Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định:
Cơ hội đổi đời của người nông dân
17:36', 13/3/ 2003 (GMT+7)

Khởi công nhà máy chế biến dứa

Như tin đã đưa, vừa qua (11-3), tại thôn Thiết Đính, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định. Đây là một công trình có ý nghĩa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định. Riêng đối với người nông dân các huyện phía Bắc tỉnh, đây là cơ hội giúp họ “đổi đời”. Song, để có được những “tín hiệu vui” như hôm nay thật không đơn giản…

Từ dự án vùng nguyên liệu dứa…

Ngay từ khoảng giữa năm 2000, một dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu dứa đã được hình thành và xây dựng. Đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng dự án là Lâm trường An Sơn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Định. Ngày 26-3-2002, Dự án được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. 4 huyện được triển khai thực hiện dự án là: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư là 36 tỉ đồng.Tổng diện tích đất qui hoạch xây dựng vùng nguyên liệu dứa tại 4 huyện trên là 3.360 ha. Trong đó, huyện Phù Mỹ chiếm 1.118 ha, Hoài Ân: 747 ha, Hoài Nhơn: 795 ha, An Lão: 700 ha. Một yêu cầu đặt ra đối với vùng nguyên liệu dứa là phải quy hoạch vùng đất tập trung và phải có giống cây trồng tốt, đạt yêu cầu, cho năng suất cao. Thực hiện được mục tiêu trên quả không giản đơn. Nhưng dù cho “vạn sự khởi đầu nan”, cuối cùng mọi việc cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Hai giống dứa mới cho năng suất cao, dễ nhân giống là Cayen và Queen đã dần dần thay thế giống dứa cũ của địa phương. Với sự nỗ lực của cán bộ, CNVC Lâm trường An Sơn và nhân dân 4 huyện, chỉ trong khoảng 2 năm 2001-2002, vùng nguyên liệu đã trồng được 175 ha dứa. Trong số này, huyện Hoài Ân trồng được 48,7 ha, Phù Mỹ 63,2 ha, An Lão 36,3 ha, Hoài Nhơn 8,8 ha. Trong đó, dứa Cayen chiếm 123 ha, dứa Cayen cấy mô chiếm 32 ha, dứa Queen 32 ha. Từ đó đến nay, Lâm trường An Sơn và nông dân 4 huyện nói trên đã trồng được 382 ha, gồm: 123 ha dứa Cayen, 2 ha dứa Cayen cấy mô, 255 ha dứa Queen. Đây chính là tiền đề quan trọng, chuẩn bị cho việc thực hiện một dự án tiếp theo.

Vùng nguyên liệu dứa

Đến nhà máy chế biến và xuất khẩu…

Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định là một dự án lớn được UBND tỉnh và Tổng Công ty rau quả Việt Nam đồng ý, phê duyệt. Lâm Trường An Sơn được giao nhiệm vụ làm chủ dự án. Công trình có tổng diện tích xây dựng 100.000m2, với hơn 19 hạng mục xây dựng. Trong số này, diện tích đất xây dựng nhà máy 2 giai đoạn là 10.000 m2; diện tích xây dựng khu văn phòng làm việc, nhà ăn, khu sinh hoạt thể dục thể thao… là 6.000 m2. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, sản xuất lạnh đông rau quả là 2.000 tấn sản phẩm/năm; sản xuất đồ hộp, dứa rau quả: 3.000 tấn sản phẩm/năm và sản xuất nước quả puree cô đặc là 5.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ xây dựng làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (đến tháng 6 năm 2003) sẽ xây dựng 2 dây chuyền, gồm chế biến dứa + rau quả hộp với 3.000 tấn sản phẩm/năm và dây chuyền chế biến  lạnh đông IQF, với 2.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 22 tỉ đồng. Trong đó, dây chuyền chế biến dứa + rau quả hộp gồm các sản phẩm: dừa đóng hộp các loại (2.600 tấn sản phẩm/năm), ngô bao tử đóng hộp (100 tấn sản phẩm/năm), măng tre đóng hộp các loại (3.000 tấn sản phẩm/năm) và dây chuyền chế biến lạnh đông IQF sẽ gồm các loại: dừa lạnh đông (1.200 tấn sản phẩm/năm), dứa lạnh đông (300 tấn sản phẩm/năm), xoài lạnh đông (400 tấn sản phẩm/ năm). Giai doạn II (từ tháng 1-2004 đến tháng 6-2004) có tổng vốn đầu tư 50 tỉ đồng. Giai đoạn này sẽ thực hiện dây chuyền chế biến nước quả cô đặc puree, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó bao gồm: sản xuất dứa cô đặc (4.000 tấn sản phẩm/năm), sản xuất lạc tiên cô đặc (200 tấn sản phẩm/năm) và sản xuất puree xoài (800 tấn sản phẩm/năm)…

Và cơ hội “đổi đời” của nông dân

Có thể nói, dự án vùng nguyên liệu dứa và việc khởi công xây dựng nhà máy chế biến dứa và rau quả Bình Định không chỉ là “tín hiệu vui” đối với chính quyền, nhân dân Bình Định, mà còn là cơ hội “đổi đời” của người dân các huyện phía bắc tỉnh. Khi vùng nguyên liệu dứa hình thành, phát triển, bà con nông dân trong vùng nguyên liệu có điều kiện để khai thác, tận dụng hết quỹ đất lâu nay canh tác không hiệu quả, cùng nguồn lao động dồi dào ở nông thôn. Dự án còn góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, bảo vệ môi sinh, môi trường và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng dự án, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập kinh tế, xã hội. Đồng thời, dự án còn góp phần đa dạng hoá giống cây trồng cho một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai. Qua dự án người nông dân sẽ được tiếp cận, chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, cây trồng và kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hoá mang tính công nghiệp. Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, dự án càng có ý nghĩa quan trọng. Dự kiến, khi nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 đến 3.000 lao động và khoảng 150 đến 200 công nhân. Đặc biệt, theo tin từ Tổng Công ty rau quả Việt Nam, ngoài việc giúp tư vấn xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân kỹ thuật và quản lý trong thời gian đầu, Công ty còn đồng ý cho sản phẩm của nhà máy được mang thương hiệu “VEGETEXCO” của Công ty và sẽ bao tiêu sản phẩm trong thời gian khoảng từ 5 đến 10 năm. Mong rằng, nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định sẽ sớm đi vào hoạt động và hy vọng “đổi đời” của người nông dân Bình Định, người dân trong vùng nguyên liệu nói riêng sẽ trở thành hiện thực.

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)
Anh Chính cải tiến máy cắt lúa  (04/03/2003)