Nỗi niềm… Kông Trú
17:55', 13/3/ 2003 (GMT+7)

Gần 2 giờ đồng hồ đi mô tô từ trung tâm huyện Hoài Ân, chúng tôi mới lên tới làng T2 xã miền núi Bok Tới. Cũng may, vừa kịp lúc đoàn công tác của xã chuẩn bị lên đường, chúng tôi nhập vào đoàn và bắt đầu lội suối, leo dốc để đến tập đoàn sản xuất số 3, làng Kông Trú.

Theo đường mòn và những con dốc vừa cao vừa dựng đứng, trời vừa mưa xong hôm trước nên đường càng trơn trượt khó đi, thế nhưng sau 1 buổi trời vượt qua 2 đỉnh núi, cuối cùng làng Kông Trú đã hiện ra trên bãi đất bằng nơi đầu nguồn con suối. Trước đây làng có tên là Con Trúc (Con là làng, Trúc là tê tê) - nghĩa là con tê tê, qua thời gian Con Trúc bị gọi trệch lại thành Kông Trú. Làng nằm trong thung lũng giữa ngọn Kon Bru cao ngút ngàn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh và ngọn núi Kon Riêng hùng vĩ của huyện Hoài Ân.

Hiện tại, Kông Trú có 21 nóc nhà (gồm 127 nhân khẩu) nằm cạnh con suối Đak Cha, được chia làm 2 đội sản xuất cách nhau chừng 20 phút đi bộ. Diện tích ruộng lúa nước chỉ có 2,1 ha (bình quân mỗi hộ chưa được 2 sào), hàng năm bà con làm 2 vụ lúa xuân hè và hè thu. Không có giống tốt và phân bón nên năng suất lúa chỉ đạt 100 kg/sào. Dân làng phải phát rẫy để kiếm thêm cái ăn, bình quân mỗi hộ có 1 ha để trồng mì, trỉa bắp. Ông Đinh Bá Thanh - tập đoàn trưởng làng Kông Trú cho biết: “Năm nào được ông trời thương tình thì lúa rẫy, lúa ruộng không bị hư hại, may ra dân làng mới đủ ăn và có dư tí chút để bán cho một số bà con người Kinh đi buôn miền cao và mua các vật dụng cần thiết như quần áo, dầu hỏa, mắm muối… còn ngược lại, lúc mất mùa thì cả làng thiếu đói, phải ăn bắp rang, khoai luộc thay cơm…”. Dù dân làng có ruộng lúa nước, nhưng hạt lúa sản xuất không nhiều, hộ nào bán được cao lắm cũng chỉ 100 kg với mức giá chỉ bằng 50-60% ở dưới xuôi. Chính vì thế mà cái đói thường xuyên rình rập dân làng. Thường thì làng hay thiếu gạo đột xuất trong vụ. Mì, chuối, thơm… là những sản phẩm Kông Trú có nhiều nhưng do đường sá xa xôi, hầu như không có người đến tìm mua, vì thế nguồn thu nhập thêm của dân làng ở đây không có gì. Tuy vậy, ở nơi thiếu thốn này, dân làng lại có đất rừng, đất rẫy, và đồng cỏ rộng mênh mông là điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia súc phát triển rất mạnh, bình quân mỗi hộ 10 con trâu- bò.

Trở lại Kông Trú lần này, tôi cảm nhận làng đã đổi thay nhiều, dù cái lạc hậu, đói khổ vẫn còn. Làng đã có được 5 mái nhà lợp ngói như người Kinh. Từ đốt đèn dầu, không có ti vi, đài, thì năm 1999 huyện Hoài Ân đã đầu tư cho làng xây dựng hệ thống điện Diezen 5KW và 1 cái ti vi màu 20 inch để ở nhà rông của làng. Cả làng có 2 chiếc xe máy, trong đó có 1 chiếc của thầy Đinh Văn Dé - giáo viên Trường tiểu học Bok Tới. Dịch bệnh sốt rét cũng giảm dần nhờ có y tế thôn bản, nạn cầm đồ cũng không còn xuất hiện. Làng đã có 1 trường học lớp 1 thuộc phân hiệu trường xã Bok Tới và 5 học sinh đang học ở trường nội trú huyện.

Đêm Kông Trú, bên ánh lửa hồng bập bùng, chúng tôi được các già làng ở đây cho biết: Làng Kông Trú đã định canh định cư ở đây từ trước ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ở làng hầu như gia đình nào cũng tham gia cách mạng, nghe theo lời Đảng, cán bộ, nhân dân Kông Trú đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến bằng những vũ khí thô sơ như: man cung, tên ná, súng trường và hầm chông… Đồng bào Ba na Kông Trú đã bắn rơi 7 máy bay các loại, diệt hàng trăm tên địch, bảo vệ bản làng, góp phần vào việc thông thương tuyến đường chiến lược Hà Nội - Kim Sơn ngày ấy. Già làng Y Mên đôi mắt rạng ngời bừng trên gương mặt nhăn nheo vì gió bụi thời gian, tự hào nâng tấm huy chương vẫn còn lấp lánh trước ngực lên khoe. Đó là thành tích trong những ngày tháng hào hùng, oanh liệt ở chốn núi rừng sâu thẳm mà ông được Nhà nước trao tặng. Nhưng đổi lại ông cũng mang không ít thương tích trên người…

Cái lạnh heo hút chốn núi rừng đêm vùng cao khiến tôi chợt rùng mình, bên cạnh những ché rượu cần thơm nồng và miếng thịt rừng được người làng thết đãi, tôi còn được nghe các già làng kể nhiều sự tích về làng Kông Trú, câu chuyện rùng rợn “ông ba mươi” về “tha” cả anh bộ đội bị sốt rét nằm trong trại… Và dưới ánh lửa bập bùng, ánh sáng hắt ra từ dòng điện Diezen soi rõ gương mặt già làng Y Mên và các già làng cứ trầm tư, bâng khuâng nỗi niềm.

Hiện tại, mong muốn nhất của dân làng Kông Trú là làm sao có được nguồn nước sạch sinh hoạt để giảm bớt bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét và đường ruột. Mong muốn có trường học phổ biến hơn để con em trong làng theo học, nhằm nâng cao sự hiểu biết. Bên cạnh đó, họ còn mong được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống tốt, có giá trị kinh tế, phù hợp với khí hậu, đất đai để bà con sản xuất có hiệu quả, giảm bớt cái đói và có điều kiện chăm sóc sức khỏe… Những mong muốn này rất thiết thực và chính đáng.

. Hải Âu - Việt Hùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cơ hội đổi đời của người nông dân  (13/03/2003)
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)
Đầu năm tính chuyện làm ăn  (05/03/2003)