nói đến cây dưa hấu ở Bình Định phải kể đến xã Bình Nghi (Tây Sơn) và thôn Diêm Tiêu (Phù Mỹ). Ngoài những ưu thế về đất đai, nông dân nơi đây còn có nhiều  kinh nghiệm sản xuất dưa hấu. Ông  Mai Văn Bá ở thôn 4 xã Bình Nghi cho chúng tôi biết: “Thông thường cứ vào độ tháng chạp hàng năm là bà con chúng tôi xuống giống, đến cuối tháng 2 năm sau là bắt đầu thu hoạch. Khoảng thời gian này, khí hậu tương đối thuận lợi cho hạt mầm phát triển. Hơn nữa, thời gian thu hoạch dưa cũng bắt đầu vào hạ, nên sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn. Và đây cũng là những ngày tháng vất vả nhất trong năm đối nông dân chúng tôi”.

Dưa hấu không giống như những cây trồng khác, đất sản xuất dưa phải luôn thay đổi theo mùa vụ, đây là quy luật bất thành văn của cây dưa, và chỉ có những ngời trồng dưa có kinh nghiệm mới nắm rõ điều này. Chị Lê Kim Huệ ở xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) vì sản xuất dưa trên khu đất cũ, nên gần 2 mẫu dưa vụ này đã chết yểu hơn phân nửa. Hôm gặp tôi, chị cười ra nước mắt: “Khi dưa được một tháng tuổi thì cứ xanh mướt, trong bụng mừng thầm, ai dè chỉ mấy hôm sau đó, dưa cứ chết dần.” Tìm được đất sản xuất đã là khó, khâu kỹ thuật trồng và chăm dưa còn nan giải hơn nhiều. Đất trồng dưa phải được cày sâu, làm kỹ, độ cao và khoảng cách luống dưa tùy thuộc vào độ cao thấp của từng thửa ruộng đất khác nhau, nhưng phải đảm bảo được 2 yếu tố, đó là giữ ẩm tốt và phải thoáng khí. Rồi mỗi giai đoạn phát triển của cây dưa, có sự đầu tư chăm sóc khác nhau. Đặc biệt trong giai đoạn dưa bắt đầu phân nhánh, tạo quả, người trồng phải phát huy tối đa kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình để nhận dạng những nhánh dưa khỏe mạnh, có thể cho quả tốt, chọn những quả nào cho đạt hiệu quả cao. Theo kinh nghiệm của nông dân ở đây, mỗi gốc dưa chỉ nên để lại từ 2-3 nhánh, những nhánh được tuyển chọn phải hoàn toàn khỏe mạnh. Còn thời gian thích hợp nhất để chọn quả, khi quả có trọng lượng  khoảng từ 300- 400g,  mỗi gốc cũng chỉ giữ lại 2 quả để nuôi dưỡng. Trong giai đoạn này, dưa phát triển mạnh mẽ, nhưng sâu bệnh cũng phát triển nhiều, nên cần sự đầu tư chăm sóc chu đáo hơn. “Mỗi ngày phải tưới nước một vài lần để giữ độ ẩm cho đất, rồi nhặt cỏ, bón phân, phun thuốc… Trồng dưa là phải túc trực liên tục cả ngày lẫn đêm hàng tháng trời trên đồng như vậy mới được.” Anh Võ Văn Vương ở thôn 3, xã Bình Nghi cho tôi biết thêm về nghề trồng dưa như vậy. Cũng chính vì thế, mỗi hộ gia đình phải dựng một túp lều nhỏ bên đám ruộng của mình để tiện chăm sóc và bảo vệ cho dưa, và trong khoảng thời gian này, nông dân phải ăn, ngủ trên đồng ruộng cùng dưa.

Bấp bênh cây dưa hấu.

Nhớ lại vụ dưa năm trước, Chủ tịch xã Bình Nghi, Văn Ngọc Thạch cười sảng khoái: “Giờ này năm trước cả xã như sống trong  vị ngọt của dưa. Bình quân một  ha, nông dân có thu nhập từ 15- 17 triệu đồng”. Và tôi đã giật mình khi nhẩm tính, chỉ  trong vòng 3 tháng với 100 ha dưa, nông dân trong xã có thu trên 1,5 tỷ đồng. Anh Võ Văn Vương ở thôn 3 hồ hởi cho biết: “Vụ thu hoạch năm trước, nhà nào cũng trúng. Bình quân 2.500 đồng/ kg, dưa đẹp, dưa xấu được đầu nậu mua hết. Riêng gia đình tôi  trồng gần 8 sào dưa, lãi 12 triệu đồng.”

