Hiệu quả bước đầu của một đề tài nghiên cứu khoa học
17:21', 14/3/ 2003 (GMT+7)

Nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ.

Vừa qua, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiệm thu và xếp loại xuất sắc đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh trên vùng cát ven bờ biển tỉnh Bình Định”. Đề tài do Sở Thủy sản Bình Định thực hiện trong 2 năm 2001-2002, và kết quả của đề tài đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm trên cát ở Bình Định.

Năm 1999, tỉnh Ninh Thuận khởi xướng phát triển nuôi tôm trên cát, và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Kết quả này thúc đẩy phát triển nuôi tôm trên cát ở nhiều tỉnh, trong đó có Bình Định. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lại có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm, đến nay, Bình Định có diện tích nuôi tôm hơn 2.570 ha, trong đó có khoảng 45% diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh. Nhằm mục đích tiến tới sử dụng đất cát hoang hóa ven biển, mở rộng diện tích nuôi tôm, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân, năm 2001, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành thủy sản tỉnh phát triển nuôi tôm trên vùng đất cát ven biển. Đây là cơ sở cho đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh trên vùng đất cát ven bờ biển tỉnh Bình Định” ra đời. Đề tài do Sở Thủy sản chủ trì thực hiện với mục đích xây dựng được mô hình nuôi tôm sú thâm canh thích hợp trên cát ven bờ biển của tỉnh, xác định hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường của mô hình, và xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú thâm canh trên cát ven biển của tỉnh.

Bắt tay vào nghiên cứu đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài nhận thấy rằng: Nuôi tôm sú trên vùng cát ven bờ biển ở nước ta hiện nay áp dụng theo phương pháp ít thay nước, đào ao trên vùng đất cát hoang hóa ven biển, dùng màng chống thấm khắc phục sự thẩm lậu nước ở đáy, ở bờ để nuôi tôm công nghiệp. Nước mặn được cấp từ biển hoặc từ ao lắng, giếng nước mặn qua hệ thống máy bơm. Nguồn nước ngọt được cấp chủ yếu từ giếng nước ngầm. Nuôi tôm sú trên vùng cát có lợi thế là thuận lợi cho đầu tư nuôi tôm theo quy mô công nghiệp, cho sản lượng cao. Trong quá trình nuôi, hạn chế được sự lây truyền mầm bệnh theo chiều ngang, hạn chế được nguy cơ nhiễm bệnh do nguồn nước và môi trường xung quanh. Và đặc biệt là có thể chủ động nuôi 2 vụ trong 1 năm.

Trên cơ sở tham quan các mô hình nuôi tôm trên cát ở các tỉnh và tham khảo các tài liệu liên quan, Ban Chủ nhiệm đề tài tiến hành hoạt động nghiên cứu. Đầu tiên là điều tra, khảo sát, chọn địa điểm, dự kiến những thông số kỹ thuật quy trình nuôi tôm sú trên vùng đất cát và xây dựng phương án nuôi tôm thử nghiệm theo quy trình ít thay nước. Tiếp đó là bước nuôi thử nghiệm tại các ao nuôi. Năm 2001, đề tài đã xây dựng 12 ao nuôi tôm trên cát tại huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn, cụ thể là tại các xã Tam Quan Nam, Mỹ Thắng, Mỹ An và Nhơn Lý. Năm 2002, tiếp tục triển khai thực hiện trên 11 ao nuôi. Với quy trình được áp dụng một cách nghiêm ngặt và các bước được tiến hành cơ bản, qua 2 vụ nuôi thử nghiệm, kết quả, trong 23 lượt nuôi, năng suất tại các ao đạt bình quân 2.684 kg/ha/vụ, trong đó hầu hết các ao đạt từ 2.000-5.500 kg/ha, số ao đạt năng suất 3 tấn/ha chiếm 36%. Năng suất đạt cao song trong những năm 2001-2002, giá tôm rất thấp, mức doanh thu không cao, và do đó lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, kết quả chung qua 23 lượt nuôi, có 22 ao thu được lợi nhuận, tổng cộng 120.792.000 đồng.

Điều quan trọng hơn cả là kết quả của đề tài cho thấy khả năng nuôi tôm trên vùng cát ven biển, góp phần khai phá tiềm năng của vùng cát ven biển của tỉnh, và lập được quy trình nuôi phù hợp tại Bình Định, làm cơ sở cho việc quy hoạch và xây dựng dự án nuôi tôm trên cát của tỉnh Bình Định. Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, quy trình nuôi tôm trên cát như sau: Ao nuôi có diện tích từ 2.000-5.000 m2, hệ số mái từ 1-1,5 là phù hợp. Lớp đáy ao và mái bờ ao bằng ni lông chống thấm, gia cố mái bờ ao bằng tấm bê tông đúc sẵn hay dùng đất sét chống thấm và gia cố bờ ao là biện pháp kinh tế nhất  và bảo đảm chất lượng công trình nuôi. Để bảo đảm cho quá trình nuôi cũng như giữ cho môi trường nuôi vùng nuôi không bị ô nhiễm, hệ thống ao nuôi phải có ao chứa lắng chiếm 25-30% diện tích ao nuôi và có hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường. Đề tài xây dựng được quy trình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh bằng phương pháp ít thay nước với các thông số về thiết kế xây dựng ao nuôi, chuẩn bị ao nuôi, thả giống, cho ăn, quản lý chăm sóc, phòng trừ bệnh và thu hoạch. Hiện nay, các quy trình này đã và đang được chuyển giao cho người nuôi tôm trên vùng cát ở Bình Định. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng bãi hoang đất cát ven biển, mở rộng diện tích nuôi tôm, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn ven biển, tạo nhiều việc làm cho ngư dân. Qua kết quả của đề tài, ngành thủy sản tỉnh đã xây dựng quy hoạch nuôi tôm trên cát với tổng diện tích đến năm 2010 là 715,5 ha, trong đó diện tích mặt nước ao nuôi hơn 295 ha. Huyện Phù Mỹ lập dự án nuôi tôm trên cát quy mô 500 ha, đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang triển khai xây dựng công trình, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong năm nay. Bên cạnh đó, Công ty Asia Hawaii đã triển khai dự án nuôi tôm chân trắng trên cát tại huyện Phù Mỹ với quy mô 50 ha. Một số doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch triển khai nuôi tôm trên vùng cát của Bình Định.

Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm đề tài cũng kiến nghị một số vấn đề. Trước hết, tiềm năng vùng cát ven biển của Bình Định là rất lớn, có khả năng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, trong đó có phát triển nuôi tôm trên cát. Vì vậy, cần quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và thẩm mỹ, phù hợp với phát triển kinh tế hiện đại. Phát triển nuôi tôm trên cát được tiến hành đồng bộ từ đề tài nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng dự án, vì vậy cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để bảo đảm sự phát triển bền vững. Vùng nuôi thủy sản trên cát quy hoạch cần phải gắn liền với việc giữ gìn nguồn nước ngọt. Và cuối cùng là phải xây dựng một cơ chế quản lý cộng đồng của vùng nuôi tôm trên cát và xây dựng những trang trại nuôi tôm theo mô hình sản xuất lớn để tạo nên sự phát triển nuôi tôm bền vững trên vùng cát và tạo nên động lực mới cho nghề nuôi tôm của tỉnh.

. Khánh Hoàng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi niềm… Kông Trú  (13/03/2003)
Cơ hội đổi đời của người nông dân  (13/03/2003)
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)
Mỹ Trung được mùa tôm  (05/03/2003)