Phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim
20:41', 16/3/ 2003 (GMT+7)

Một góc Cồn chim

Vùng Cồn Chim là khu vực bao gồm các cồn nằm giữa đầm Thị Nại – thuộc địa phận xã Phước Sơn (Tuy Phước). Cách đây chừng 25 năm, trên các dải rừng ngập mặn có nhiều chim chóc sinh sống, chúng nhiều đến mức có thể leo lên cây để bắt sống như ở sân chim trong Nam Bộ (do đó mới có tên là Cồn Chim). Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, do khai thác không hợp lý và do dân cư phát triển mạnh mẽ, nhiều diện tích rừng đã bị phá nghiêm trọng. Gần đây, Bình Định đã đặt ra kế hoạch phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim. Dẫu muộn, nhưng những nỗ lực trong việc triển khai dự án nghiên cứu phục hồi dải rừng ngập mặn này rất đáng trân trọng và có ý nghĩa rất lớn.

* Hệ sinh thái quý giá

Các thủy vực nửa kín (semi – enclosed waters) trong đó bao gồm các đầm phá là một trong những hệ sinh thái được quan tâm nghiên cứu. Những thủy vực này gắn bó chặt chẽ với cộng đồng vùng ven biển và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong những thập kỷ gần đây, con người đã lạm dụng việc khai thác hệ sinh thái này, gây ra nhiều tác động tiêu cực, làm suy thoái tài nguyên và môi trường. Vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm là làm thế nào để nghiên cứu và ứng dụng thủy vực có hiệu quả kinh tế cao vừa duy trì được các quá trình sinh thái của hệ sinh thái nhạy cảm này.

Các đầm phá được coi là những thủy vực đặc trưng và rất độc đáo ở vùng ven biển miền Trung. Khu vực này bao gồm nhiều hệ sinh thái có giá trị cao như: rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô. Bên cạnh tầm quan trọng về mặt sinh thái, đây còn là môi trường sinh sống, làm việc của nhiều cư dân ven biển, đầm phá. Những năm gần đây, nạn ô nhiễm, khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và đặc biệt là việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch hợp lý đã làm biến thái, suy thóai những hệ sinh thái này.

So với các hệ sinh thái ở các vùng biển mở, các đầm phá nhạy cảm và dễ bị thương tổn hơn. Đầm Thị Nại của Bình Định là một vùng sinh thái phức hợp có đủ các đặc điểm quý giá kể trên và nó cũng đã bị biến dạng do chính sự khai thác bừa bãi của con người.

* Đầm Thị Nại bị biến dạng như thế nào ?

Ngư dân Cồn chim thu hoạch thủy sản 

Đầm Thị Nại có diện tích hơn 5.600 ha là một trong những điểm quan trọng trong kế hoạch quản lý đầm phá của nước ta. Ven đầm vốn là nơi phân bố rất phong phú rừng ngập mặn với diện tích hơn 1.000 ha, thảm cỏ biển chiếm diện tích khoảng 200ha. Những hệ sinh thái này đã tạo nên sự đa dạng sinh học, môi trường phát triển rất thuận tiện cho nhiều loại sinh vật tồn cư trong thủy vực, trong đó có cả cộng đồng dân cư sống ven đầm.

Song song với việc phát triển kinh tế – xã hội, những ưu điểm của đầm Thị Nại đã được khai thác triệt để nhưng không hợp lý. Hậu quả, đến nay, rừng ngập mặn hiểu theo nghĩa như một hệ sinh thái đã biến mất. Chỉ còn những dải cây ngập mặn phân bố rải rác ở một số nơi. Những đìa tôm, vuông tôm đã thế chỗ cho rừng cây, thảm cỏ biển. Bên cạnh đó cũng cần phải nhắc đến lượng chất thải từ khu dân cư ven đầm, từ cảng Quy Nhơn cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ suy thoái của hệ sinh thái. Thực tế đã bộc lộ nhiều tín hiệu xấu: người ta đã ghi nhận được hiện tượng đáy đầm bị nâng cao lên, các luồng lạch bị sa bồi, môi trường suy thoái và bệnh tật cũng xảy ra nhiều hơn trong nuôi trồng thủy sản, cảnh quan bị tàn phá, chim chóc bỏ đi và khả năng khai thác hệ sinh thái vào mục đích du lịch cũng mất đi nhiều. Những vấn đề về sinh thái và kinh tế đòi hỏi phải có có giải pháp khả thi khôi phục lại từng phần chức năng và vai trò của thiên nhiên để vừa đem lại lợi ích lâu dài, bảo tồn được vốn quý của tỉnh nhà vừa có thể mang lại những lợi ích bền vững về mặt kinh tế.