Khi vụ dưa ở Tây Sơn đã kết thúc, cũng là lúc nông dân ở Phù Mỹ bắt đầu vào vụ thu hoạch.  Thế nhưng trong thời gian này, dưa bỗng dưng rớt thê thảm. Vợ chồng  Anh Lê Văn Thông ở thôn Trung Hậu, xã Mỹ Trinh, khi nhớ lại mùa dưa năm ngoái còn bàng hoàng cả người. Thấy nhiều gia đình trồng dưa thắng lợi, nên vợ chồng anh phá bỏ vườn điều chuyển sang trồng dưa. “Vụ dưa đó vợ chồng tôi phải quang gánh bán dưa dạo cả ngày, vớt vát mãi nhưng cũng chẳng đủ vốn. Thất bại vụ trước, hi vọng vụ dưa này kéo lại, ai ngờ dưa bị chết  hàng loạt, thế là một mùa vụ nữa lại trắng tay”. Anh Thông cười xót xa. Và không riêng gì anh mà hàng trăm hộ gia đình khác ở đây đều có chung “số phận” như thế. Có hộ như anh Huỳnh Văn Long, Nguyễn Văn Thắng lỗ tới cả mấy chục triệu đồng. Bà Lê Thị Thọ, Trưởng thôn Diêm Tiêu nhớ lại: “Năm đó giá dưa chỉ vài ba trăm đồng/kg, nhưng cũng chả ai muốn mua. Ở trong thôn, có nhiều hộ gia đình trồng nhiều, lỗ hàng chục triệu đồng phải chịu cảnh nợ nần túng thiếu.”

Trong khi đó, từ thắng lợi vụ dưa năm trước, nên vụ trồng dưa năm nay cả 4 thôn ở Bình Nghi ra sức trồng dưa. Nhiều nông dân đã chuyển diện tích lúa một vụ sang trồng dưa, rồi khai hoang vỡ hóa đất gò, đất đồi, thậm chí có hộ còn thuê mướn thêm đất để sản xuất. Vì thế, diện tích dưa của xã đạt con số kỷ lục từ trước đến nay (365 ha). Còn ở Phù Mỹ, thất bại mùa dưa năm trước khiến cho nhiều người tính đến chuyện bỏ nghề trồng dưa, nhưng cũng không ít người vẫn còn nuôi hy vọng “đất không phụ kẻ khó” và tiếp tục sản xuất. Anh Nguyễn Thắng ở Diêm Tiêu còn xin Lâm Trường An Sơn 4 ha đất cách nhà đến 5 cây số, dụng lều thuê lao động trồng dưa. Nhưng không ai học được chữ ngờ, giá dưa trên thị trường lại rớt thảm, vào chính vụ bình quân chỉ từ 200- 300 đồng/ kg, nếu dưa được đầu nậu khen đẹp thì cũng được 500 đồng/kg. Nông dân như ngồi trên đống lửa.

Chứng kiến cảnh ngả giá, chê bai của cánh đầu đậu và những gương mặt gầy gò đen sạm của nông dân ở Diêm Tiêu mà tôi thấy lòng mình quặn đau. Anh Lê Hữu Điền cười như mếu: “Khi được giá, thì dưa gì cũng đẹp, cũng tốt, còn mất giá thì nó (chỉ cánh đầu nậu) chê ngược chê xuôi, lại phân ra mấy thứ hạng giá”. Với 8 sào dưa loại Hắc Mỹ Nhân,  gia đình anh Điền đã đi đứt trên 3 triệu đồng, chưa kể công cán. Dưa rớt giá, cánh đầu nậu tha hồ lựa chọn, chỉ cần sứt cuống, hoặc dập một chút thì lập tức bị đào thải ra ngay, mà trong một vườn dưa cả hàng trăm hàng nghìn trái, rồi vận chuyển, bưng bê thì tránh sao được những chuyện “u đầu mẻ trán”. Nhưng không bán cho họ thì biết bán cho ai?

Quả thật, để tạo ra được sản phẩm từ cây dưa, nông dân phải dãi nắng dầm sương, ăn cùng dưa, ngủ cùng dưa hàng tháng trời trên đồng ruộng. Và tôi đã chiêm nghiệm được một điều là không phải ngẫu nhiên, dưa hấu được mệnh danh là loài vua của mùa hè. Bởi trong hương vị và chất bổ dưỡng của nó, còn có cả mồ hôi, thậm chí là nước mắt của nông dân chất chứa trong đó.

. P.T.S

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)
Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp  (04/03/2003)
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)
Tiếp tục “cuộc chiến” chống bọ dừa  (03/03/2003)