Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng:
Dân thêm việc, rừng thêm cây
17:44', 12/3/ 2003 (GMT+7)

chăm sóc cây con

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là dự án quan trọng của Chính phủ nhằm khôi phục, xây dựng và phát triển vốn rừng của nước ta. Tại Bình Định, dự án này bắt đầu được triển khai từ năm 1998 và đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu của Ban quản lý dự án, qua 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã đầu tư trên 54 tỉ đồng để thực hiện công tác trồng, bảo vệ, làm giàu vốn rừng. Trong đó, nguồn vốn của Trung ương gần 31 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác. Qua các năm thực hiện, hầu như các chỉ tiêu trồng và chăm sóc rừng được các lâm trường, Ban quản lý trồng rừng các địa phương thực hiện đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh đã thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ 50.520 ha, khoanh nuôi tái sinh 23.104 ha, chăm sóc 35.639 ha, trồng mới 14.985 ha; phục hồi 466 ha, làm giàu và nuôi dưỡng 1.115 ha rừng, xây dựng 23,7 ha vườn nhân giống keo lai, bạch đàn… Ngoài ra, các Ban quản lý dự án ở cơ sở còn xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ cho công tác lâm sinh như: Trạm quản lý bảo vệ rừng, đường ranh cản lửa, biển báo… Bên cạnh kết quả số lượng, chất lượng rừng trồng được nâng lên khá rõ rệt. Các loại cây trồng rừng chủ yếu trước đây như keo, bạch đàn, điều, phi lao đã được Ban quản lý dự án thay thế bằng các loại giống lai, điều ghép. Kỹ thuật trồng được chú trọng hơn, từ năm 2001 đã trồng theo kỹ thuật cây túi bầu nên tỷ lệ cây sống rất cao. Việc trồng thử nghiệm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như thông nhựa, sao đen, dầu rái, xoan mộc, chò chỉ, quế, lát Mêxicô, luồng, sa nhân, măng tre… đã cho kết quả khả quan.

Kết quả thực hiện dự án trong thời gian qua đã góp phần nâng độ che phủ của rừng toàn tỉnh từ 32,5% năm 1998 lên 35,3% năm 2002. Bên cạnh đó, dự án còn giải quyết việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho người dân ở các vùng miền núi, vùng cao. Trong 5 năm triển khai dự án đã giải quyết cho trên 14.000 hộ gia đình với trên 30.000 lao động có việc làm. Bằng kinh phí được cấp, nhiều hộ có công ăn việc làm tại chỗ, từng bước xoá đói, giảm nghèo.

Tiếp tục thực hiện dự án, năm 2003 Bình Định dự kiến đầu tư khoảng 46 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn trồng rừng sản xuất, vốn vay ưu đãi… để giao khoán bảo vệ rừng 48.622 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 28.146 ha; trồng mới 7.000 ha rừng, xây dựng thêm các hạng mục hạ tầng lâm sinh. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý dự án trồng rừng của tỉnh đã tổ chức triển khai đến các Ban quản lý địa phương kế hoạch trồng rừng. Nét mới trong công tác trồng rừng năm 2003 là ngành lâm nghiệp tiến hành xác định các tập đoàn cơ cấu cây giống phù hợp với từng vùng, các vườn ươm sản xuất các loại giống cây trồng rừng có năng suất cao, chất lượng tốt như bạch đàn: E.Urophylla U6, UG8, các loại keo lai BV10, BV16, BV32... và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng lực cho các cán bộ lâm nghiệp ở các huyện, xã, hộ tham gia trồng rừng nhằm đạt kết quả tốt nhất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai dự án 5 triệu ha rừng, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách về trồng rừng nguyên liệu. Theo đó, các cá nhân, đơn vị tham gia trồng rừng sẽ được tỉnh hỗ trợ về vốn vay, đất đai, thuế, chuyển giao KHKT… để thực hiện công tác trồng rừng đạt kết quả tốt hơn.

Tuy nhiên, theo bà Võ Xuân Hiền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Trưởng Ban quản lý dự án của tỉnh, điểm khó khăn nhất hiện nay trong việc triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là sự phối kết hợp chưa chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương với các Ban quản lý dự án trồng rừng. Ngoài ra, cũng theo bà Hiền, Chính phủ cần nâng mức đầu tư vốn cho trồng, chăm sóc mỗi ha rừng cao hơn mức hiện nay để phù hợp với thực tế;  tăng cường cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu, vùng xa tạo thuận lợi cho trồng rừng, phát triển kinh tế. Giải quyết được những hạn chế đó, việc triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

. Nguyễn Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)
Chế biến hải sản xuất khẩu: Tiềm năng và giải pháp  (04/03/2003)
Hữu Giang hôm nay   (04/03/2003)