* Dự án phục hồi rừng ngập mặn Cồn Chim

Vùng Cồn Chim là khu vực bao gồm các cồn nằm giữa đầm Thị Nại – thuộc địa phận xã Phước Sơn (Tuy Phước). Cồn Chim dài chừng 2km, rộng khoảng 1,3km, diện tích tự nhiên chừng 250ha. Trước đây, cồn là rừng ngập mặn tự nhiên, là địa bàn cư trú của nhiều loại thủy sản như: tôm rằn, tôm bạc, tôm sú, cua, cá, rong câu chỉ vàng. Những người dân địa phương cho biết, cách đây chừng 25 năm, trên các dải rừng ngập mặn có nhiều chim chóc sinh sống, chúng nhiều đến mức có thể leo lên cây để bắt sống như ở sân chim trong Nam Bộ (do đó mới có tên là Cồn Chim). Từ quãng năm 1978, Xí nghiệp nuôi tôm đầm Thị Nại đã xây dựng một khu nuôi tôm nước lợ, sau đó nhiều hộ dân ở đây cũng bắt chước làm theo ... Thống kế cho thấy ít nhất là 400 ha rừng ngập mặn đã bị tiêu hủy để nhường chỗ cho gần 300ha hồ tôm. Không chỉ có vậy, do dân cư phát triển mạnh mẽ, nhiều diện tích rừng cũng bị phá đi để lấy chỗ làm nhà ở, vườn tược. Từng ít một, từng ít một ... và cho đến nay con người đã vô tình tiêu hủy hệ sinh thái rừng ngập mặn - một tài sản quý báu mà không hề ý thức được hết hậu quả.

Quá trình phát triển nghề nuôi tôm không theo quy hoạch khoa học, luồng lạch hai bên cồn đã bị thu hẹp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp thoát nước xung quanh, gây ảnh hưởng đến chính các hồ tôm và tiêu thoát lũ vào mùa mưa. Tài liệu cũ để lại cho biết, luồng vào phía Đông Cồn Chim rộng 600 – 800m, luồng phía Tây khoảng 400 – 600m, nay kết quả khảo sát năm 2000 cho thấy luồng phía Đông chỉ còn 85 – 150m, phía Tây chỉ còn 230 – 500m. Nghề nuôi tôm quảng canh cũng gặp nhiều khó khăn do bệnh tật, năng suất thấp dần ... Vấn đề phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim đã trở nên bức thiết.

Cuối năm 2002, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án trị giá gần 500 triệu đồng để nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, và bảo tồn nguồn lợi rừng ngập mặn Cồn Chim (Quy Nhơn và Tuy Phước). Việc tổ chức phục hồi 250 ha rừng ngập mặn ở khu vực này nhằm mục đích phục tạo lập lại môi trường sinh sống của các loại chim nước, thủy sản nước lợ, tăng diện diện tích cây xanh của thành phố, tạo cảnh quan hấp dẫn. Ngay trong năm nay, 3 ha rừng đước, sú vẹt đầu tiên sẽ được trồng lại ven bờ bao Cồn Chim.

Khi dự án Cồn Chim thành công, vùng còn sẽ trở thành một khu vực có diện tích rừng ngập mặn rất lớn được phục hồi, môi trường cư trú và phát triển của các loài thủy sinh vật sẽ trở lại và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học có điều kiện để triển khai. Nhưng quan trọng hơn cả là việc phục hồi rừng ngập mặn không hề mâu thuẫn với những lợi ích kinh tế của cộng đồng dân cư ven đầm nói chung và Cồn Chim nói riêng mà ngược lại, việc nuôi trồng thủy sản theo quan điểm kinh tế sinh thái sẽ mở hướng mới cho các cư dân ở đây phát triển đời sống ổn định bền vững. Một hệ quả tuy không dễ thấy nhưng rất quan trọng và chắc chắn sẽ xuất hiện đó là nhờ phục hồi rừng ngập mặn Cồn Chim sẽ tăng cường diện tích cho lá phổi xanh của Quy Nhơn. Hệ sinh thái phục hồi cũng giúp cân bằng sinh thái khu vực và môi trường thủy vực (semi – enclosed waters) góp phần giảm thiểu những rủi ro trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả bước đầu của một đề tài nghiên cứu khoa học  (14/03/2003)
Nỗi niềm… Kông Trú  (13/03/2003)
Cơ hội đổi đời của người nông dân  (13/03/2003)
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)
Người lao động và doanh nghiệp đều có lợi  (07/03/2003)
Những chuyển động tích cực trong sử dụng đất  (06/03/2003)
Kiên cố hóa kênh mương: Còn lắm gian nan!  (06/03/2003)