Lấy hè thu bù đông xuân
17:12', 18/3/ 2003 (GMT+7)

Năm 2003, ngành nông nghiệp phấn đấu sản xuất 118.000 ha lúa, năng suất đạt 45,5 tạ/ha, sản lượng đạt 536.900 tấn. Thế nhưng, vụ sản xuất đầu tiên trong năm, do thời tiết diễn biến phức tạp, cộng vào đó một số địa phương không thực hiện đúng lịch thời vụ sản xuất nên hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, vụ sản xuất hè-thu, ngành nông nghiệp Bình Định quyết tâm “lấy hè thu bù đông xuân”.

* Từ thất bại vụ sản xuất đông xuân

Để đạt được sản lượng 536.900 tấn lúa trong năm như đã đề ra tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa IX, ngành nông nghiệp quyết tâm giành thắng lợi ngay từ vụ sản xuất lúa đầu tiên trong năm bằng việc tổ chức triển khai kế hoạch và các giải pháp sản xuất vụ đông xuân sớm hơn để các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất đông xuân phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Công tác giống cũng đã được Trung tâm giống cây trồng tỉnh, các địa phương và nông dân chủ động ngay từ vụ mùa năm 2002. Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo cho Chi cục BVTV tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh có thể phát sinh trên đồng ruộng và khuyến cáo cho nông dân phòng bị kịp thời. Vụ đông xuân này, toàn tỉnh đã thực hiện được 47.57 ha, đạt 102,51% so với kế hoạch năm, tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, cộng vào đó là sự chỉ đạo điều hành khâu thời vụ ở một số địa phương không kiên quyết, nông dân tự gieo sạ lúa đông xuân sớm hơn lịch thời vụ chung của tỉnh, dẫn đến có nhiều trà lúa trong một vụ sản xuất. Điều đáng nói là có đến 16.149 ha lúa, chiếm 34,3% tổng diện tích lúa đông xuân sạ sớm đến giai đoạn cây lúa phân đòng, trổ bông gặp thời tiết rét đậm kéo dài nên bị bệnh vàng lá trên diện rộng, lúa trổ không thoát, bị lem lép hạt, sâu cuốn lá, rầy nâu … phá hại. Đến nay, phần lớn những diện tích thuộc trà lúa sớm đã thu hoạch, năng suất đạt từ 39-40 tạ/ha, một số xã phía bắc Hoài Nhơn năng suất gảm 8tạ/ha, Phù Mỹ giảm 3 tạ/ha, Phù Cát giảm 5 tạ/ha…. Bên cạnh thất thu ở trà lúa sớm, còn có trên 3000 ha lúa, do bị ngập lụt nông dân phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Giai đoạn đầu mới sạ, diện tích này bị bọ trĩ phá hại nặng nên có khả năng ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, nạn chuột còn phát sinh và gây hại trên 858 ha lúa, nặng nhất là các  huyện: Hoài NHơn(400 ha), Phù Mỹ(70 ha), Tuy Phước (150 ha), Tây Sơn (80 ha)…tỷ lệ gây hại từ 30-50%. Hiện, có 27.696 ha lúa trà chính vụ, chiếm 58,9% tổng diện tích của cả vụ đang trong thời kỳ trổ bông, và 3.195 ha lúa muộn đang đẻ nhánh làm đòng. Tuy nhiên theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, hiện trên các cánh đồng lúa đã xuất hiện các loại sâu bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm như KD18, Uải32…và nếu không phòng trị kịp thời sẽ có nguy cơ bùng phát.

Như vậy, dù vụ đông xuất chưa kết thúc, nhưng từ thực tế thu hoạch trà lúa sớm đến các trà lúa khác trên đồng ruộng, năng suất chung của cả vụ khó có thể đạt được như đã đề ra. Đây được xem là thất bại, vì so với các mùa vụ khác trong năm, thì vụ đông xuân có nhiều thuận lợi hơn về thời tiết, khí hậu, nước tưới và sự chuẩn bị khá chu đáo của  nông dân trong tỉnh.

