Một thanh niên nông dân làm máy cưa mía
17:36', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Nếu không tận mắt sẽ thật khó tin anh thanh niên - nông dân Hồ Duy Minh Đức, 27 tuổi, mới trình độ lớp 9 lại có thể chế ra cái máy cưa mía. Sinh ra trong một xã thuần nông ở Phước Lộc (Tuy Phước), ngoài làm ruộng anh Đức còn học thêm nghề máy nổ. Trong thời gian học nghề, tình cờ anh đọc được một bài báo nói về nguyên nhân thua lỗ của một số nhà máy đường là do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung, sử dụng nhiều lao động thủ công, dẫn đến giá thành sản phẩm cao đã hạn chế năng lực cạnh tranh, thế là anh nảy ra ý tưởng chế ra cái máy cưa mía.

Ban đầu không có vốn anh tích cóp tận dụng: dây sên, ổ líp xe, bánh đà, khung sắt… phế phẩm, mày mò chế thử cái máy cưa mía mi ni. Kẹt nỗi do hạn chế về trình độ, suốt 5 năm mày mò nghiên cứu, anh đã gặp phải hết thất bại này đến thất bại khác. Nhưng càng thất bại anh lại càng quyết tâm và sự bền chí của anh đã được đền đáp, cuối năm 2002, cái máy cưa mía đã thực sự “chào đời”. Anh Phạm Ngọc Thuận (ở cùng địa phương), người đã dạy nghề máy nổ cho anh Đức, cho biết: “Ban đầu tôi không mấy tin ý tưởng của Đức sẽ thành hiện thực, bởi muốn chế máy phải tính toán, phải vẽ bản thiết kế, còn trường hợp của Đức thì ngược lại, anh chỉ dựa vào sự vận hành của các máy nổ, máy tuốt lúa, máy cắt lúa… để nghiên cứu”. Anh Mang Văn Quí, một nông dân ở cạnh nhà Đức, vui vẻ cho biết: “Một hôm tôi bỗng nghe phía sau nhà có tiếng máy Honda nổ rất to (do máy chưa có ống hãm thanh), tôi chạy ra xem thì thấy cái máy của anh Đức đang cưa gọn mấy đám mía sau vườn. Lúc ấy tôi mới tin là cái máy cưa được mía”.

Được biết, hiện nay trên thị trường đã có máy cắt mía của Thái Lan, nhưng bà con chưa chuộng vì máy dùng dao chỉ cắt ở gốc mía và chỉ hoạt động tốt ở các ruộng mía trồng đúng cự ly thẳng hàng. Còn máy của anh Đức thì dùng 2 lưỡi cưa xích, chẳng những cưa được cùng lúc cả gốc lẫn ngọn, mà còn thay đổi được độ dài của thân mía cần thu hoạch từ 1m đến 1,8m, hơn nữa lại nhẹ, gọn, sử dụng được trên mọi địa hình. Khi hỏi về vốn đầu tư, anh Đức thật thà nói: “Nếu phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua một cái máy cắt mía của nước ngoài, thì với cái máy này bà con chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng. Trong đó 4 triệu là dùng lắp phần tính năng – cơ giới, 1 triệu là động cơ máy nổ (động cơ không cần dùng công suất lớn chỉ cần 1 máy xe mô tô Honda hay Suzuki đời cũ là được) là có ngay cái máy cưa mía ngon lành”.

Tiếng lành đồn xa, mới đây, bộ phận kỹ thuật của Công ty Đường Bình Định đã đến tham quan đề nghị được cùng anh Đức hợp tác để cái máy được hoàn thiện hơn, nhưng anh còn đắn đo vì muốn tự mình chế thêm cho máy một tính năng tuốt lá mía nữa. Hiện tại, cái máy cưa được mía vẫn là thành công bước đầu, cần phải có thời gian thử nghiệm hiệu quả ngay trên các vùng mía nguyên liệu, nhất là sự quan tâm của các nhà khoa học để cái máy được hoàn thiện hơn. Hy vọng xuất phát từ ý tưởng đẹp, cái máy cưa mía của anh Đức sẽ sớm có mặt trên các vùng mía, giảm bớt nỗi vất vả của bà con nông dân.

. Cao Zạ Thảo Ái Vy

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cơ chế mới, phát triển mới  (17/03/2003)
Bước khởi đầu suôn sẻ  (17/03/2003)
Phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim   (16/03/2003)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài nghiên cứu khoa học  (14/03/2003)
Nỗi niềm… Kông Trú  (13/03/2003)
Cơ hội đổi đời của người nông dân  (13/03/2003)
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)
Bá Non dám nghĩ, dám làm  (09/03/2003)