Lấy hè thu bù đông xuân

Với phương châm “lấy hè thu bù đông xuân”, vụ sản xuất hè thu năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sử dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Riêng đối với cây lúa, có thể mở rộng diện tích gieo sạ ở những nơi có đủ nước tưới, đẩy mạnh đầu tư thâm canh để tăng năng suất, sản lượng lúa, phấn đấu toàn tỉnh gieo sạ 39.000 ha lúa hè thu, năng suất bình quân 50 tạ/ ha.

Để đạt được mục tiêu đó, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương xây dựng và triển khai phương án sản xuất vụ hè thu năm 2003. Đối với những địa phương có diện tích lúa đông xuân sạ trước lịch thời vụ, phải tổ chức đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm cho vụ sản xuất hè thu năm nay và những năm sau. Giao cho Trung tâm giống cây trồng, Công ty vật tư kỹ thuật nông nghiệp chủ động khai thác nguồn hàng để cung ứng đầy đủ và kịp thời các loại vật tư phân bón, giống phục vụ cho sản xuất. Đến nay, Trung tâm giống cây trồng và các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị được khoảng 3.973 tấn lúa nguyên chủng, cấp I chủ yếu các giống KD18, Uải32, ML48, ML49, ML1490, 0M2031… Những loại giống lúa này đều nằm trong cơ cấu chủ lực và khuyến cáo của Sở. Như vậy, lượng giống đảm bảo đủ gieo sạ khoảng 33.108 ha bằng 85% diện tích gieo sạ vụ hè thu. Hiện có một số địa phương đã cân đối đủ giống cấp I cho sản xuất vụ hè thu như: An Nhơn, Hoài Ân, và các địa phương khác thiếu giống đang tìm nguồn giống để cung ứng cho nông dân sản xuất. Công ty khai thác công trình thủy lợi đã phối hợp với các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình nguồn nước, chủ động khoanh vùng tưới chắc để sản xuất lúa, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do Công ty quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất. Sở cũng đã đề nghị UBND tỉnh thành lập Hội đồng phân phối nước để xử lý việc điều tiết nước tưới trên hệ thống sông Côn, đề xuất lịch tưới. Theo tin từ Công ty KTCTTL, hiện nguồn nước tưới cân đối từ các công trình hồ chứa, đập dâng đủ tưới cho khoảng 37.000 ha, còn lại khoảng 2000 ha, nông dân các địa phương tự khai thác nước ngầm, các vùng khác thiếu nước chuyển sang sản xuất cây trồng cạn.

Chi cục BVTV cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương nơi mình đứng chân kiểm tra tình hình sâu bệnh, dự tính, dự báo sâu bệnh gây hại và hướng dẫn cho nông dân các biện pháp phòng trừ cụ thể, hợp lý. Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh cân đối đủ kinh phí cho nhu cầu phát triển giống cây trồng cho năm 2003, tiếp tục hỗ trợ chi phí giống cho diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác theo tinh thần quyết định số 16/QĐ-UB ngày 5 tháng 2 năm 2002 của UBND tỉnh.

Với sự chuẩn bị khá chu đáo như hiện nay, hy vọng ngành nông nghiệp sẽ lấy hiệu quả sản xuất của hè thu bù cho vụ đông xuân.

. Phạm Tiến Sỹ 
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một thanh niên nông dân làm máy cưa mía  (18/03/2003)
Cơ chế mới, phát triển mới  (17/03/2003)
Bước khởi đầu suôn sẻ  (17/03/2003)
Phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim   (16/03/2003)
Hiệu quả bước đầu của một đề tài nghiên cứu khoa học  (14/03/2003)
Nỗi niềm… Kông Trú  (13/03/2003)
Cơ hội đổi đời của người nông dân  (13/03/2003)
Duyên Hải - phát triển để tiến đến hội nhập  (12/03/2003)
Dân thêm việc, rừng thêm cây  (12/03/2003)
Nghề trồng dưa hấu  (12/03/2003)
Khởi động tuyến đường ven biển  (12/03/2003)
Chuyện ghi ở Đài 108  (11/03/2003)
Người mang lại màu xanh cho đảo Nhơn Châu  (10/03/2003)
Dự án phong điện Phương Mai chuẩn bị khởi động  (10/03/2003)
Đổi thay ở Hoài Xuân   (09/03/2003)